CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Bài trích] Nghị Quyết 30a của Chính phủ là cơ hội để đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Nghệ An

| | 0 nhận xét
Nghệ An là tỉnh có 3 trong số 62 huyện nghèo của cả nước thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ là Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Đến thời điểm này, 3 huyện trên cơ bản đã hoàn thành việc xóa nhà tạm bợ đợt I/2009. Chưa bao giờ các huyện đặc biệt khó khăn Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong lại có điều kiện đầu tư toàn diện đến vậy. Từ xóa nhà tranh, nhà tạm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng, đến đào tạo nguồn nhân lực... Tất cả cho một mục tiêu “Tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo, bảo đảm đến năm 2020 ngang bằng các huyện khác trong khu vực”.
Để thực hiện Nghị quyết 30a/CP có hiệu quả, Ban chỉ đạo đã được thành lập từ tỉnh, huyện xuống cơ sở, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, 3 huyện đã hoàn thành xây dựng Đề án phát triển kinh tế-xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững.
Trên cơ sở đề án được tỉnh phê duyệt, các nguồn lực tài chính của Trung ương, của tỉnh và các doanh nghiệp ủng hộ lần lượt đã được chuyển đến bà con. Thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg về việc cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cấp nguồn vốn năm 2009 cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An là gần 128,6 tỷ đồng. Kinh phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nguồn vốn Trung ương cho tạm ứng năm 2010 là 75 tỷ, theo đó mỗi huyện được cấp 25 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn. 8 tổng công ty, tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp cam kết hỗ trợ các huyện nghèo với số tiền lên đến 85,66 tỷ đồng.
Trong đó, huyện Kỳ Sơn có 2 doanh nghiệp nhận giúp đỡ là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (32 tỷ), Công ty xi măng Nghi Sơn (4,8 tỷ); huyện Tương Dương có 2 doanh nghiệp: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (17 tỷ), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (26 tỷ) và huyện Quế Phong có 4 tổng công ty tài trợ: Tổng công ty VTC, Tổng cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty kinh doanh vốn Nhà nước, Tập đoàn Bảo Việt Việt Nam với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng và một số chương trình khác.
Để giúp các huyện đẩy nhanh tiến độ rà soát hộ nghèo, rà soát đất rừng, xây dựng đề án tổng thể, đề án phát triển sản xuất... ngành Lao động Thương binh xã hội, ngành Nông nghiệp đã tăng cường 6 cán bộ lên giúp 3 huyện nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng đã tăng cường 11 cán bộ tín dụng cho 3 phòng giao dịch 3 huyện. Ban chỉ đạo cấp tỉnh định kỳ mỗi tháng họp 1 lần nghe báo cáo tiến độ thực hiện nhằm bổ cứu, tháo gỡ những vướng mắc từ cơ sở.
Ưu tiên xóa nhà tranh tre, nhà tạm:
Với nhiều nội dung được thực hiện song Ban Chỉ đạo các cấp thống nhất chọn công tác xóa nhà ở tạm bợ được triển khai đầu tiên. Theo đó, một đợt tổng điều tra, rà soát, bình xét hộ nghèo đã được diễn ra trên quy mô toàn vùng đảm bảo công khai, dân chủ. 3 huyện hiện có 6.339 hộ nghèo/7.355 hộ được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí làm nhà ở với tổng số tiền gần 53,3 tỷ đồng. Tùy điều kiện thực tế các địa phương có sự lựa chọn công trình thiết thực liên quan đến dân sinh để triển khai đầu tư nhanh. Huyện Kỳ Sơn bố trí vốn 10 công trình, đến thời điểm này đã khởi công hầu hết với tỷ lệ giải ngân vốn đạt 50%. Huyện Tương Dương do nguồn vốn tập trung vào 3 công trình trọng điểm: cầu treo, hệ thống lưới điện xã Xiêng Mi, một công trình đường giao thông nên nguồn vốn đã giải ngân được 17,5 tỷ đồng, đạt trên 70% khối lượng. Huyện Quế Phong tập trung đầu tư 8 công trình trong đó đã “giải” được bài toán thủy lợi, nước sinh hoạt cho Dự án tái định cư Minh Châu của đồng bào Mông, xã Tri Lễ.
Thực hiện hỗ trợ gạo cho hộ nghèo khu vực biên giới, gần 1.000 tấn gạo đã được chuyển tới đồng bào trong thời điểm giáp hạt. Uỷ ban Nhân dân tỉnh cũng đã phê duyệt dự toán kinh phí hỗ trợ đầu tư nông, lâm, ngư nghiệp cho 3 huyện hơn 20,3 tỷ đồng để thực hiện các nội dung hỗ trợ về chăn nuôi, khai hoang, phục hóa đất sản xuất, khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ gạo cho hộ nghèo trồng rừng, khuyến nông khuyến lâm.
Niềm vui người nghèo:
Sau gần 1 tháng chuyển vào ở trong ngôi nhà mới, vợ chồng Lê Văn May và Lô Thị Thảo ở bản Na Chảo, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) vẫn cứ ngỡ trong mơ. Nhà mới trị giá đến hơn 30 triệu đồng, thêm chiếc giường, tủ, bộ bàn ghế cũng mới khiến họ cảm thấy cuộc sống thực sự đã sang trang. Cách đây 4 tháng, khi được xét trong diện hộ nghèo được xóa nhà đợt 1, anh Lê Văn May xác định đây là cơ hội để gia đình có mái ấm vững chắc. Thế là vợ chồng anh vừa tranh thủ sự hỗ trợ của bà con dân bản vừa chủ động tận dụng vật liệu tại chỗ đóng gạch táp lô, mua gỗ làm kèo cột. Hôm chúng tôi tới bản Na Chảo, 2 vợ chồng mừng lắm, vừa rót chén nước mời khách, anh May xúc động nói: “Có được nhà mới rồi, lại được hỗ trợ mua bò giống, trồng cỏ, khoanh nuôi bảo vệ rừng, gia đình không còn đói nghèo nữa. Con cái bây giờ có nơi ở, nơi học đàng hoàng rồi, tôi mừng lắm...”.
Còn tại bản Hòm, gia đình anh Lô Văn Quỳnh chỉ còn khoảng 1 tuần nữa chuyển vào ở ngôi nhà mới cũng chung tâm trạng giống anh May ở bản Na Chảo. Căn nhà của gia đình anh trị giá gần 50 triệu đồng. Anh Quỳnh tâm sự: Chưa có điều kiện để làm nhà bếp mới nhưng cũng muốn để lại căn nhà cũ làm đối chứng giữa lúc đói khổ và bây giờ... Niềm vui của hộ gia đình anh May bản Na Chảo, anh Quỳnh bản Hòm là niềm vui chung của 80 hộ gia đình tại xã Hữu Kiệm trong diện làm nhà đợt 1. Là huyện nghèo khó khăn nhất trong số 3 huyện nghèo của tỉnh thực hiện Nghị quyết 30a, Kỳ Sơn chọn hạng mục xóa nhà tạm bợ làm khâu đột phá.
Theo thống kê, hiện Kỳ Sơn có 2.395 nhà tạm phải xóa, trong đó đợt 1 năm 2009 hoàn thành việc xóa 1.338 nhà trên địa bàn 14 xã vùng sâu, vùng xa theo phương thức “nơi khó khăn xóa trước, nơi thuận lợi làm sau”, đến 15/12/2009 là hoàn thành. Đến thời điểm này, nhờ nguồn vốn theo Quyết định 167/CP, tổng khối lượng 18 tỷ đồng; 20 tỷ/32 tỷ nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam, trong đó đã cấp cho các xã 12 tỷ đồng; Công ty Cổ phần xi măng Hoàng Mai cũng đã chuyển đủ 4,8 tỷ đồng theo cam kết, nhờ đó các xã cơ bản xóa nhà tạm đúng tiến độ kế hoạch.
Ông Vi Hải Thành, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 30a huyện Kỳ Sơn cho biết, vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo của huyện, trước hết là vì mái ấm cho người nghèo, huyện lấy việc hoàn thành “mái ấm cho người nghèo” là cơ sở để triển khai thực hiện tốt các hạng mục khác của Nghị quyết, đẩy nhanh tiến độ xóa đói, giảm nghèo bền vững./.

Hữu Nghĩa
>> Tạp chí Dân tộc số 111 (3-2010)

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel