Dân tộc Hà Nhì còn có tên gọi khác là U Ní, Xá U Ní,
có khoảng 17.500 người, cư trú ở các tỉnh Lai Châu và Lào Cai, gồm 3 nhóm địa
phương: Cồ Chồ, Là Mi và Hà Nhì Đen. Ngôn ngữ Hà Nhì thuộc nhánh ngôn ngữ Di,
ngữ hệ Tạng-Miến. Người Hà Nhì đã từng có chữ viết, nhưng bị thất lạc khi di cư
từ Tứ Xuyên xuống phía Nam .
Giờ đây họ sử dụng chữ cái Latinh làm chữ viết.
Người Hà Nhì trồng lúa, có nơi
làm ruộng, có nơi làm nương rẫy. Hà Nhì là một trong những dân tộc có truyền
thống khai khẩn ruộng bậc thang và đào mương đắp đập lấy nước, dùng trâu bò cày
kéo và làm vườn cạnh nhà... Chăn nuôi là một nghề phát triển. Các nghề thủ công
như đan lát, dệt vải cũng rất phổ biến. Họ tự túc được vải mặc, phụ nữ Hà Nhì
rất chăm chỉ và giỏi việc canh cửi tằm tơ, họ tự đảm nhận mọi công đoạn cho đến
lúc làm ra tấm vải. Phụ nữ Hà Nhì mặc áo dài, 5 thân, xẻ từ sườn xuống chân.
Chiếc mũ, khăn được trang trí bởi nhiều cúc bạc, nhiều hạt cườm, nhiều tua rua
bằng các loại chỉ màu sặc sỡ. Người Hà Nhì tự làm lấy váy áo cho mình, bằng vải
bông nhuộm chàm màu đen, màu xanh hoặc bằng vải láng. Vào những dịp lễ tết, hội
hè, họ mặc thêm áo ngắn kiểu gilê ở bên ngoài. Trên ngực áo, phía phải, gắn
thêm những đồng xu bằng bạc hoặc cúc bằng nhôm.
Trai gái Hà Nhì được quyền tự
do lựa chọn bạn đời và tự quyết định hôn nhân của mình. Sau khi các thủ tục cần
thiết đã được chuẩn bị hoàn tất, đám cưới sẽ được thông báo tại một cuộc họp
gần nhất của bản để mọi người nắm được sự kiện quan trọng này. Cả bản coi đây
là việc chung, mọi người phải có mặt chứ chủ hôn không phải đi mời từng người.
Chuẩn bị đến ngày cưới, cả hai bên mời cô, dì chú bác về để cùng lo đại sự. Khi
về, tuỳ theo điều kiện của mỗi gia đình mà mang theo gạo, rượu, con gà… Công
việc của họ hàng là đi cắt cỏ ngựa, lo bàn, ghế, xoong nồi, bát đũa… Ngày cưới
chú rể đi chân đất, đầu đội khăn xếp cuốn bằng vải chàm, mặc hai lớp áo, bên
trong áo trắng bẻ cổ ra ngoài, bên ngoài là áo đen truyền thống của dân tộc. Cô
dâu mặc quần, áo đúng theo bản sắc thiếu nữ dân tộc Hà Nhì, đầu chùm khăn kín,
đeo thắt lưng dài và cũng đi chân đất. Mỗi cặp vợ chồng phải trải qua hai lần
cưới. Ngay sau lần cưới thứ nhất, cô dâu được đổi họ theo bên chồng và về ở nhà
chồng, nhưng cũng có nơi, con trai lại phải ở rể nhà vợ. Thời gian ở rể dài hay
ngắn tuỳ thuộc vào sự thoả thuận giữa hai họ, trên cơ sở những khó khăn và
thuận lợi của nhà gái. Lần cưới thứ hai và cũng là lần cuối, được tổ chức vào
một thời điểm thích hợp nhất, khi điều kiện kinh tế cho phép, thậm chí sau hàng
chục năm chung sống. Lúc ấy dù họ có nhiều con, đông cháu, đều không quan hệ gì
tới hôn lễ.
Người Hà Nhì có nhiều họ, mỗi
họ gồm nhiều chi. Vào dịp tết hàng năm có tục cả dòng họ tụ tập lại nghe người
già kể tộc phả của mình, có dòng họ nhớ được về xưa tới 40 đời. Tên của người
Hà Nhì thường đặt theo tập tục là lấy tên người cha, hoặc tên con vật ứng với
ngày sinh của người ấy làm tên đệm.
Người Hà Nhì không có tục thờ
cúng chung toàn dòng họ mà chỉ thờ cúng theo gia đình. Việc thờ cúng do con
trai cả, dòng trưởng đảm nhận. Nếu dòng trưởng không có người thừa kế thì việc
thờ cúng chuyển cho con trai út. Khi cha, mẹ chết thì buồng ngủ của người đó sẽ
được rỡ bỏ toàn bộ hoặc từng phần; ít nhất cũng phải tháo rút tượng trưng vài
tấm ván hoặc một bức vách nào đấy. Trước lúc phát tang ra bên ngoài, thì ở
trong nhà bàn thờ của gia đình phải hạ xuống, cất đi. Thi hài người chết được
đưa xuống bếp, đặt nằm tạm trên chiếc chõng mới làm, “đợi” đến ngày tốt và giờ
tốt mới được đem chôn. Giờ “tốt” đó thường trùng với cái giờ lúc người chết tắt
thở, đồng bào cho rằng nếu không thế thì người chết sẽ “tái sinh”, đầu thai
thành các giống vật hung dữ quay trở về nhiễu hại cuộc sống gia đình, làng bản.
Nhà ở cổ truyền của người Hà
Nhì là nhà đất, đông ấm, hè mát. Người Hà Nhì thường chọn các sườn núi để dựng
nhà. Việc làm nhà trình tường của bất kể hộ nào đều coi là việc làm chung của
thôn. Mọi công việc từ đào móng, trình tường đến dựng và lợp mái đều được làm
theo kiểu đổi công. Nghi lễ khởi công nhà rất đơn giản nhưng lại có ý nghĩa.
Sau khi chọn được ngày, trước giờ đào móng, gia chủ nhà thả 3 hạt thóc xuống
nền nhà tượng trưng cho con người (con đàn cháu đống), chăn nuôi (đầy đàn), hạt
thóc (được mùa). Sau 3 giờ làm lễ, đồng bào bắt đầu đào móng độ sâu khoảng 1m,
xếp đá để tránh ẩm ướt và có độ bền. Đồng bào Hà Nhì thường dùng sải tay để đo
đạc trong khi làm nhà. Bộ khung nhà khá đơn giản. Vì kèo cơ bản là kiểu vì kèo
ba cột. Nhà có hiên rộng, người ta còn làm thêm một cột hiên nên trở thành vì
bốn cột. Tường trình rất dày. Nhà không có cửa sổ, cửa ra vào cũng ít, phổ biến
là chỉ có một cửa ra vào mở ở mặt trước nhà và lệch về một bên. Nhà thường ba
gian, ít nhà bốn gian. Có hiên rộng ở mặt trước nhà. Trong nhà chia theo chiều
dọc, nửa nhà phía sau là các phòng nhỏ. Nửa nhà phía trước để trống, một góc
nhà có giường dành cho khách, ở đây còn có bếp phụ. Cũng có trường hợp hiên
được che kín như là một hành lang hẹp thì cửa mở ở chính giữa. Những trường hợp
như thế này thuộc về gian chính giữa hoặc thêm một gian bên cạnh có sàn cao
khoảng 40cm để dành cho khách, ở đây cũng có bếp phụ. Do ở nơi khí hậu quanh
năm sương mù ẩm ướt nên bếp của người Hà Nhì bao giờ cũng nấu trong nhà vừa ấm
áp và làm cho cây cột chắc bền.
Người Hà Nhì có nhiều truyện cổ, có cả truyện thơ dài.
Nam nữ thanh niên có điệu múa riêng, đều theo nhịp tấu, nhạc cụ gõ. Trai gái Hà
Nhì tỏ tình thường dùng các loại khèn lá, đàn môi, sáo dọc. Các thiếu nữ thích
thổi am-ba, mét-du, tuy-húy hay nát-xi vào ban đêm. Con trai gảy đàn La Khư.
Ngày lễ hội còn có trống, thanh la, chập cheng góp vui. Người Hà Nhì có nhiều
loại bài hát như các bà mẹ hát ru, thanh niên nam nữ hát đối... Có hát đám
cưới, hát đám ma, hát mừng nhà mới, hát tiếp khách quý, hát trong ngày tết...
Bài hát đám cưới của người Hà Nhì dài tới 400 câu. Có các điệu múa lên nương,
múa dệt vải, múa đợi mưa, múa vào mùa, múa trông trăng, múa giã bạn./.Hoàng Đức
>> Tạp chí Dân tộc số 111 (3-2010)
No comments:
Post a Comment