CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Bài trích] Những đóng góp của các Dân tộc thiểu số trong lịch sử và cách mạng

| | 0 nhận xét
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó lại nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”.
Sự hình thành và phát triển của quốc gia Việt Nam gồm nhiều dân tộc là thắng lợi lịch sử trong việc tập hợp các cư dân trong sự nghiệp dựng nước và bảo vệ Tổ quốc chung, tạo lập nên những điều kiện sinh sống, phát triển cho cả dân tộc. Trong quá trình ấy, các dân tộc thiểu số đã có những cống hiến to lớn, vẻ vang cho đất nước. Đối với các dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, yêu dân tộc gắn bó với nhau trong một quá trình. Chính vì vậy, trong lich sử, các dân tộc đã ngoan cường tham gia chống xâm lược, chống đô hộ. Dưới thời phong kiến, đồng bào hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, tham gia chống ách thống trị của nhà Lương thế kỷ VI, nhà Đường thế kỷ VIII, nhà Tống thế kỷ IX, nhà Nguyên thế kỷ XIII, nhà Minh thế kỷ XV, nhà Thanh thế kỷ XVIII. Cho đến nay, nhiều địa danh, nhiều trận đánh, nhiều nhân vật anh hùng của các dân tộc từ thời xa xưa ấy vẫn được lưu truyền trong sử sách. Khi thực dân Pháp xâm lược  nước ta, đội quân viễn chinh ấy đi đến đâu cũng đều bị các dân tộc chống lại. Năm 1863, thực dân Pháp sau khi chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Bộ đã bị người Khmer, Xtiêng, Mnông, Chăm ở Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Tây Ninh chống lại. Sau đó đồng bào còn tham gia các phong trào khác, xây dựng căn cứ kháng chiến và tiến hành nhiều cuộc tập kích địch cho đến năm 1875. Trong phong trào Cần Vương và Việt Nam Quang phục hội, các dân tộc ở Bắc Trường Sơn, ở miền Tây khu 4, ở Việt Bắc, ở Tây Bắc và Quảng Ninh đã tiến hành nhiều cuộc nổi dậy, tập kích nhiều đồn gây cho địch nhiều thiệt hại. Ngoài sự tham gia các phong trào Cần Vương và Việt Nam Quang phục hội, trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cho đến trước Chiến tranh thế giới thứ hai, các cuộc đấu tranh vũ trang của các dân tộc thiểu số đã liên tiếp nổ ra: người Dao đánh đồn Liễn Sơn (tỉnh Vĩnh Phú) tháng 6/1892; đánh đồn Nặm Lốp (Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) và Bắc Hà (Lào Cai) năm 1901; người Mông tiến hành khởi nghĩa ở Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) do Sùng Mì Chiảng chỉ huy năm 1909-1911 và ở Tây Bắc do Giàng Tả Chay đã có ảnh hưởng rộng rãi. Trên dọc Trường Sơn-Tây Nguyên, từ đầu thế kỷ XX đến năm 1939, đồng bào các dân tộc đã tiến hành nhiều cuộc khởi nghĩa vũ trang, trong đó từ năm 1901–1937 ở vùng Xơ-đăng và Ba- Na đã có 8 cuộc khởi nghĩa; còn ở vùng người Ê-đê, Gia-rai, Mnông đáng chú ý là các cuộc nổi dậy: năm 1902-1904 ở Plâyku, năm 1901-1905 ở Đắc Lắc, năm 1912-1936 ở cao nguyên Mnông do NTrang Lơng đứng đầu, năm 1934-1939 ở vùng người Chăm Hroi tỉnh Phú Yên do Săm Brăm khởi xướng. Hai phong trào do NTrang Lơng và Săm Brăm cầm đầu có ảnh hưởng rất lớn.
Ngay từ khi Đảng Cộng sản thành lập, đồng bào các dân tộc thiểu số đi theo Đảng đã có những cống hiến to lớn vào sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Có những người đã giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Nhiều người đã trở thành đảng viên ngay từ những năm 30-40 của thế kỷ XX. Một số là những cán bộ lãnh đạo cao cấp xuất sắc như đồng chí Hoàng Văn Thụ, người Tày, là thành viên sáng lập nhóm Thanh niên Cách mạng đồng chí hội (tổ chức tiền thân của Đảng) từ năm 1926 tại Lạng Sơn, là Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng trong các hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 (11/1940) và lần thứ 8 (5/1941), bị địch bắt và đưa ra pháp trường vẫn giữ vững khí tiết chiến đấu của người cộng sản. Nhiều gia đình, bản làng ở các vùng dân tộc thiểu số đã trở thành cơ sở cách mạng tin cậy. Nhiều người dân bình thường trên miền rừng, núi đã bất chấp hiểm nguy, thậm chí hy sinh thân mình để che chở, giúp đỡ cán bộ cách mạng. Tiêu biểu như anh Lò Văn Giá, người Thái xã Chiềng An (thị xã Sơn La) đã dũng cảm đưa đường cho một số cán bộ cao cấp của Đảng vượt ngục Sơn La về xuôi an toàn vào năm 1943; khi quay trở về bị sa vào tay giặc, anh đã kiên gan chịu đòn thù tra tấn dã man và bị chúng thủ tiêu. Anh đã được truy tặng danh hiệu  Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Người Tà-ôi và Bru-Vân Kiều cũng giúp nhiều chiến sỹ cách mạng vượt ngục từ nhà tù Lao Bảo, tránh được những sự truy lùng của địch. Khắp nơi trong các vùng dân tộc thiểu số đều có những người đối với Đảng, đối với cách mạng một cách nhiệt thành và cao quý như thế.
Đảng ta đã tài tình làm nên Cách mạng Tháng Tám. Trong quá trình vận động mạnh mẽ và bền bỉ cuả cách mạng để tiến tới thắng lợi lịch sử ấy có phần tham gia đóng góp quan trọng của nhân dân các dân tộc thiểu số, nhất là ở miền núi.
Hàng loạt hành động đánh đuổi Pháp, Nhật diễn ra quyết liệt và rộng khắp tại các vùng dân tộc thiểu số, kể cả những trường hợp chưa nhận được sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, hoà vào cuộc chiến đấu chung. Những tổ chức và phong trào cách mạng do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã phát triển sôi nổi trong nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số là những bộ phận tích cực, thống nhất của trào lưu đấu tranh chống xâm lược giải phóng đất nước.
Đồng bào các dân tộc thiểu số nhiều nơi đã tích cực tham gia các lực lượng vũ trang cách mạng ngay từ thời kỳ đầu. Lực lượng này đóng vai trò quan trọng cùng với toàn dân đẩy mạnh công cuộc đấu tranh, đưa sự nghiệp cách mạng tiến triển nhanh chóng và giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng 9/1940) diễn ra ở một vùng đông người Tày, Nùng, Dao, đội võ trang đầu tiên do Đảng lãnh đạo đã ra đời. Đội du kích Bắc Sơn gồm 32 chiến sỹ Tày, Nùng, Dao và Kinh, về sau thu hút thêm nhiều con, em đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng khắc nhau phát triển thành lực lượng Cứu quốc quân-một trong những đội quân tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Người dân tộc thiểu số còn chiếm số đông trong 34 chiến sỹ Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.
Những cơ sở và căn cứ địa cách mạng ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số có ý nghĩa rất lớn đối với Cách mạng Tháng Tám. Đó là hàng loạt căn cứ ở Thanh Hoá, Quảng Ninh, Tây Bắc, Việt Bắc, vùng người Chăm ở cực nam Trung Bộ... Song quan trọng và rộng lớn nhất là căn cứ địa Việt Bắc - quê hương của nhiều dân tộc thiểu số: Tày, Nùng. Dao, Mông, Sán Dìu, Lô Lô... Việt Bắc vừa là cái nôi của lực lượng vũ trang cách mạng, vừa là thủ đô của cách mạng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Ngay từ sau khởi nghĩa Bắc Sơn, theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai đã hình thành. Sau khi Bác Hồ về nước lấy hang Pắc Bó làm nơi ở và làm việc (tháng 2/1941), Người đã chỉ đạo xây dựng căn cứ địa cả ở Cao Bằng. Theo đà tiến triển của phong trào, từ hai căn cứ địa ngày càng được mở rộng, hình thành nên khu giải phóng bao gồm 1 triệu người, trên địa bàn 6 tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang) và một phần các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Yên Bái, Vĩnh Yên thời đó. Có căn cứ địa sau là khu giải phóng như thế, một phần quan trọng là nhờ ở đồng bào địa phương đã hết lòng vì cách mạng. Nhân dân các dân tộc thiểu số trong vùng đã đóp góp và hy sinh nhiều sức người, sức của trong việc tham gia cách mạng, bảo vệ và nuôi dưỡng cán bộ. Các đội viên Cứu quốc quân trong thời kỳ cam go nhất đã được bà con người Dao cưu mang. Rất nhiều đồng bào Tày, Nùng, Dao, Mông... không quản gian nguy, không tiếc của cải, thậm chí vượt qua cả sự ngăn trở của tập tục dân tộc để giúp Việt Minh. Một trong những gương dũng cảm hy sinh hầu như ai ai cũng biết đến là Kim Đồng (Nông Văn Dền), một thiếu niên Nùng ở Cao Bằng đã can đảm chạy nhử cho giặc bắn mình để giúp cán bộ đang họp trong bản nghe tiếng súng mà kịp biết và lánh ra rừng.
Trong khí thế sục sôi của những ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, nhân dân các dân tộc thiểu số từ Bắc chí Nam đã hăng hái tham gia giành chính quyền. ở vùng Tây Bắc, đồng bào Thái và các dân tộc khác ủng hộ và hỗ trợ lực lượng vũ trang dành chính quyền về tay nhân dân. ở Ninh Thuận, Bình Thuận, đồng bào Chăm đã tham gia giành chính quyền tại Phan Rang (21/8) và Phan Thiết (24/8). ở miền núi Bình - Trị - Thiên, người Cơ-tu và Tà-ôi mau lẹ làm chủ vùng A Lưới; rồi người Bru-Vân Kiều và Tà-ôi tham gia giành chính quyền ở Hướng Hoá và Tuyên Hoá. ở Sông Bé, đồng bào Xtiêng, Chơ-ro, Khmer lập nhiều đội tự vệ trang bị vũ khí thô sơ kéo về tỉnh lỵ Thủ Dầu Một giành chính quyền. ở Gia Lai và Kon Tum, đồng bào các tộc Thượng phối hợp với người Kinh giành chính quyền trong vòng 1 tuần... Khắp nơi đều bừng bừng cao trào tổng khởi nghĩa. Đồng bào các dân tộc thiểu số hào hứng hướng về Việt Minh, tham gia Cách mạng Tháng Tám, góp phần giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc. Uỷ ban Nhân dân Cách mạng lâm thời được thành lập ở các địa phương.
Cách mạng Tháng Tám mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do trên đất nước ta. Lịch sử đã ghi nhận truyền thống quật cường, bất khuất của các dân tộc thiểu số Việt Nam./.

>> Tạp chí Dân tộc số 111 (3-2010)

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel