CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Bài trích] Kinh nghiệm của Hà Giang trong đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số ở nông thôn

| | 0 nhận xét
Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, đa dân tộc. Do điều kiện địa hình bị chia cắt mạnh, thiếu đất, thiếu nước sản xuất, trình độ dân trí của đồng bào còn hạn chế nên tỷ lệ đói nghèo cao. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, công tác xoá đói, giảm nghèo của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân mỗi năm từ 7-8%. Đến hết năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 20%. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói nghèo ở Hà Giang vẫn còn cao so với mức bình quân chung của cả nước là do đồng bào thiếu kiến thức làm ăn. Điều này chủ yếu xuất phát từ thực tiễn khách quan, toàn tỉnh có 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Do điều kiện địa hình, đặc điểm dân cư và tập quán cư trú tại nơi vùng sâu, vùng xa nên đa số đồng bào đều phát triển sản xuất theo hướng nông, lâm nghiệp tại đơn vị hộ gia đình. Cơ hội để đồng bào tạo việc làm khác, tăng thu nhập ngoài sản xuất nông lâm nghiệp còn hạn chế. Những vấn đề này đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả và chất lượng giảm nghèo của địa phương. Bởi vậy, đối với Hà Giang, xoá đói giảm nghèo ở vùng nông thôn, trong đó mục tiêu hàng đầu là trang bị kiến thức làm ăn cho đồng bào là vấn đề trọng yếu.
Thời gian qua, nhằm trang bị và nâng cao kiến thức làm ăn cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh, Hà Giang đã triển khai nhiều chương trình, dự án thiết thực tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong số đó phải kể đến chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Quan điểm của tỉnh là khi đồng bào “đói” kiến thức làm ăn thì phải bù lấp khoảng trống hẫng hụt đó. Trên quan điểm đó, ngành Lao động-Thương binh và xã hội Hà Giang đã tập trung tham mưu cho tỉnh phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề cho đồng bào. Đến nay, mạng lưới cơ sở dạy nghề được mở rộng xuống đến tận các huyện, thị xã. Toàn tỉnh đã xây dựng xong 15 cơ sở dạy nghề, bao gồm 1 trường Trung cấp nghề, 12 trung tâm dạy nghề và 2 cơ sở khác có dạy nghề. Những cơ sở đào tạo nghề này là đầu mối tiếp nhận, giảng dạy đối với học viên tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn theo chương trình mục tiêu do Bộ Lao động- Thương binh và xã hội, Tổng cục Dạy nghề và Uỷ ban Nhân dân tỉnh phân bổ. Riêng các lớp đào tạo hệ trung cấp được thực hiện tại Trường Trung cấp nghề. Trong điều kiện địa bàn phân tán như ở Hà Giang, việc tập trung phát triển hệ thống trung tâm dạy nghề về tới huyện là một sự nỗ lực cố gắng lớn của chính quyền các cấp trong việc thu hút đồng bào tới tham gia học tập.
Có cơ sở đào tạo nghề thôi thì chưa đủ, vậy nên, ngành Lao động-Thương binh và xã hội tỉnh đã tích cực tranh thủ các nguồn lực tập trung cho công tác dạy nghề. Ngoài đầu tư từ ngân sách Trung ương, còn có thêm kinh phí của dự án “tăng cường năng lực đào tạo nghề”, kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, kinh phí từ Nghị quyết 30a/CP của Chính phủ về đào tạo nghề cho các huyện nghèo. Đặc biệt, Ngân sách tỉnh hàng năm đều dành ra 5-7 tỷ đồng để đào tạo nghề. Trên thực tế, tổng hợp các nguồn lực dành cho công tác đào tạo nghề ở Hà Giang trong năm qua lên tới gần 25,5 tỷ đồng nhưng ngân sách do người học tự đóng góp chỉ vào gần 2,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ chưa tới 10%. Không những thế, từ các chương trình, dự án, mỗi học viên khi tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn còn được hỗ trợ tiền ăn 3.000đ/ngày. Đi học vừa được kiến thức vừa được trợ cấp nên đồng bào rất tích cực đăng ký tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn. Đối với các cơ sở đào tạo nghề, từ nguồn kinh phí được đầu tư  đã có điều kiện để mua sắm các trang thiết bị dạy nghề như: mô hình sửa chữa ô tô, xe máy, điện dân dụng, điện tử dân dụng, cơ khí, gò hàn, xây dựng, may, tin học, sản xuất hàng mây tre đan... đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học.
Ông Sèn Chỉn Ly-Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Hà Giang cho biết: “Hiện nay, trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh áp dụng nhiều hình thức tuyển sinh linh hoạt. Cụ thể, đối với hệ trung cấp được tổ chức đào tạo tại trường Trung cấp nghề và Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp; hình thức tuyển sinh là xét tuyển. Thời gian học từ 18-36 tháng, tuỳ theo từng ngành nghề đào tạo. Đối với hệ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên được tổ chức dạy lưu động tại xã, phường, thị trấn, thậm chí xuống tận thôn, bản theo nhu cầu đăng ký của từng huyện, thị xã”. Chính việc mở lớp đào tạo nghề xuống tới tận xã, thôn, bản là yếu tố tạo thuận lợi nhất và mang tính quyết định để thu hút người nông dân đến với các lớp dạy nghề.  Ông Sèn Chỉn Ly còn cho biết thêm: “Phương châm của các cơ sở dạy nghề là đào tạo những nghề mà người nông dân cần chứ không phải đào tạo những nghề mà trung tâm có. Yêu cầu đặt ra là tất cả các ngành nghề đang đào tạo tại các cơ sở dạy nghề đều phải có chương trình, giáo trình chi tiết cho từng nghề theo quy định chung và thường xuyên được bổ sung nội dung cho phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của địa phương và nhận thức của người học. Căn cứ theo nhu cầu thực tiễn của bà con, các trung tâm phải kiện toàn đội ngũ giáo viên có chuyên môn để đào tạo những ngành nghề truyền thống, những ngành nghề theo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động. Thông qua các lớp dạy nghề phải đảm bảo nguyên tắc giúp các lao động có chuyên môn kỹ thuật tự tạo việc làm tại chỗ, đi xuất khẩu lao động hoặc đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động”. Bên cạnh đó là mở các lớp đào tạo kỹ thuật nông lâm nghiệp, chủ yếu là kỹ thuật trồng rừng kinh tế, nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, trồng rau, màu…giúp bà con nông dân có thêm những kiến thức mới áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phục vụ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu sản xuất của địa phương. Thực tế cho thấy hướng đi này của các cơ sở dạy nghề tại Hà Giang là đúng đắn. Tỷ lệ người lao động tham gia các lớp học nghề ngày càng cao qua các năm. Năm 2009, các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã tuyển sinh và tổ chức dạy nghề cho 13.269 người, đạt 119,8% kế hoạch, tăng 13,8% so với năm 2008. Trong đó học viên tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn từ 1- 3 tháng chiếm trên 95%. Sự tham gia tích cực và đông đảo của người lao động đối với công tác dạy nghề  đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 16,8% năm 2008 lên 20,4% năm 2009. Thông qua dạy nghề đã dần khôi phục lại các cơ sở sản xuất truyền thống như: dệt thổ cẩm, thêu trang phục dân tộc, sản xuất vật liệu xây dựng. Đồng thời mở ra những cơ hội mới cho người nông dân tự tạo hoặc tìm kiếm việc làm cho bản thân. Theo một khảo sát của trường Trung cấp nghề, trên 70% lao động học nghề đã tự tìm hoặc tự tạo được việc làm, chiếm tỷ lệ khá cao so với mức bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm xuống dưới 5%. Tỷ lệ sử dụng thời gian làm việc ở nông thôn tăng lên đạt trên 80%.
Bên cạnh những kinh nghiệm tốt đã đúc rút ra được qua quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công tác dạy nghề ở Hà Giang cũng còn một số tồn tại cần phải được khắc phục. Đó là mặc dù tăng nhanh về quy mô, số lượng, ngành nghề đào tạo nhưng chủ yếu vẫn là đào tạo ngắn hạn. Số lượng người tham gia học nghề dài hạn chiếm tỷ lệ thấp dẫn đến chất lượng dạy nghề còn hạn chế và chưa đáp ứng tốt yêu cầu đề ra. Về phía đội ngũ giáo viên dạy nghề chủ yếu là hợp đồng thỉnh giảng theo mùa vụ. Đội ngũ cán bộ chủ yếu chuyển từ các ngành khác sang còn thiếu và kiêm nhiệm bên việc tham mưu, tổ chức thực hiện dạy nghề còn hạn chế. Một bộ phận nhân dân chưa có ý thức về học nghề, còn mang nặng tư tưởng muốn con mình theo học các trường Đại học, Cao đẳng.
Từ những thành công và cả những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề, mục tiêu của tỉnh Hà Giang trong năm 2010 là tổ chức dạy nghề cho 13.150 người, trong đó hệ trung cấp là 1.150 người; hệ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên là 12.000 người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 24%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2005 - 2010 đã đề ra. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi ngành Lao động - Thương binh và xã hội phải tham mưu đắc lực cho tỉnh có những chính sách dạy nghề sát với tình hình của địa phương. Phối hợp tốt với các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức của người lao động đối với học nghề. Nắm bắt kịp thời, đầy đủ, chính xác về nhu cầu sử dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp cũng như xu hướng chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của địa phương nói riêng, cả nước nói chung để dạy các ngành nghề đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường lao động. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về dạy nghề, đảm bảo chất lượng trong đào tạo, lồng ghép công tác dạy nghề với các chương trình trọng tâm của tỉnh như xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, kết hợp với công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động sau học nghề./.

Phương Liên
>> Tạp chí Dân tộc số 111 (3-2010)

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel