Niên vụ 2009-2010, cà phê Tân Châu (Di Linh-Lâm Đồng)
được mùa, được giá. Dọc theo các con đường trong xã đâu đâu cũng thấy bà con
phơi cà phê, cà phê đầy ắp trước sân nhà, sân trường, sân Uỷ ban Nhân dân...
Nhờ cà phê được mùa, được giá nên đến hết năm 2009, xã có thêm 15 hộ
thoát nghèo. Những ngày chuẩn bị đón xuân Canh Dần 2010 vừa qua, bà con kéo
nhau ra thị trấn mua sắm xe máy, ti vi, tủ lạnh, hàng trang trí nội thất (tủ,
bàn ghế…). Một số khác mua sắm máy bơm, ống tưới nước tiếp tục đầu tư mở rộng
diện tích cà phê.
Cũng như nhiều vùng khác ở Tây
Nguyên, cách đây không lâu, Tân Châu là một miền quê nghèo. Trên 70% dân số của
xã là người dân tộc thiểu số, vốn quen với tập quán du canh du cư, phá rẫy làm
nương trồng cây ngô, cây sắn, nhà lại đông con… nên hầu như các hộ gia đình đều
ở trong tình cảnh nghèo khó, mỗi năm thiếu ăn chừng 5, 6 tháng phải trông chờ
vào sự cứu trợ của Nhà nước. Kèm theo sự đói nghèo là dân trí thấp, trẻ con
không được học hành, là những hủ tục lạc hậu… Đó là điều kiện để phát sinh sự
mất đoàn kết giữa các dân tộc và nơi để các thế lực thù địch lợi dụng kích động
nhằm phá rối trật tự an ninh xã hội.
Nằm trên vùng đất Tây Nguyên
màu mỡ và nhiều tiềm năng nhưng lại phải chịu cảnh đói nghèo là nỗi trăn trở
của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tân Châu. Cùng với công cuộc
đổi mới của đất nước, Đảng bộ Tân Châu đã thay đổi tư duy từng bước phát huy
nội lực, khai thác những tiềm năng, thế mạnh, tìm cách làm phù hợp để dần cải
thiện đời sống nhân dân và làm giàu. Xã đã tổ chức quy hoạch lại đất đai, xây
dựng các công trình thủy lợi, tiến hành giao đất, giao rừng cho các hộ nông dân
để quản lý, khai thác, đồng thời nghiên cứu đưa các loại cây trồng phù hợp với
điều kiện khí hậu, đất đai vào sản xuất. Chủ trương, chính sách là vậy, nhưng
vào thực tế Tân Châu gặp muôn vàn khó khăn, mà trước hết là tư duy, nhận thức
của đồng bào dân tộc thiểu số lúc ấy còn rất hạn chế. Để thay đổi nhận thức của
bà con từ bao đời nay, cấp ủy và chính quyền Tân Châu đã chỉ đạo các đảng viên
và chọn một số hộ gia đình có khả năng làm trước để bà con làm theo.
Gia đình K’Nim được xã giao hơn
2 ha đất và hướng dẫn cách trồng cây cà phê. Được cán bộ tận tay chỉ việc hàng
ngày, gia đình anh đã cần mẫn cải tạo đất, chọn giống, trồng cây… Sau nhiều
ngày vất vả, vườn cà phê của gia đình K’Nim và bắt đầu cho thu hoạch. Cùng với
đó gia đình anh đã thoát nghèo, mỗi năm gia đình anh thu nhập 3-4 trăm triệu
đồng, giúp anh có điều kiện mở rộng sản xuất và nâng cao đời sống. Gia đình anh
vừa xây một ngôi nhà trị giá trên 1,5 tỷ đồng. Để có được như ngày hôm nay,
K’Nim cũng trải qua nhiều khó khăn từ kiến thức đến tập quán, từ đồng vốn đầu
tư đến sự bấp bênh của giá cả thị trường. Có được sự hiểu biết về cây cà phê,
K’Nim đã học tập từ sách báo rồi đến tìm hiểu kinh nghiệm thực tế ở những nơi
khác như Đắc Lắc, Gia Lai. Và trong sự phát triển kinh tế của gia đình K’Nim có
sự hỗ trợ, giúp đỡ hết sức tích cực và hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa
phương mà anh không bao giờ quên. Từ một người nông dân chân chất, K’Nim đã trở
thành người trồng cà phê nhiều kinh nghiệm, nên cà phê của anh tốt nhất vùng,
sản lượng luôn đạt 5-6 tấn/ha.
Những kinh nghiệm làm cà phê
của K’Nim được chia sẻ cho những người khác, đầu tiên là anh em họ hàng, sau đó
là hàng xóm… và giờ đây nhiều người cũng làm được như anh.
Chạy dọc các thôn 1,2,3,4,6,5
là những thôn đồng bào dân tộc thiểu số, nhà nào cũng đầy ắp cà phê. Nhà
K’Biểu, K’Phèng, K’Phòi (thôn 4) đều có trên 30 tấn cà phê nhân; nhà K’Breo sản
lượng ít hơn những cũng kịp bán để xây ngôi nhà mới trị giá gần 100 triệu đồng
ở thôn 5, nơi có đông đồng bào
Nùng sinh sống, ở đây có những “tỉ phú” thực thụ như nhà ông Đặng Tích Hoa,
Đặng Văn Thu, Lưu Văn Chi… đều có sản lượng từ 50-60 tấn cà phê nhân.
Toàn xã năm qua có trên 11.350
tấn cà phê nhân (tăng gấp 8 lần năm 2005), tổng giá trị sản phẩm khoảng 350 tỉ
đồng. Tân Châu hiện có 10.200 dân, nếu chia bình quân thu nhập đầu người năm
2009 đạt 2 ngàn USD/người.
Quá trình phát triển của Tân
Châu có thể nói là kết quả của một sự thay đổi về cách nghĩ, cách làm và quyết
tâm từ cấp ủy, chính quyền cho đến người dân, mà đứng đầu là ông K’Nhơr- nguyên
Bí thư Đảng uỷ xã-người gắn bó gần cả cuộc đời cho sự phát triển của Tân Châu
Những năm đầu khó khăn, cấp ủy
Đảng và chính quyền xã Tân Châu kiên trì tổ chức cho người dân định canh định
cư, kiên trì thuyết phục nhân dân bằng cách làm thực tế để mắt thấy tai nghe bà
con mới làm theo. Ngoài việc nghiên cứu, tìm hiểu các loại cây trồng phù hợp
rồi quy hoạch phân vùng các loại đất, xã đã huy động các nguồn vốn xây dựng các
công trình thủy lợi phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu, rồi tìm kiếm thị trường
tiêu thụ sản phẩm làm ra… Trong quá trình thực hiện, Tân Châu đã gặp không ít
khó khăn, thậm chí thất bại nhưng sự kiên trì đã giúp họ thành công.
Ông K’Nhơr, Nguyên Bí thư Đảng
ủy xã Tân Châu kể: “Quá trình thay đổi diễn ra vừa lâu vừa mau. Lâu vì phải
thuyết phục vận động. Mau bởi vai trò của cán bộ, đảng viên là đầu tàu gương
mẫu. Cán bộ đảng viên vừa lãnh đạo tốt cũng phải vừa phát triển kinh tế gia
đình tốt để làm vai trò tiên phong, gương mẫu. Như vậy để chứng tỏ rằng đảng
viên đã hiểu cái đường lối, chủ chương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Và
muốn vận động quần chúng thật tốt, để nhân dân làm giàu thì bản thân người đảng
viên phải suy nghĩ khai thác điều kiện tư nhiên để làm giàu trước đã”.
Bản thân ông K’Nhơr cũng là một
hộ làm kinh tế giỏi. Vừa làm Bí thư Đảng ủy xã, ông vừa cố gắng phát triển kinh
tế gia đình. Với 5 ha cà phê gia đình ông mỗi vụ thu hoạch được 4-5 trăm triệu
đồng. Để phát triển sản xuất, ông đã trang bị máy móc cơ giới gồm máy xay xát,
máy cày, xe công nông vận chuyển cà phê, máy bơm nước. Ngoài ra ông còn giải
quyết lao động cho hơn 20 người từ các tỉnh khác với mức thu nhập 3-4 triệu
đồng/tháng. Ông tâm sự “Bây giờ đảng viên phải biết làm giàu, tất nhiên là làm
giàu từ mồ hôi công sức của mình thì người dân mới nghe theo, làm theo”.
Từ một xã nghèo, giờ đây Tân
Châu đã trở thành một điển hình nông thôn mới. Toàn xã đã có gần 4000ha cây
công nghiệp, trong đó hơn 3000ha cà phê, những hộ đồng bào dân tộc giờ đã thành
những chủ trang trại. Cả xã hiện có gần 700 nhà biệt thự trị giá từ 1 đến 2 tỷ
đồng, nhiều hộ đồng bào mua được ô tô đắt tiền, thu nhập bình quân đầu người
của Tân Châu là trên 2000 USD/người/năm. Số hộ nghèo của Tân Châu chỉ còn dưới
4,9%, thấp hơn rất nhiều so với bình quân của cả nước.
Đời sống kinh tế phát triển đã
tạo điều kiện để Tân Châu cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của
nhân dân. Trong những năm qua rất nhiều công trình phúc lợi xã hội, cơ sở hạ
tầng ở Tân Châu được thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng
làm”. Nhân dân đã đóng góp hàng tỷ đồng để nâng cấp 15 km đường giao thông nông
thôn phục vụ cho đi lại và cho sản xuất; đưa điện lưới quốc gia về khắp 10
thôn, xây dựng nhà văn hóa, trường học, trạm y tế… Bà con các dân tộc xã Tân
Châu không chỉ biết đầu tư cơ sở hạ tầng mà còn biết chăm lo đời sống tinh
thần, tri thức cho con em, toàn xã hiện có hơn 100 cháu học các trường đại học.
Bộ mặt xã miền núi dân tộc Tân Châu đã thay đổi từng ngày. Những dịch vụ nếu
trước kia chỉ có ở các đô thị giờ không còn xa lạ với bà con nơi đây.
Với Tân Châu bà con dân tộc đã
biết hòa nhập với nền kinh tế thị trường. Hiện ở Tân Châu đã có 4 hộ gia đình
đồng bào dân tộc thành lập doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả với số vốn
hàng chục tỷ đồng. Bà con dân tộc ở Tân Châu đã tiếp thu kiến thức khoa học kỹ
thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và lợi nhuận. Một ha cà phê ở Tân Châu
cho năng suất cao hơn 1,5 lần so với các vùng khác là một minh chứng sinh động.
Với những thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế-xã hội, Tân Châu đã được
tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới.
Có được những thành tích như
vậy nhưng Tân Châu không bằng lòng với thực tại. Cấp ủy, chính quyền và người
dân Tân Châu biết nhận ra những thiếu sót tiềm ẩn cần khắc phục, đó là sự độc
canh của cây cà phê sẽ dẫn đến khó khăn khi giá cả bấp bênh, ách tắc trong thị
trường tiêu thụ. Bởi vậy, lãnh đạo xã đã đặt ra vấn đề chuyển dịch nhanh cơ cầu
kinh tế nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp và thương nghiệp, dịch vụ. Trong
đó, cùng với thâm canh tăng năng suất và chất lượng cây cà phê, vấn đề trọng
tâm là thu hút đầu tư để xây dựng các điểm thương mại, xây dựng các cơ sở thu
mua và chế biến nông sản, các cụm chợ, các công trình phục vụ dân sinh, đồng
thời phát triển các loại cây trồng khác cũng như phát triển chăn nuôi trâu, bò
và con đặc sản khác để đảm bảo ổn định đời sống kinh tế-xã hội và phát triển
bền vững. Trong quá trình phát triển của mình, Tân Châu có được một lợi thế là
điều kiện đất đai và thiên nhiên phù hợp với trồng cây công nghiệp, nhất là cây
cà phê, nhưng sẽ chỉ là tiềm năng, nếu không biết cách khai thác. Điều này đã
được chứng minh ở rất nhiều nơi có điều kiện hơn Tân Châu nhưng đời sống của
đồng bào vẫn còn trong đói nghèo.
Lâu nay, khi nói đến nguyên nhân đói nghèo của đồng
bào dân tộc thiểu số, chúng ta hay đề cập đến sự thiếu năng động cũng như thiếu
ý chí làm giàu, hay ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng đó là một nhận định
không chính xác bởi qua thực tế ở Tân Châu thì đồng bào dân tộc thiểu số có đủ
khả năng để tự mình vươn lên thoát nghèo và làm giàu bằng chính nội lực của
mình. Vấn đề là cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đó phải biết cách tổ chức
sản xuất, định hướng cách làm ăn đúng đắn, phù hợp cho đồng bào./.Hiền Sơn
>> Tạp chí Dân tộc số 111 (3-2010)
No comments:
Post a Comment