CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Bài trích] Đồng chí Hoàng Đình Giong - Người cộng sản tiêu biểu Dân tộc thiểu số

| | 0 nhận xét
Đồng chí Hoàng Đình Giong còn có tên là Văn Tư hay Võ Văn Đức, người dân tộc Tày, sinh ngày 1/6/1904, quê làng Nà Toàn, xã Xuân Phách, huyện Hoà An (nay thuộc thị xã Cao Bằng). Năm 1925, đồng chí tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, trở thành đảng viên cộng sản đầu tiên người dân tộc thiểu số; từ 1927- 1936, hoạt động ở Trung Quốc, đi lại như con thoi về Cao Bằng-Lạng Sơn-Thái Nguyên-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; người có công duy trì, khôi phục tổ chức Đảng ở Bắc Kỳ; được bầu là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng  tại Đại hội Đảng lần I (1935).
Ngày 4/2/1936, đồng chí về Hải Phòng kiểm tra tình hình thì bị địch bắt. Ngày 27/5/1936, tòa án đặc biệt của Pháp ở Cao Bằng kết án đồng chí 5 năm tù. Tháng 5/1941, dù đã hết hạn tù, nhưng biết đồng chí Hoàng Đình Giong là nhân vật quan trọng, có nhiều ảnh hưởng ở Bắc Kỳ, chính quyền thực dân Pháp vẫn đày đồng chí sang đảo Nô-xi-la-va ở Ma-đa-gat-sca, thuộc địa của Pháp ở châu Phi.
ở giữa đại dương mênh mông, nhưng đồng chí Hoàng Đình Giong và nhiều anh em khác vẫn hướng về Tổ quốc. Tháng 6/1943, Bộ Tư lệnh quân Đồng minh Anh-Pháp chọn bảy người trong số 27 tù chính trị Việt Nam đưa tới Can-quyết-ta (ấn Độ). Mục đích của chúng là huấn luyện cho các đồng chí để trở về nước cung cấp tin tức của quân Nhật cho quân Đồng minh.
 “Tương kế, tựu kế”, đồng chí Hoàng Đình Giong bàn với anh em lợi dụng âm mưu của chúng. Thế là tại một căn cứ quân sự của quân Đồng minh, đồng chí Hoàng Đình Giong trở thành học viên của khóa huấn luyện tình báo đặc biệt. Tối ngày 25/10/1944, từ máy bay của quân Đồng minh, đồng chí Hoàng Đình Giong và đồng chí Lê Giản bí mật nhảy dù xuống Bản Ngần, xã Vinh Quang, Hòa An, Cao Bằng. Về tới đất nước thân yêu sau 4 năm xa cách, các đồng chí nộp tất cả điện đài máy móc cho Đảng, đồng thời vẫn liên lạc với trung tâm chỉ huy ở Can-quyết-ta để xin thêm vũ khí, điện đài, thuốc men. Bảy đồng chí được tình báo Anh huấn luyện, cùng nhảy dù một đợt đã nhanh chóng hoà nhập vào cuộc Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đồng chí Hoàng Đình Giong được bầu vào Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng, phụ trách quân sự. Đồng chí Dương Công Hoạt làm Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng. Đồng chí Trần Hiệu làm Cục trưởng tình báo Quân đội. Đồng chí Lê Giản làm Giám đốc Nha Công an Trung ương. Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc làm Giám đốc Công an Trung Bộ. Còn cơ quan tình báo Anh ân hận vì đã “thả hổ về rừng”.
Cụ Vũ Đức- Tư lệnh đầu tiên của Quân khu 9:
Ngày 23/9/1945, Nam Bộ kháng chiến, Trung ương Đảng và Chính phủ cử những chiến sĩ tinh nhuệ nhất vào chi viện cho miền Nam. Nhận được điện của Trung ương, đồng chí Hoàng Đình Giong cùng đoàn quân Cao Bằng “Nam tiến” hành quân cấp tốc xuống Hà Nội. Ngày 1/10/1945, ông đến Bắc Bộ phủ gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng. Từ đó, đồng chí Hoàng Đình Giong được đổi tên là Võ Văn Đức (Vũ Đức) và được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng đội quân “Nam tiến”. Với cái tên Võ Văn Đức, Trung ương Đảng và Bác Hồ như muốn gửi gắm một niềm tin sâu xa ở người đảng viên dân tộc thiểu số dày dạn kinh nghiệm, văn võ song toàn, sẽ có đóng góp to lớn cho Nam Bộ trong những ngày “sơn hà nguy biến”.
Nhằm thống nhất các lực lượng vũ trang trong những ngày đầu chống Pháp, ngày 23/11/1945, Hội nghị quân sự Nam Bộ cử đồng chí Nguyễn Bình làm Tổng tư lệnh, đồng chí Vũ Đức làm Chính ủy quân giải phóng Nam Bộ. Ngày 10/12/1945, Xứ ủy Nam Bộ quyết định chia Nam Bộ thành 3 chiến khu, Vũ Đức được phân công làm Uỷ viên Thường vụ Liên tỉnh uỷ miền Tây, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) Quân khu 9 (gồm các tỉnh: Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu).
Thực hiện sự phân công của Đảng, sau nhiều tháng làm Tư lệnh mặt trận, chiến đấu giam chân địch ở ngoại vi Sài Gòn, tháng 12/1945, đồng chí Vũ Đức cùng một trung đội tiếp tục “Nam tiến” tới tận Cà Mau, miền đất tận cùng của Tổ quốc. Lúc này, tình hình Nam Bộ gặp rất nhiều khó khăn. Quân Pháp trở lại chiếm đóng nhiều nơi ở miền Trung và Tây Nam Bộ, trừ quận Cà Mau. Đồng chí Vũ Đức chủ trương tạm thời rút các đơn vị chủ lực còn lại ở các nơi tập trung về Cà Mau để củng cố lại tổ chức. Cán bộ mới tập hợp về một khu với nhiệm vụ mới nặng nề, quan điểm đường lối kháng chiến chưa phải đã nhất trí; những ưu nhược điểm, khó khăn riêng tư không dễ dàng thông cảm, nên có những bất đồng xảy ra. Có người chủ trương “xuyên đông”, vượt vòng vây địch sang Khu 7. Có người chủ trương vượt biên sang Thái Lan mua vũ khí về tiếp tục chiến đấu hoặc án binh bất động chờ thời cơ. Nhưng quan điểm của đồng chí Vũ Đức dựa vào nhân dân “chính trị trước, quân sự sau, hỗ trợ lẫn nhau hai mặt” được chấp nhận. Đồng chí thường căn dặn bộ đội dưới quyền phải “dĩ đức phục nhân” (dùng đạo đức để thuyết phục người), phải coi dân như cha mẹ, như anh em ruột thịt của mình, dựa vào quần chúng mà sống và chiến đấu. Lực lượng vũ trang của ta lúc này còn yếu, chưa nên tập trung lớn mà nên tổ chức thành các trung đội, đại đội độc lập, đi sâu vào vùng địch tạm chiếm, phát triển chiến tranh du kích, lấy vũ khí giặc trang bị cho ta (chủ trương này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Quân uỷ Trung ương cuối năm 1947).
Dưới sự lãnh đạo sâu sát của Khu bộ trưởng Vũ Đức, cùng với các đồng chí: Phan Trọng Tuệ, Lê Hiến Mai và Thanh Sơn (Nguyễn Văn Tây), chỉ trong một thời gian ngắn, chiến tranh nhân dân ở miền Tây Nam Bộ phát triển mạnh mẽ, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề. ở Sóc Trăng ta thành lập được đại đội chủ lực, lấy tên là đại đội Hồ Chí Minh. Đồng chí Vũ Đức đã đến dự và công nhận đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng.
Với tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, Vũ Đức trở thành trung tâm đoàn kết các đồng chí lãnh đạo khu 9, đoàn kết các dân tộc và đoàn kết tôn giáo. Ông là người có công lớn trong việc thuyết phục cụ Cao Triều Phát - thủ lĩnh của Toà thánh Minh Chơn Đạo và nhiều tín đồ đạo Cao Đài đứng hẳn về với chính quyền cách mạng. Ông còn mời cụ về căn cứ U Minh làm cố vấn cho Bộ Tư lệnh Khu 9. Cụ đã đưa hàng trăm anh em Cao Đài cùng đầy đủ vũ khí súng ống, sát cánh cùng lực lượng vũ trang Khu 9 chống Pháp. Sau này, cụ Cao Triều Phát được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Liên- Việt Nam Bộ.
Đồng bào các dân tộc miền Tây Nam Bộ rất quý đồng chí Vũ Đức, bởi ông sống chan hoà, gần dân, thương dân vô hạn. Bà con dân tộc Hoa thấy ông nói thạo tiếng Quảng Đông, Quảng Tây nên xem như đồng hương. Đầu năm 1946, đồng chí đã hoà giải thành công vụ xung đột sắc tộc tại Sóc Trăng. Bọn phản động đã ám sát nhà sư người Khmer, đốt nhà, đốt sách rồi phao tin là do Việt Minh gây ra. Hàng trăm người Khmer do nhẹ dạ cả tin đã cầm dao, cầm gậy kéo đi đánh nhau với bộ đội Việt Minh. Sự hiểu lầm nguy hại này giữa người Việt và người Khmer đã dẫn đến đổ máu, nhiều người bị bắt giam, làm cho tình hình vô cùng căng thẳng và phức tạp. Đồng chí Vũ Đức xuống tận nơi, ra lệnh thả tất cả những người bị bắt oan và phân tích cặn kẽ cho đồng bào: đây là âm mưu của thực dân Pháp, chúng dựng lên những mâu thuẫn giả tạo giữa người Việt và người Khmer, giữa người Bắc và người Nam để làm suy yếu bộ đội Việt Minh. Từ đó, chúng núp phía sau để tiến hành âm mưu đóng bốt, lập tề. Cần phải phân biệt đồng bào bị lừa phỉnh và bọn quá khích phản động. Đối với bọn phản động có vũ trang thì phải kiên quyết đánh bại.
Đồng chí Vũ Đức đã đề ra chủ trương cho các tỉnh toàn Khu 9 thành lập Ban Biên chính Khmer và quan hệ chặt chẽ với các đồng chí Campuchia để giải quyết vấn đề Khmer. Nhiều người Khmer được cứu thoát đã giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia kháng chiến chống Pháp. Đồng bào tin yêu gọi đồng chí Khu trưởng là Cụ Vũ Đức, lập bàn thờ trong nhà và còn mang cơm đến dâng như kiểu tế phật sống theo phong tục của đồng bào Khmer. Nhiều cụ già người Khmer đã nói: “Nước Nam ta có phật, ở đây mình cũng có phật Vũ Đức. Thằng Pháp sẽ chết vì chúng dám xúc phạm đến đất phật”.
Cùng với tiếng tăm của Tướng Nguyễn Bình ở miền Đông, tiếng tăm “Cụ Vũ Đức” lan khắp miền Tây Nam Bộ. Cả hai vị đều do Bác Hồ cử vào Nam cùng đoàn quân “Nam tiến”. Đồng bào nghe tiếng bộ đội Cụ Vũ Đức đã hết lòng hết sức ủng hộ. Nhờ vị “Lục-Sư” Vũ Đức mà làng mạc của họ thoát khỏi sự tàn phá của thực dân Pháp và bọn phản động. Tình đoàn kết anh em người Việt và người Khmer được hàn gắn như xưa.
Chiến đấu đến viên đạn cuối cùng:
Cuối tháng 11/1946, Trung ương có lệnh điều đồng chí Vũ Đức ra Bắc họp. Tết Nguyên đán năm 1947, đồng chí tạm dừng chân tại Chiến Khu 6 (CK7), nơi làm việc của Tỉnh uỷ Ninh Thuận. Đồng chí tranh thủ truyền đạt kinh nghiệm chiến đấu và định nghỉ ngơi lấy sức một tuần để đi tiếp ra vùng tự do Phú Yên. Nhưng kế hoạch chưa kết thúc thì đồng chí nhận được lệnh của Trung ương phân công ở lại làm Thường vụ Liên Tỉnh uỷ Nam Trung Bộ, Tư lệnh phó Khu 6, trực tiếp chỉ huy trung đoàn 81 (Ninh Thuận) và E82 (Bình Thuận).
Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, đồng chí Vũ Đức chuyển ngay sang kế hoạch công tác mới. Nhưng một sự không may xảy ra, do có kẻ chỉ điểm, tám giờ sáng ngày 17/3/1947, đồng chí Vũ Đức đang cùng thư ký biên soạn tài liệu huấn luyện dân quân, du kích thì một toán quân Pháp từ phía Đà Lạt, vượt đỉnh núi Thiên Thai, thọc vào sau lưng Chiến khu. Đồng chí ra lệnh cho thư ký và vợ đi cất giấy tài liệu. Giặc ập đến quá nhanh. Một mình vượt ra sườn đồi, với khẩu súng ngắn hiệu Viker và 7 viên đạn, đồng chí đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh anh dũng.
Được tin đồng chí Vũ Đức-Hoàng Đình Giong hy sinh, cán bộ, chiến sĩ vô cùng thương tiếc. Tỉnh Ninh Thuận xem đây là một cái tang lớn ở địa phương, tổ chức mai táng đồng chí ngay trên núi Thiên Thai.
Sau khi nước nhà thống nhất, ngày 31/8/1980, Trung ương Đảng quyết định chuyển hài cốt đồng chí về an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Ngày 21/12/2009, Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng đồng chí Hoàng Đình Giong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân./.

ThS. Lê Xuân An
>> Tạp chí Dân tộc số 111 (3-2010)

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel