Huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc, như Hmong, Dao, Việt, Thái, Mường.... Mỗi dân tộc đều thể hiện bản sắc văn hóa của mình dưới dạng văn hóa vật thể và phi vật thể. Hiện nay, trong quá trình phát triển của xã hội cũng như sự giao lưu giữa các dân tộc thì bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc đã có những đổi thay đáng kể, một trong những đổi thay về văn hóa đó được thể hiện qua văn hóa vật chất, mà rõ nét nhất là qua nhà cửa. Trong quá trình nghiên cứu tại huyện Mộc Châu chúng tôi thấy ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường đang trong quá trình biến đổi một cách nhanh chóng và có nguy cơ mai một dần. Người Mường ở huyện Mộc Châu cư trú tập trung tại Nà Bai, Chiềng Yên, Vân Hồ,… Ngôi nhà cổ truyền của người Mường cơ bản là giống nhau, là loại nhà sàn, vật liệu chính là gỗ, tre, nứa, mái lợp cỏ tranh hoặc lá cọ. Với những vật liệu này thì nhà ở chỉ sau một số năm là bị hỏng phải làm lại, do đó việc chuẩn bi vật liệu làm nhà được chủ nhà luôn quan tâm hàng đầu. Vật liệu chính để làm là gỗ vì vậy gỗ được chuẩn bị trong một thời gian khá lâu, điều này tùy thuộc vào nhân lực trong gia đình trong việc đi khai thác. Thời gian chuẩn bị gỗ làm nhà có thể từ 1- 3 năm mới có đủ số gỗ cần thiết, thông thường gỗ làm cột chính là loại gỗ to, thẳng, có lõi cứng để không bị mối mọt, như gỗ thọ, táu, sến, chò chỉ….;còn gỗ làm kèo thường là xoan, mỡ, ba soi; để làm dầm dùng gỗ dẻ, …. Tất cả các cây gỗ này đều phải đáp ứng một số yêu cầu như: cây không được cụt ngọn, không được sét đánh, không được dây leo quấn quanh thân, cây bị đổ….Người Mường cho rằng: những cây gỗ đó sẽ đem đến những điều không may mắn cho gia chủ như ốm đau, tai nạn, mùa màng thất bát… Còn đối với vật liệu khác như tre, nứa, lá cọ, cỏ tranh… khi khai thác thường chọn vào mùa khô, cuối năm và lúc này cây ít nước nhất nên không bị mối mọt,… Khi đã chuẩn bị xong vật liệu, việc quan trọng tiếp theo là chọn đất làm nền nhà. Những mảnh đất được chọn thường tương đối bằng phẳng, gần nguồn nước, gần ruộng và thường phải nhờ người xem có phù hợp với tuổi chủ nhà hay không. Nhưng điều quan trọng nhất trong việc chọn đất là tránh chỗ đất có người chết, bị cháy, đất của gia đình không có con cái cũng như mảnh đất mà chủ trước có những lời thề nguyền… Khi tiến hành phát cây để chọn đất, phải nhờ thầy cúng chọn ngày giờ, Kiêng kỵ nhất vào các ngày Thọ tử, Đại sát, Thiên hỏa, Đại hỏa… Theo bà con, nếu trùng vào ngày này thì sau khi làm xong nhà cũng gặp nhiều điều không may mắn. Về hướng nhà, người Mường thường chọn hướng Nam và Đông; ngoài ra, địa thế mặt trước phải quang quẻ, thoáng đãng, phía trước phải có sông, gò, đồi nhưng gò, đồi đó khi nhìn cao không quá mi mắt, và thấp không quá thắt lưng. Sau lưng dựa vào núi, tránh phía sau lưng có hồ, hoặc giữa hai khe núi, vì họ quan niệm ở thế đất đó cuộc sống sẽ không ổn định. Sau khi chọn xong đất và hướng nhà, công việc tiếp theo là chọn ngày dựng nhà. Ngày dựng nhà được người Mường xem rất cẩn thận, đó là kiêng vào ngày bố, mẹ mất, xung với tuổi chủ nhà… Trong trường hợp không thể tránh được thì họ chỉ đến tại mảnh đất để tiến hành đo đất như đóng cọc, căng dây, xác định vị trí nhà, có thể dùng vài cây nứa dựng mô hình ngôi nhà và đợi đến ngày đẹp làm lễ phạt mộc. Đến ngày đã chọn, chủ nhà sẽ mời thầy cúng đến làm lễ phạt mộc. Trong lễ này gồm có hai mâm cúng với lễ vật bao gồm thịt lợn, thịt gà, xôi, rượu, trầu, cau, muối, nước lã và tăm. Một mâm cho tổ tiên và một mâm dành cúng cho các thần linh. Thầy cúng sẽ khấn báo với tổ tiên, các thần linh để mong thần đất phù hộ, cầu mong được ở an lành, làm ăn phát tài và xin được bắt đầu dựng nhà. Thời điểm dựng nhà phải chọn vào giờ hoàng đạo, giờ tốt và thường vào trước lúc trời sáng. Người Mường không có người dựng nhà chuyên nghiệp mà phần lớn nhờ những người thân trong gia đình hoặc hàng xóm. Công việc xây dựng nhà ở hầu như mọi người đàn ông trong làng đều biết và có thể tham gia bởi vì không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Tuy nhiên, họ phải làm việc dưới sự chỉ đạo kỹ thuật của một người nắm được quy cách làm nhà cổ truyền, với kỹ thuật khá đơn giản đó là cột ngoãm, chôn giông và một số loại mộng đơn giản. Kết cấu bộ khung nhà là các bộ vì kèo đơn giản. Đây là dạng trung gian giữa vì cột và vì kèo. Nó là giai đoạn chuyển tiếp từ vì cột sang vì kèo. Bởi vì bộ kèo chưa phải là một bộ phận hữu cơ của vì cột mà nó gá vào đòn tay cái, chân của nó khớp một cách lỏng lẻo vào đầu cột con. Khi dựng nhà bao giờ họ cũng dựng hai vì cột ở gian giữa trước tiên rồi sau đó mới dựng các vì cột của gian tiếp theo, tùy theo kinh tế của hộ gia đình mà nhà đó được làm mấy gian, nhưng thường phải là gian lẻ như 3, 5, 7, 9 gian. Cột nhà thường là những cây gỗ to, dài, có thể để tròn, hoặc được đẽo thành hình lục giác và hình vuông. Khi dựng cột, phần gốc bao giờ cũng phải xuống dưới. Xung quanh nhà thường được thưng bằng vách, đây là những tấm liếp đan bằng tre hoặc nứa (đối với nhà nghèo) và là ván gỗ (đối với những gia đình giàu có). Với những ngôi nhà có quy mô lớn, cửa sổ được mở ở cả 4 mặt nhà, còn nhà nhỏ hơn thì không có cửa sổ ở mặt sau.
Nhà sàn cổ truyền của người Mường loại nhà bốn mái gồm hai mái dài và hai mái ngắn, hai mái ngắn che hai bên đầu hồi. Mái nhà được lợp kéo dài xuống mép mái che một phần của cửa sổ. Nguyên liệu lợp nhà thường là bằng lá cọ, lá gồi… được đánh thành từng phên. Thời gian hoàn thành một ngôi nhà tùy thuộc vào số lượng người tham gia số gian nhà. Sau khi dựng xong nhà, chủ nhà lại phải mời thầy cúng về làm lễ nhà mới. Lễ vật của hai mâm cúng có thịt gà, thịt lợn, xôi, rượu, trầu cau…,một mâm dành cho tổ tiên còn một mâm dành cho các thần linh và Thổ công. Bên cạnh bàn thờ chủ nhà đã chuẩn bị một số cum lúa cùng với ninh xôi, xếp thành một gánh. Thầy cúng chuẩn bị một bát nước lã, 7 ngọn cỏ lác, 7 ngọn cỏ càn vừa khấn vừa vảy nước khắp nhà với mong muốn làm mát nhà, đuổi hết tà khí trong nhà để mọi người được sống yên lành và hạnh phúc. Sau khi cúng xong, cum lúa được để lên gác bếp còn ninh xôi để bên cạnh bếp. Sau đó, chủ nhà hoặc thầy cúng tay cầm một bó đóm đã được châm lửa hơ vào các đầu cột nhà và khấn: sau khi chọn được ngày lành tháng tốt khởi công xây dựng nhà, nay nhà đã hoàn thành, cầu mong các thần phù hộ cho gia đình được khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, chăn nuôi được nhiều; những gì xấu xa, ma tà… phải đi nơi khác. Sau đó đặt bó đuốc vào bếp nhóm lửa, ngọn lửa này phải giữ cho cháy liên tục qua đêm. Nhà của người Mường là nhà sàn, có số gian lẻ, 3, 5, 7 với hai cầu thang, một cầu thang dành cho nam giới và khách còn một cầu thang dành cho nữ giới. Phần trên sàn là nơi sinh hoạt của người, còn phần gầm sàn là nơi nuôi gia súc và gia cầm. Cách bố trí mặt bằng sinh hoạt của nhà người Mường thường theo một quy cách chung đó là: Thang chính thường đặt ở đầu hồi bên phải. Không gian trong nhà được chia theo chiều ngang nhà thành hai phần: phần bên ngoài là dành cho nam giới và phần bên trong dành cho nữ giới; ngoài ra, không gian trong nhà còn được chia theo chiều dọc nhà để quy định phía trên, phía dưới khi ngồi và nằm ngủ. Phía trên thường được hiểu là mặt phía trước của nhà, là nơi để bàn thờ, còn đối diện được coi là phía dưới. Theo cầu thang chính lên nhà từ cửa bước vào thì gian đầu hồi bên trái, sát vách đầu hồi và vách phía trước nhà có cửa sổ. Đây được coi là nơi ngồi tiếp khách nam, đồng thời đây cũng là nơi để ngủ khi nhà có khách nam, một số hộ gian này sát với vách phía trên còn là nơi để bàn thờ, khi ngồi tiếp khách ở gian này thì ông chủ nhà bao giờ cũng ngồi phía bên trên. Tiếp theo là các gian giữa nhà gian này chủ yếu cũng dùng để tiếp khách khi nhà đông khách, đồng thời cũng là nơi ngủ của khách, phần giữa nhà này có thể là một hoặc hai gian tùy theo số lượng gian trong nhà. Phía trên của gian bao giờ cũng dùng làm nơi nằm ngủ, khi ngủ đầu phải quay về vách phía trên. Các gian còn lại dành để làm nơi ngủ cho phụ nữ và làm kho chứa. Ở phần trên sát với nhà ở, các gian này đều có gác xép, đây là nơi để cất giữ, bảo quản các vật dụng cần để khô như ngô, lúa, bí và các hòm bằng mây dùng để đựng quần áo… Ở gian cuối cùng của nhà thường dùng làm bếp chung của các gia đình, bếp thường đặt phía nửa bên dưới của gian, gần với cửa sổ và cửa ra vào phía sau. Đây là bếp chính của gia đình dùng để nấu ăn hàng ngày và trong những ngày lễ hội, đồng thời là nơi tiếp khách của phụ nữ trong gia đình. Trên bếp lửa được đặt các giá để sấy thịt, cá, ngô, sắn… và các đồ đan lát như gùi, giần, sàng. Ngoài cửa phía sau nhà là một sàn bằng gỗ, là nơi để phơi nông sản hoặc quần áo, cùng là nơi phụ nữ ngồi thêu, khâu quần áo. Sát với mép ngoài của sàn được dành riêng một chỗ để nước sinh hoạt. Cạnh sàn phơi này có cầu thang dùng để lên xuống cho phụ nữ nhất là khi đi làm đồng về, cũng như khi nhà trên có khách đến chơi. Phía dưới gầm sàn trước đây là nơi làm chuồng chăn nuôi như trâu, bò, lợn gà và để công cụ sản xuất.
Cuộc sống của người Mường ở Mộc Châu hiện nay đang trên đà phát triển, vì vậy quá trình giao lưu và hòa nhập với các dân tộc xung quanh diễn ra ngày càng mạnh mẽ; bởi thế, ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường cùng có nhiều biến đổi: Về không gian sống: Nhà của người Mường hiện nay đã khác với trước đây, hiện nay làng xóm của người Mường thường được làm ở nơi bằng phẳng, gần ruộng nước hơn. Về việc chọn đất làm nhà: Phần lớn người dân được chính quyền cấp chỗ ở nên việc tự do chọn đất không còn phổ biến. Bên cạnh việc xem tuổi để đặt hướng, phần lớn việc làm nhà của người Mường đang có xu hướng quay mặt ra phía đường đi lại trong làng. Về vật liệu làm nhà: trước đây vật liệu làm nhà chủ yếu là các loại thảo mộc kiếm được trong rừng, thì vật liệu hiện nay dùng làm nhà về cơ bản vẫn là gỗ nhưng vì những loại gỗ to và tốt hiện nay đã hiếm nên thay vào đó, người Mường đã dùng một số nguyên vật liệu hiện đại trong việc làm nhà của mình như gạch, ngói, tấm lợp, thậm chí một số nhà đã dùng đến bê tông cốt thép trong xây dựng nhà. Về kiến trúc nhà: Nhà sàn của người Mường thì hiện nay vẫn làm theo kiểu nhà sàn truyền thống những đã có một số thay đổi như bộ khung nhà hiện nay được kết cấu theo hệ thống vì kèo theo kiểu người Kinh, cùng với hệ thống mộng ghép phức tạp. Các cột trong nhà trước đây thường để tròn thì bây giờ đã được xẻ thành vuông, trước đây hệ thống chân cột được chôn trực tiếp xuống đất thì ngày nay hệ thống chân cột này được kê lên các tảng đá hoặc các khối bê tông để tránh mục. Một số nhà đã tận dụng không gian bên dưới gầm sàn bằng cách xây tường gạch xung quanh tạo thành kho đựng đồ, chỗ để xe máy, làm cửa hàng bán tạp hóa. Về công việc dựng nhà: hiện nay đã hình thành các nhóm thợ người Kinh nên mang tính chuyên nghiệp hơn, kỹ thuật làm nhà cũng đòi hỏi cao hơn với các loại và kiểu nhà khác nhau. Cũng có một số nam giới người Mường lập thành nhóm dựng nhà nhưng chỉ dựng những ngôi nhà có diện tích nhỏ và kỹ thuật đơn giản. Về bố trí mặt bằng sinh hoạt: cơ bản vẫn giữ được theo kiểu trước đây, nhưng bài trí nội thất đã thay đổi và bổ sung thêm một số trang thiết bị như: bàn ghế tiếp khách, giường và phương tiện nghe nhìn hiện đại như TV, đầu đĩa, đài… Bếp nấu vốn được đặt trong nhà chính nay đã được chuyển ra khỏi nhà và đã được làm thành một nhà nhỏ gắn liền và vuông góc với nhà ở chính, khá rộng rãi, ngoài chức năng là bếp thì còn có thể là chỗ ngủ cho phụ nữ và người già khi nhà có đông khách đến nghỉ lại. Sàn phía bên ngoài nhà đã được nối tiếp vào bếp và vẫn giữ chức năng như vậy. Để bảo tồn và phát huy những giá trị của ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường tại Mộc Châu, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị sau:
+ Đối với chính quyền địa phương: Cần đưa ra một số chủ trương và chính sách tạo điều kiện cho người dân được phép khai thác một số nguyên liệu nhất định để phục vụ cho việc lám nhà sàn theo kiểu truyền thống.
+ Đối với ngành văn hóa ở địa phương: cần tổ chức các đợt tuyên truyền sâu, rộng tới bà con để bà con thấy được vai trò của ngôi nhà sàn trong giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Kết hợp với các cơ quan đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ trong việc tuyên truyền vận động bà con bảo vệ và giữ gìn ngôi nhà sàn truyền thống. Hình thành nên những làng, bản văn hóa tiêu biểu, trong đó khuyến khích bà con xây dựng và sinh sống trong các ngôi nhà sàn truyền thống, song bên cạnh đó cần vận động bà con giữ gìn về sinh về môi trường và cảnh quan để hình thành nên các bản, làng truyền thống, phục vụ cho việc phát triển du lịch.
+ Đối với người dân địa phương: Thực hiện tốt các chủ trương và chính sách của chính quyền cũng như ngành văn hoá nêu ra. Việc giữ gìn ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc mình phải được coi là một trách nhiệm và nghĩa vụ, trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc, điều này cần được ghi vào trong những điều quy định trong hương ước của mỗi làng. Đồng thời, cũng nên coi đó là một tiêu chuẩn để ngành văn hoá xếp loại làng văn hoá, bởi hiện nay, ngôi nhà sàn đang đứng trước nguy cơ dần được thay thế bằng các ngôi nhà đất.
NGUYỄN ANH CƯỜNG
>> [Tạp chí] Nghiên cứu Văn hóa số 1 (tháng 6-2010) - Đại học Văn hóa Hà Nội
No comments:
Post a Comment