Khu già già là một trong những lễ hội cầu mùa lớn của
bà con dân tộc Hà Nhì thể hiện nét đặc sắc truyền thống trong đời sống văn hóa.
Người Hà Nhì mở hội “Khu già già” hay còn gọi là Tết tháng Sáu vào cuối mùa hè
khi cây lúa bắt đầu lên đòng, ngô gieo đã lên xanh là dịp đồng bào mở hội cầu
mong một vụ mùa bội thu. Bằng các nghi lễ truyền thống người Hà Nhì thể hiện sự
tôn kính đối với thần rừng, núi, trời và thần đất.
Chuẩn bị vào hội, ngoài các
khoản đóng góp cho việc tổ chức cúng tế, mỗi gia đình cử một người lên núi cắt
năm bó cỏ gianh đem về lợp lại mái lán tế thần “á gơ lạ só”. Trâu tế thần là
con vật không thể thiếu, đó là một con đực to, màu đen tuyền, không có bất cứ
đốm trắng nào.
Vào ngày Tỵ, người dân Hà Nhì
tổ chức mổ trâu dâng cúng các vị thần. Trâu cúng được dắt ra và buộc vào cột đu
“A quý”. Khi thầy cúng làm xong nghi lễ tế thần, các thanh niên khỏe mạnh lấy
dây da buộc chặt bốn chân của trâu, giật nó ngã vật ra. Thầy cúng sẽ lấy một
nắm cỏ gianh xoa và buộc vào mõm con vật này khỏi kêu. Người Hà Nhì quan niệm,
nếu trâu mà kêu thì năm ấy sẽ mất mùa. Người được chọn chôn cột đu “A quý” sẽ
là người có nhiệm vụ chọc tiết trâu tế thần. Thanh niên trong làng tiến hành mổ
trâu lấy thịt chia đều cho các gia đình mang về làm mâm cúng tổ tiên.
Sang ngày Ngọ, đồng bào bắt đầu
tổ chức cúng lễ và mở hội vui chơi vào chập choạng tối. Người Hà Nhì cho rằng,
làm như thế thì các thần gió, đất sẽ được nghỉ ngơi yên tĩnh. Từ sáng sớm,
tiếng chày giã bánh dầy của những người phụ nữ Hà Nhì đã rộn rã khắp làng bản.
Gạo làm bánh thường là gạo nếp thơm do chính gia đình tự trồng cấy được trong
năm. Sau khi ngâm nước khoảng hai, ba giờ, gạo được cho vào chõ đồ chín và mang
vào cối giã của thôn. Khi xôi nếp được giã nhuyễn, những người phụ nữ Hà Nhì sẽ
cùng nặn bánh dầy theo các dạng mỏng, tròn rồi lấy lá chuối ốp vào hai mặt cho
mịn. Mâm cúng của các gia đình Hà Nhì thường là một bát ruợu nếp, thịt trâu,
chè gừng và một cặp bánh dầy… Những gia
đình mang mâm ra cúng tại lán tế thần “á gơ lạ só” đều là những gia đình không
gặp điều rủi ro trong năm. Người Hà Nhì không đọc bài cúng như một số dân tộc
khác mà thể hiện bằng các động tác quỳ gối biểu hiện sự gửi gắm ước mơ của họ.
Sau khi các thầy làm lễ cầu xin các thần phù hộ cho dân làng, lần lượt các gia
đình quỳ lạy ba lần rồi hạ lễ xuống, mọi người được mời ăn các lễ vật cúng tại
lán tế thần.
Đến phần hội, thầy cúng chính
là người khai mạc. Sau khi thầy đu ba vòng ở đu dây và bập bênh sau đó các
thành viên khác mới được chơi. Khi những người khác tham gia vào trò chơi bập
bênh, thầy cúng cầm các hạt cơm và đậu tương tung vào nơi mọi người đang vui
chơi với mong muốn cầu chúc cho mùa màng tươi tốt, bội thu. Trong phần hội
không thể thiếu được các điệu múa truyền thống của người Hà Nhì. Múa gọi lúa “A
đù lu chế” là điệu múa cầu mùa nhằm mong hồn mẹ lúa về với bản làng để mùa màng
tốt tươi, thóc lúa đầy nương. Cùng với những điệu múa, trong ngày hội còn có
một số trò chơi dân gian như đu dây, bập bênh, hát giao duyên, múa sư tử, thổi
khèn lá, thể hiện những nét đặc sắc truyền thống trong đời sống văn hóa của
người Hà Nhì.
Còn khi bước vào một mùa đông
giá rét cũng là lúc người Hà Nhì tổ chức đón Tết đông vào tháng 11 âm lịch hàng
năm. Mục đích chính của tết này là tổng kết quá trình lao động trong năm đồng
thời dâng các lễ vật cúng tổ tiên để cầu mong năm mới người yên vật thịnh. Tết
đông được diễn ra trong 3 ngày: Tỵ, Ngọ và Mùi. Đây là lễ tết to và quan trọng
nhất đối với cộng đồng người Hà Nhì. Được tổ chức theo hộ gia đình trong phạm
vi cả tộc người.
Ngày lễ thứ nhất, ngay từ sáng
sớm ngày Tỵ, bà chủ gia đình chuẩn bị gạo nếp trắng và nếp cẩm đồ xôi 2 mầu,
giã bánh dày. ở giữa làng có một cối giã bánh chung và chọn một người phụ nữ có
phẩm hạnh, gia đình yên ấm hạnh phúc mở hội giã bánh đầu tiên, sau đó lần lượt
đến các gia đình khác. Theo phong tục gia đình nào cũng mổ lợn to nhất. Lợn
phải là lợn đực có màu lông đen. Trước khi mổ chủ nhà thắp hương thông báo cho
tổ tiên biết, lợn được khiêng vào trong nhà để trên sàn gỗ gian chính. Người Hà
Nhì quan niệm, con cháu khi làm cúng phải đưa lễ vật vào trong nhà thì tổ tiên
mới nhìn thấy và sang năm mới phù hộ cho gia đình. Trước khi chọc tiết phải lấy
nước sạch dội ở đầu, cổ và phía đuôi. Lấy một con dao nhọn xiên mũi dao qua giữa
tàu lá chuối để chọc cho tiết khỏi phun ra ngoài. Ông chủ cắt để riêng phần
thịt làm lý cúng tổ tiên gồm nửa miếng tim, nửa gan, một miếng thịt nạc.
Ngày lễ đầu tiên chủ các gia
đình làm lý cúng tổ tiên 3 lần vào buổi sáng, trưa, chiều trước bữa ăn cơm.
Buổi sáng, ông chủ mặc quần áo mới đầu cuốn khăn đen và dọn sạch bàn thờ để
dâng lễ vật thờ cúng. Bàn thờ bằng gỗ được đặt ở góc phải gian giữa, gần bếp
nấu ăn của gia đình. Chủ nhà lấy ống rượu rót vào một chiếc bát sứ nhỏ, sau đó
rửa sạch tay để chuyển các lễ vật lên nóc tủ. Trước tiên phải đưa đèn dầu lên
trước, sau đó là bát rượu và nước gừng ở phía trong, bát thịt và bát cơm có đặt
bánh dày trên phía bên ngoài, đặt đôi đũa trong mâm. Khi ông chủ hành lễ, tất
cả con cháu họ hàng có trong nhà phải đội mũ hoặc cuốn khăn đen, không được đi
giầy dép, quàng khăn màu trắng vào quỳ trước bàn thờ hoặc quỳ tại nền sàn gỗ.
Chủ nhà lạy tổ tiên xong tất cả
các anh em trong gia đình cũng phải lạy tương tự. Sau đó ông chủ chuyển mâm lễ
vật xuống nơi đôi thớt thờ đã để sẵn, rồi đưa cho bà vợ bát đựng muối để vợ làm
lý vẩy muối vào chỗ tảng đá thần gần bếp. Tiếp theo, bà lấy một ít bánh cho vào
đầu trên tảng đá với ý nghĩa cho thần bếp ăn và hai miếng đặt hai bên cửa bếp
lò để thần phù hộ không cho hoả hoạn.
Khi chủ nhà cúng mời tổ tiên
xong các con cháu trong gia đình, chuẩn bị một chai rượu, một bát thịt, một cặp
bánh dày đem đến kính cẩn dâng mời người già nhiều tuổi nhất trong dòng họ ăn
uống trước, sau đó mới chia cho vợ, các con, anh em họ hàng vào lạy tổ tiên tất
cả đều được chia lộc. Khi chia thức ăn người nhận phải xoè hai lòng bàn tay
nhận có ý nghĩa cảm ơn. Khi đến phải thực hiện nghi thức dập đầu cúi 3 lạy,
xong đem rượu đổ vào chiếc bát mời mọi người có mặt tại gia đình, mời theo thứ
tự từ già đến trẻ rồi đến mời thức ăn. Mời xong người cháu trai đó đưa bát thịt
và một cặp bánh dày cho bà chủ nhà với ý
nghĩa mang tài lộc đến cho gia đình, gia đình nhận hưởng tài lộc cũng chia phần
lại cho người kia để sang năm mới làm ăn gì cũng tốt, gặp được nhiều may mắn.
Sang ngày lễ thứ hai, gia đình
tiếp tục chuẩn bị lễ vật dâng cúng mời tổ tiên. Lễ vật dâng cúng chỉ có bát
nước gừng, bát thịt, bát cơm, bát bánh. Trước khi cúng ông chủ vẫn phải chuẩn
bị rửa bát đũa như ngày hôm đầu, cũng thái thịt trong thớt rồi bày lên trên nóc
tủ có đặt chiếc đèn dầu đã thắp và thực hiện các thao tác tương tự rồi cùng xum
họp ăn uống vui vẻ. Trước kia, ngày cúng thứ 2 còn là dịp cho các gia đình có
con gái hoặc cháu gái được làm lý xiên
lỗ tai đeo đồ trang sức.
Ngày lễ thứ ba là ngày lễ tổng kết, gia đình làm cơm
cúng mời tổ tiên ăn uống rồi tiễn đưa tổ tiên về nơi ở cũ. Lễ vật buổi cúng
cuối cùng cũng giống như buổi lễ hôm đầu tiên. Ngày này chủ nhà cùng với vợ dậy
sớm để làm đồ lễ. Khi đã chuẩn bị xong, chủ nhà thay quần áo mới, đầu quấn khăn
đen, vợ cũng ăn mặc trang phục truyền thống dân tộc đóng vai trò phụ giúp cho
chồng. Bà chủ bê đưa cho chồng một chậu nước sạch đầu nguồn để rửa các đồ lễ
trong giỏ trước khi cúng. Đầu tiên, ông rửa đôi thớt thờ, rồi đến 5 chiếc bát,
đũa, dao. Trước đó ông thắp đèn dầu để phía trên đầu mép chiếu đã trải, sau đó
thái thịt thành miếng nhỏ chia vào bát, đổ ống rượu ngâm vào một chiếc bát, rồi
chuyển lễ vật lên trên nóc tủ. Trong khi chủ nhà cúng các thành viên khác trong
gia đình phải có thái độ trang nghiêm, nếu có khách là người dân tộc khác thì
không được nói vì sợ tổ tiên nổi giận trừng phạt do không phải là người Hà Nhì.
Tất cả các thành viên con cháu trong nhà đều phải lạy tạ cảm ơn tổ tiên. Cúng
xong chuyển lễ vật xuống và chia rượu, thức ăn cho người già nhiều tuổi nhất,
rồi theo thứ tự từ vợ, các con trai con gái, người nhận hai tay đón lấy cho vào
miệng luôn và cảm ơn chủ nhà. Sau đó bày dọn cơm ăn uống vui vẻ chúc nhau lời
chúc tốt đẹp nhất và tiễn ông bà trở về thế giới trường tiên./.Nguyễn Kim
>> Tạp chí Dân tộc số 111 (3-2010)
No comments:
Post a Comment