CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Bài trích] Bản sắc văn hóa dân tộc Mông

| | 0 nhận xét
Các tộc người đều tồn tại và phát triển trong một điều kiện tự nhiên, lịch sử cụ thể. Quá trình con người lao động, sản xuất sáng tạo ra các giá trị vật chất, tinh thần đã kết tinh nên những giá trị cốt lõi nhất, tinh túy nhất làm nên bản sắc văn hóa của mỗi tộc người.
Dân tộc Mông là một dân tộc có ý thức đấu tranh kiên cường để bảo vệ nòi giống. Trên thế giới không ít dân tộc khi bị xâm lược áp bức thì bị mất tiếng nói, chữ viết, mất văn hóa truyền thống, bị đồng hóa ,thậm chí bị diệt tộc. Dân tộc Mông bị các thế lực phong kiến đánh đuổi tiêu diệt, phải liên tục di cư vượt qua muôn vàn núi non hiểm trở, khắc nghiệt, phải thay đổi cả tập quán canh tác sản xuất, sinh hoạt, ấy vậy mà họ vẫn giữ được bản sắc dân tộc mình, không thể pha lẫn dân tộc khác. Đó là đóng góp của văn hóa dân tộc Mông vào tính đa dạng, phong phú trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Truyền thống đấu tranh ngoan cường được biểu hiện trong kho tàng chuyện dân gian, cổ tích, dân ca, như “núi vạ ký”, “viên ngọc ước”, “cổng trời”, “bài ca đuổi giặc”. Trong sinh hoạt cộng động, người già bao giờ cũng truyền lại cho thế hệ trẻ ý thức bảo vệ nòi giống. Trong lễ gọi hồn cho bé trai, người Mông đặt cung nỏ, súng kíp lên bàn thờ với ý niệm mong cho đứa trẻ sau này trở thành chiến binh ngoan cường. Kể cả trong lễ tang, điệu kèn tiến quân, đội hình đuổi giặc chạy quanh người đã khuất; Khi sống, chiến đấu bảo vệ dân tộc, lúc chết rồi cũng phải vì dân tộc mà cảnh giác với kẻ thù, để đấu tranh giữ gìn bản sắc.
Bài học mà người Mông rút ra là trong văn hóa mưu sinh, tức là trong cách làm ăn để sản xuất ra của cải vật chất thì người Mông có thể học tập để tiếp thu kinh nghiệm của dân tộc khác, còn trong văn hóa tâm linh, trong cách cảm, cách nghĩ, phương thức ứng xử thì người Mông không chấp nhận yếu tố bên ngoài, mà hành động theo các quy ước, luật tục, tập quán của dân tộc. Điều này đặt ra nhiều suy nghĩ bổ ích trong việc lựa chọn, tiếp nhận các yếu tố ngoại sinh khi giao lưu quốc tế.
Dân tộc nào cũng có tính cộng đồng, nhưng tính cộng đồng dân tộc, dòng họ của người Mông rất bền chặt trong suốt chiều dài lịch sử. Trong hoàn cảnh luôn phải thiên di, đấu tranh chống lại sự áp bức của các thế lực phong kiến, đấu tranh chống thiên tai khắc nghiệt, người Mông phải cố kết, dựa vào sức mạnh cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng dòng họ. Biểu hiện tính cộng đồng là ở chỗ: dù ở bất cứ quốc gia nào người Mông đều thống nhất các lễ hội, phong tục tập quán, cách thức cúng ma, thống nhất nguyên tắc nội hôn tộc người, ngoại hôn dòng họ. Dù mới gặp nhau lần đầu, dù ở bất cứ quốc gia nào, khi đã nhận ra người cùng dân tộc dòng họ thì người Mông coi nhau như anh em ruột thịt, sống chết vì nhau. Từ ý thức cộng đồng cao, người Mông có những phẩm chất đáng quý: tôn trọng sự điều hành của trưởng bản, trưởng họ; Con cái tôn trọng cha mẹ, nề nếp gia đình thuận hòa.
Để duy trì, bảo vệ được tính cộng đồng người Mông tiến hành nhiều biện pháp: chú trọng giáo dục thế hệ trẻ, đặt ra nhiều luật tục, quy tắc sinh hoạt cộng đồng, ai vi phạm sẽ bị xử phạt rất nghiêm minh, bị dư luận lên án. Tất cả mọi công việc của cá nhân, gia đình, đều quy tụ anh em dòng họ tham gia, không có một việc gì, một cá nhân nào phải làm việc lẻ loi, đơn độc. Khi cư trú người Mông quần tụ theo dòng họ, huyết thống để dựa vào nhau.
Dân tộc Mông có đức tính cần cù, thông minh, sáng tạo, tính tự chủ tự quản khá cao. Sống trên núi cao, quanh năm mây mù bao phủ, con người luôn phải giành giật với thời gian và thiên nhiên để đảm bảo sự sống, vì vậy họ phải lao động quanh năm, người Mông rất ghét ai lười nhác. Trong canh tác người Mông biết xen canh, gối vụ, luân canh; sinh hoạt, ăn tiêu có kế hoạch; biết kết hợp sản xuất với khai thác tự nhiên, mở mang ngành nghề phụ. Các lễ hội, vui chơi đều được bố trí vào thời gian nông nhàn. Quá trình lao đông người Mông đã sáng tạo ra nhiều loại công cụ phù hợp như lưỡi cày trên núi đá, sản phẩm nghề rèn; tạo được bộ giống cây con có giá trị kinh tế, năng suất cao như gạo, gà đen, lợn đen, ngô nếp, rau cải, dưa chuột. ở lĩnh vực nào người Mông cũng có sản phẩm đạt chất lượng cao, mang đậm nét bản sắc tộc người.
Mô hình quản lý xã hội dựa trên quan hệ dòng họ, gia đình, uy tín của trưởng họ, già làng thể hiện khả năng điều hành quản lý xã hội của người Mông có hiệu quả. Hệ thống luật tục của người Mông khá toàn diện nhiều điểm hợp lý, nhất là trên lĩnh vực bảo vệ rừng, nguồn nước, quy tắc an ninh, xây dựng tình làng nghĩa xóm.
Đặc điểm nổi bật nhất trong phương pháp tư duy của người Mông là kiểu tư duy đối ngẫu: Khi tư duy về hiện thực về kế mưu sinh là lối tư duy duy cảm, trực giác, cụ thể thiết thực; nhưng khi tư duy về đời sống tâm linh lại là lối tư duy siêu thực, luôn ấp ủ, ước mơ, nuối tiếc hy vọng, lãng mạn. Chính kiểu tư duy này đã tạo nên trong xã hội người Mông là một cộng đồng tự quản, khép kín, nhưng khép kín trong một thể thức luôn vận động. Liên tục du canh, du cư mà vẫn khép kín, tự quản. Một đặc điểm nữa trong kiểu tư duy của người Mông là kết hợp cái lý của tự nhiên với các quy ước, luật tục để suy đoán, cắt nghĩa các vấn đề xã hội, con người, mà ta hay gọi là “cái lý người Mông”.
Dân tộc Mông đề cao đời sống tinh thần, tâm linh, luôn có cách giải tỏa những lo âu, phiền muộn, đảm bảo sự cân bằng tâm lý. Mặc dầu cũng phân chia con người thành hai phần: thể xác và linh hồn, nhưng người Mông quan tâm nhiều đến phần linh hồn. Họ quan tâm sâu sắc đến thân phận con người, các lo âu, phiền muộn, day dứt, nhớ nhung và bao giờ họ cũng tìm phương pháp giải tỏa, cân bằng. Các nghi lễ trong suốt chu kỳ đời người đều tập trung vào chăm sóc đời sống tinh thần: ốm đau, bệnh tật, ngoài thuốc men đã có thầy cúng đuổi tà ma; thân phận con dâu cực nhọc, lam lũ quanh năm đã có khúc hát làm dâu chia sẻ; anh em mâu thuẫn nhau sẽ được giải quyết trong sinh hoạt lễ hội cộng đồng.
Vợ chồng người Mông sống chung thủy, họ đề cao phẩm giá, thậm chí dư luận xã hội đòi hỏi rất khắt khe đối với người phụ nữ, ấy vậy mà người Mông vẫn có một ngày vào đầu tháng ba âm lịch, cả gia đình nhiều thế hệ cùng xuống chợ, không phải để mua bán mà để gặp lại bạn tình năm xưa. Không ai ghen tuông, không ai nghi ky, dù đã tuổi ông bà, dù đã có vợ có chồng nhưng mọi người tự do gặp lại người yêu cũ. Khi tan chợ, ai lại về với gia đình của mình, đợi ngày này năm sau. Đây là một sinh hoạt nhiều khía cạnh nhân văn cần phải được nghiên cứu.
Dân tộc Mông là một dân tộc rất yêu văn nghệ. Kho tàng văn hóa dân gian, truyện cổ, tục ngữ ,ca dao của đồng bào Mông rất đồ sộ, phản ánh toàn diện đời sống vật chất, tinh thần. Vượt lên tất cả là niềm lạc quan yêu cuộc sống. Người Mông có thể hát bất cứ lúc nào, kể cả trong lễ tang. Một con gà cục tác, một gốc cây, tảng đá, một hạt thóc đều thành thơ, thành tiếng hát. Trong đời sống người Mông tiếng hát giữ vị trí rất đặc biệt: là tiếng hát, là lời nhắn gửi tâm tình, là phương tiện biểu đạt quy ước, luật tục, lưu giữ truyền thống lịch sử dân tộc.
Bản sắc văn hóa dân tộc Mông được biểu hiện toàn diện, sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực, ở đâu cũng đậm nét văn hóa tộc người.
Bên cạnh những giá trị rất đáng trân trọng, làm phong phú, đa dạng cho nền văn hóa các dân tộc Việt Nam, trong văn hóa truyền thống dân tộc Mông cũng có một số điểm hạn chế. Đó là tính biệt lập, khép kín, ít mở mang giao lưu; còn có biểu hiện tự ty, cục bộ dòng họ; có một bộ phận đồng bào tính quốc gia, quốc giới chưa cao, dễ bị kẻ xấu kích động tâm lý dân tộc. Quá trình khai thác tự nhiên còn thiếu kế hoạch, dẫn tới đốt rừng, du cư tự do, truyền đạo trái phép... Do vậy cần làm tốt hơn công tác vận động quần chúng để đồng bào khắc phục từng bước các hạn chế này, không để làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp của một dân tộc có một quá trình lịch sử lâu đời, với một kho tàng văn hóa đầy bản sắc./.

TS. Hoàng Xuân Lương
Phó Chủ nhiệm UBDT

>> Tạp chí Dân tộc số 111 (3-2010)

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel