Tính đến năm 2009, cộng đồng các dân tộc thiểu số trên
địa bàn tỉnh Bình Dương có 19.643 người, chiếm hơn 1% dân số toàn tỉnh. Địa bàn
cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu tại 4 huyện phía bắc, hầu hết là
sống đan xen hòa đồng cùng với cộng đồng các dân tộc khác của tỉnh; riêng 2 dân
tộc có đồng bào sinh sống tương đối tập trung là dân tộc Chăm tại ấp Hòa Lộc,
xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng và dân tộc Khmer tại xã An Bình, huyện Phú Giáo.
Trong những năm qua, xác định
được tầm quan trọng của công tác dân tộc, các cấp, các ngành đã tập trung thực
hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ khó khăn cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu
số nghèo. Các chính sách hỗ trợ về đời sống sản xuất cho đồng bào dân tộc đặc
biệt khó khăn được thực hiện dưới nhiều hình thức, như: cấp gạo lúc giáp hạt,
hỗ trợ chăn màn, vật dụng gia đình, dụng cụ sản xuất, cây con giống, phân
bón... đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống của đồng bào và kinh tế gia đình
các hộ này liên tục phát triển. Việc thực hiện các chương trình dự án như cấp
đất sản xuất, làm đường giao thông nông thôn, xây trường học, chợ... đã góp
phần xóa dần mức chênh lệch về đời sống giữa các dân tộc với nhau.
Một số dự án cụ thể như tái
định canh, định cư cho đồng bào dân tộc Khmer tại xã An Bình, huyện Phú Giáo
với tổng diện tích 200 ha (đến nay đã giao được 94 ha đất sản xuất cho 93 hộ/kế
hoạch 100 hộ); làm đường giao thông nông thôn tại xã An Bình và An Linh, huyện
Phú Giáo đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho đời sống của cộng đồng dân
tộc thiểu số sinh sống tại đây. Các chương trình hỗ trợ chăn nuôi mang lại hiệu
quả cao thì có dự án chăn nuôi bò (hoặc trâu) sinh sản cho hộ dân tộc thiểu số,
các hộ được cho mượn bò mẹ để nuôi đẻ, sau 18 tháng trả lại bò mẹ và sở hữu bò
con, từ năm 2001 đến năm 2006 số bò con đã tăng từ 111 con lên 166 con. Nguồn
vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội từ năm 2001 đến nay cũng đã cho 408 đồng bào
dân tộc vay để sản xuất và chăn nuôi cũng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn
vay để mở rộng sản xuất của đồng bào. Song song đó, việc mở các lớp tập huấn
khuyến nông cũng đã được thực hiện thường xuyên góp phần thiết thực vào việc
đáp ứng nhu cầu tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật của các hộ đồng bào dân
tộc thiểu số áp dụng vào thực tiễn sản xuất của các hộ này.
Chính từ những chính sách hỗ
trợ thiết thực đó mà cho đến nay đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên
địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt, tăng dần tỷ lệ hộ khá, giàu và giảm dần hộ
nghèo. Từ đó đã xuất hiện nhiều gương điển hình đồng bào dân tộc thiểu số sản
xuất - kinh doanh giỏi như bà Thạch Thị Ngọc, dân tộc Khmer; ông Trương Công
Dưng, dân tộc Mường cùng ngụ tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng... Ông Châu U Mơ,
dân tộc Chăm ngụ tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Hiện
nay cuộc sống của đồng bào Chăm tại Dầu Tiếng đã có nhiều sự thay đổi do nhận
được nhiều sự hỗ trợ từ Nhà nước. Đồng bào Chăm rất mong muốn tiếp tục nhận
được các hỗ trợ về phân bón, vốn và được học các lớp tập huấn về sản xuất nông
nghiệp”.
Trong thời gian qua, công tác
dân tộc đã được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện thường xuyên và
hiệu quả. Những chính sách hỗ trợ thiết thực, cụ thể đó đã góp phần nâng cao
đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Đình Ngọc, Trưởng phòng Dân tộc thuộc Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh,
cho biết: “Thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng
tăng, từ đó bảo đảm đời sống và dần dần có tích lũy để phát triển sản xuất và
chăm lo cho con em học hành. Thực tế cho thấy đồng bào dân tộc thiểu số đã có
nhiều thay đổi trong phong tục đời sống cũng như trong sản xuất - kinh doanh và
ngày càng có nhiều hộ tìm hiểu về kỹ thuật trồng cây, chăn nuôi gia súc, gia
cầm và chi tiêu có tính toán. Hiện nay ngày càng có nhiều hộ đồng bào dân tộc
thiểu số có thu nhập tương đối khá từ vài chục đến vài trăm triệu là phổ biến,
cá biệt có một vài hộ có thu nhập hàng năm vài tỷ đồng...”.
Tại Đại hội đại biểu các Dân
tộc thiểu số tỉnh tỉnh Bình Dương được tổ chức ngày 25 tháng 12 năm 2009 mới
đây, ông Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, nhận định Bình Dương
là một trong số tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong cả nước, công tác dân
tộc được quan tâm thường xuyên, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày
càng được nâng cao. Phó Chủ nhiệm nhấn mạnh, công tác dân tộc của Bình Dương
trong thời gian tới là cần quan tâm hơn đến vấn đề đào tạo và sử dụng cán bộ
người dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân
tộc; bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc, đặc biệt là chữ
viết, ngôn ngữ, lễ hội; cần xây dựng đề án phát triển kinh tế-xã hội tại các
xã, ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và cần nâng cao hơn nữa nhận
thức về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới./.
Hải Minh
>> Tạp chí Dân tộc số 111 (3-2010)
No comments:
Post a Comment