CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Bài trích] Bộ đội biên phòng Bình Phước - Những người con của bản làng nơi biên giới

| | 0 nhận xét
Bình Phước là tỉnh miền núi, có 240 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Toàn tỉnh có 41 dân tộc, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 22%. Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế đối với đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới đã được triển khai có hiệu quả trên địa bàn. Đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số đang từng bước được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân trong thời kỳ mới. Tuy nhiên tình hình địa bàn, nhất là ở vùng biên giới, đang còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc, trình độ dân trí thấp và những khó khăn về kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định địa phương. Mặt khác do tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường, nhiều hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội vẫn chưa bị đẩy lùi.
ý thức sâu sắc tình hình trên, Đảng uỷ, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước xác định: Tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng biên giới hiểu và chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, qui định của địa phương; cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, chủ động và tự giác tham gia giữ gìn, bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn là chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng của bộ đội Biên phòng tỉnh. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đó, cấp uỷ, chỉ huy các đơn vị bộ đội Biên phòng Bình Phước đã thường xuyên nghiên cứu, nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách dân vận của Đảng, Nhà nước; quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về đẩy mạnh công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc. Chăm lo giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc. Đồng thời, xác định cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ, công tác dân vận trong tình hình mới vừa có tính chiến lược lâu dài, vừa là nhiệm vụ thiết thực, cấp bách hiện nay.
Với tinh thần đó, những năm qua, bộ đội Biên phòng Bình Phước đã tham mưu đắc lực cho cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói giảm nghèo, xoá mù chữ, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc biên giới quốc gia. Trước hết, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số vay vốn, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi có năng suất cao để đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho nhân dân. Cùng với đó, bộ đội Biên phòng Bình Phước đã phối hợp với địa phương xây dựng mô hình “trồng lúa nước” ở xã Lộc Thiện (Lộc Ninh). Đây là mô hình điểm cấp tỉnh, giúp đồng bào từ bỏ phương thức canh tác lạc hậu, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật canh tác mới, kết hợp chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao theo hướng sản xuất tập trung, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Bộ đội Biên phòng Bình Phước đã tận tình hướng dẫn bà con quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phương pháp bảo quản, sơ chế sau thụ hoạch, nâng cao chất lượng, làm tăng giá trị sản phẩm... Nhờ vận dụng mô hình điểm, nhiều hộ đã thoát khó khăn kinh tế khi giáp hạt, góp phần xoá đói giảm nghèo cho trên 35 hộ ở xã biên giới Lộc Thiện.
Bộ đội Biên phòng Bình Phước còn đóng góp hàng trăm ngày công lao động sản xuất giúp dân tu sửa hàng chục km đường giao thông liên thôn, liên ấp. Các đội công tác chuyên trách phát huy truyền thống “thầy giáo quân hàm xanh”, đi cơ sở tìm hiểu, vận đồng đồng bào, tổ chức 4 lớp học văn hoá, xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho 130 em, đưa 52 em trở lại lớp chống tái mù chữ. Các đội quân dân y kết hợp của bộ đội Biên phòng Bình Phước cùng đội công tác của 2 bệnh viện Chợ Rẫy và Trưng Vương (thành phố Hồ Chí Minh) hàng năm đều duy trì phối hợp khám, chữa bệnh, tổ chức phòng  chống dịch bệnh, tẩm mùng, phun thuốc diệt muỗi, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng trăm đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng biên, giá trị hàng chục triệu đồng, góp phần dập tắt một số ổ dịch (tiêu chảy, sốt rét, sốt xuất huyết...) bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Để xây dựng các mô hình điểm sáng văn hoá trong đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ đội Biên phòng Bình Phước chủ động phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh... xây dựng chương trình hành động cụ thể cho từng ban, ngành thực hiện. Vào các ngày lễ Tết, tổ chức giao lưu, kết nghĩa, văn hoá, văn nghệ... phục vụ đồng bào. Tại những địa phương được chọn để xây dựng điểm như Bù Tam, Phước Tiến, Thiện Cư (Bù Đốp), Lộc An, Lộc Tấn (Lộc Ninh), Bù Gia Mập (Phước Long)... đồng bào đều nhiệt tình hưởng ứng các phong trào, thực hiện ăn, ở vệ sinh; bài trừ mê tín dị đoan, loại bỏ hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi... cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá cộng đồng.
Bộ đội Biên phòng Bình Phước còn tăng cường cán bộ cho 15 xã biên giới, giúp cấp uỷ, chính quyền cơ sở xây dựng cơ sở chính trị, củng cố, kiện toàn 19 chi bộ, 24 thôn ấp, 36 chi hội Phụ nữ, 12 Hội đồng già làng và 333 tổ an ninh nhân dân; tham mưu cho địa phương lựa chọn nhiều thanh niên người dân tộc đưa đi đào tạo cán bộ cơ sở. Nhờ vậy, lòng tin của dân với Đảng, chính quyền và mối quan hệ quân dân được củng cố, thắt chặt, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động.
Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng Bình Phước thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các đồn biên phòng, các đội công tác chuyên trách trong triển khai nhiệm vụ phải luôn dựa vào cấp uỷ, chính quyền cơ sở, sự chỉ đạo của Ban Dân tộc và sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, các tổ chức đoàn thể để đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số. Bộ đội Biên phòng Bình Phước còn chủ động phối hợp với các đội công tác 123 của Bộ chỉ huy Quân sự Bình Phước, đội công tác của Công an... để tuyên truyền, quán triệt tinh thần Hiệp định bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 của Nhà nước, Nghị quyết 03/NQ-TW về “Xây dựng và tăng cường bảo vệ an ninh biên giới trong tình hình mới” cho đồng bào dân tộc. Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thực hiện chương trình “Vận động nông dân các dân tộc vùng biên giới đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ biên giới” giai đoạn 2006 - 2010: Các đội công tác vận động quần chúng còn tranh thủ uy tín già làng, trưởng bản, phum, sóc để giáo dục, tuyên truyền, phát động quần chúng tham gia các phong trào bảo vệ an ninh biên giới.
Các đơn vị bộ đội Biên phòng Bình Phước luôn bám sát tình hình thực tiễn ở từng thôn, bản, phum, sóc có chủ trương, biện pháp công tác dân vận, vận động đồng bào dân tộc phù hợp. Vận dụng linh hoạt các phương thức tuyên truyền để đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Kết hợp tuyên truyền tập trung tại các buổi sinh hoạt cộng đồng với tuyên truyền nhỏ, lẻ cho từng cá nhân, từng hộ đồng bào khi tham gia lao động, sản xuất giúp dân, hoặc trong dạy học và khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí... Từ đầu năm 2009 đến nay, bộ đội Biên phòng Bình Phước đã tổ chức tuyên truyền tập trung được 474 buổi cho hơn 1.400 lượt người, tuyên truyền nhỏ lẻ cho 1.4002 hộ đồng bào dân tộc; duy trì định kỳ phát chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới” trên truyền hình địa phương cho nhân dân và đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Trong tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc, bộ đội Biên phòng Bình Phước bảo đảm chính xác, trung thực, đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đồng thời kiên trì, nhẫn nại thuyết phục, không gò ép, mệnh lệnh. Gặp trường hợp khi đồng bào do bị các thế lực chống đối khống chế, kích động có thái độ và hành động quá khích, bộ đội Biên phòng Bình Phước bình tĩnh, kiên trì thuyết phục, không manh động và không để mắc vào bẫy của chúng dẫn đến hậu quả khó lường.
Cùng với những hoạt động trên, bộ đội Biên phòng Bình Phước thường xuyên kiện toàn, củng cố lực lượng chuyên trách, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác vận động quần chúng, nhất là đối với đồng bào dân tộc. Trong đó, ưu tiên việc lựa chọn những cán bộ là người dân tộc, có năng lực, có kiến thức và kinh nghiệm để bổ sung cho đội ngũ chuyên trách làm công tác vận động quần chúng. Kết hợp tổ chức huấn luyện, đào tạo tại chỗ và gửi đi bổ túc tập trung tại các trường của tỉnh của Bộ để bồi dưỡng chuyên môn. Trong giáo dục, huấn luyện, chú trọng truyền đạt những nội dung về chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức kinh tế-xã hội, phong tục, tập quán của địa phương, của từng dân tộc, cập nhật một số tình hình mới và các giải pháp hoá giải. Khuyến khích phong trào tự học tiếng dân tộc của cán bộ, chiến sĩ, thực hiện phương châm: “người biết dạy người chưa biết, người biết nhiều dạy người biết ít, người đi trước dạy người đi sau” và “chỉ tiêu hàng ngày trước khi đi cơ sở mỗi người phải thuộc ít nhất 5 từ thông dụng đã được các đồn biên phòng, các đội công tác duy trì thường xuyên. Đến nay nhiều cán bộ, chiến sĩ đã thông thạo 2-3 thứ tiếng dân tộc, nên rất thuận lợi khi thâm nhập và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc nơi biên giới thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc biên giới quốc gia.
Với những đóng góp thiết thực trên, bộ đội Biên phòng Bình Phước thật sự xứng đáng là những người con của bản làng, phum, sóc ở địa phương./.

Trường Huy
>> Tạp chí Dân tộc số 111 (3-2010)

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel