CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Giới thiệu] Then Tày

| | 0 nhận xét
[Giới thiệu] Then Tày
Then là một hiện tượng văn hoá dân gian tổng thể đặc trưng của dân tộc Tày. Ở đó, trên cái nền của hiện tượng tín ngưỡng đã tích hợp và phát sinh nhiều sinh hoạt văn hoá nghệ thuật, như âm nhạc, vũ đạo, tạo hình dân gian, các hình thức liên kết và quan hệ xã hội… nhằm thoả mãn đời sống tâm linh của con người, không chỉ trong xã hội cổ truyền mà còn cả trong xã hội đương đại. Để hiểu một cách toàn diện về văn hoá Then dân tộc Tày với các giả thuyết về sự hình thành và biến đổi cụ thể mời bạn tìm đọc cuốn “Then Tày” của TS. Nguyễn Thị Yên (Viện Nghiên cứu Văn hoá) để có được những hiểu biết nhất định cho riêng mình về loại hình văn hoá này.

Với độ dày 655 trang, khổ 14.5 x 20.5cm, in xong và nộp lưu chiểu tháng 2 năm 2007. Cuốn sách là công trình mới nhất nghiên cứu về loại hình văn hoá Then dân tộc Tày. Trên cơ sở khối lượng tư liệu điều tra thực địa khá phong phú, chủ yếu ở vùng Cao Bằng, Bắc Kạn, tác giả đã vẽ nên một bức tranh khá đa diện về sinh hoạt Then, một hiện tượng văn hoá dân gian tổng thể rất đặc trưng của dân tộc Tày. Mặc dù người Tày có nhiều loại Then như Then Kỳ yên, Then bói, Then chữa bệnh, Then tống tiễn trừ tà, Then cầu mùa, Then chúc tụng và Then cấp sắc… nhưng cuốn sách này chủ yếu tập trung vào Then cấp sắc, một loại Then lớn nhất và điển hình nhất của Then Tày.

Công trình được biên soạn trên cơ sở luận án tiến sỹ năm 2005, đạt mức xuất sắc tại Hội đồng chấm luận án tiến sỹ của Viện Nghiên cứu văn hoá, cuốn sách “Then Tày” của Nguyễn Thị Yên đã góp phần làm rõ bản chất tôn giáo tín ngưỡng của hiện tượng Then Tày. Đây là một hiện tượng Shaman giáo hình thành trên cơ sở hỗn hợp giữa các tín ngưỡng bản địa và các ảnh hưởng của đạo giáo dân gian của các dân tộc nam Trung Quốc, tạo thành một thứ đạo giáo dân gian Tày. Hiện tượng nhập hồn và xuất hồn các thần linh vào thân xác của các bà Then, ông Then (Dàng) để cầu sức khoẻ, chữa bệnh, cầu bình yên cho cá nhân và cộng đồng, đã tạo nên sinh hoạt Then mang tính shaman rõ rệt. Vì thế, Then của người Tày cũng giống như Mỡi của người Mường, Lên đồng của người Kinh, Một của người Thái, Bà bóng của người Chăm, Pajâu của Raglai và nhiều dân tộc Tây Nguyên được xếp vào cùng một loại tín ngưỡng shaman của nhiều dân tộc trên thế giới. 

Có lẽ còn quá sớm để khẳng định cuốn sách mang giả thuyết hoàn toàn chính xác về sự hình thành và biến đổi của loại hình văn hoá này của người Tày. Tuy nhiên bằng những tư liệu thực địa, tư liệu so sánh giữa các nhóm Tày, giữa người Tày và người Nùng ở Việt Nam và người Choang ở Trung Quốc, việc đưa ra được giả thuyết như vậy cũng là một khám phá, làm cơ sở để phân tích, lý giải làm sáng tỏ nguồn gốc cũng như bản chất tín ngưỡng của loại hình văn hoá nghệ thuật này. Mặc khác, cuốn sách cũng đã chú ý đúng mức tới tính diễn xướng trong nghi lễ Then cấp sắc ở các vùng khác nhau của người Tày, và khẳng định các giá trị văn hoá nghệ thuật của diễn xướng Then cũng như ý nghĩa xã hội và tính lịch sử của nó.

Đó cũng là những gợi ý cần thiết để các nhà quản lý xã hội có thái độ đúng mực hơn với hiện tượng văn hoá tâm linh này trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của nó trong xã hội đương đại. Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phần phụ lục gồm bản đồ, sơ đồ, các tư liệu liên quan, ảnh… cuốn sách gồm 4 chương,
Chương 1: Tổng quan về Then và các vấn đề nghiên cứu Then;
Chương 2: Diễn xướng nghi lễ Then cấp sắc;
Chương 3: Tìm hiểu bản chất tín ngưỡng và sự hình thành biến đổi của Then;
Chương 4: Giá trị của Then.

Tác giả đã trình bày một cách có hệ thống những vấn đề liên quan đến Then nhằm cung cấp cho người đọc những thông tin đầy đủ nhất xung quanh loại hình văn hoá tiêu biểu này cũng như làm rõ những mặt giá trị và hạn chế của Then trong sinh hoạt văn hoá của người Tày huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) nói riêng và Then trong sinh hoạt văn hoá dân tộc Tày nói chung.

Cuốn sách sẽ là nguồn khảo cứu đầy đủ nhất cho những ai quan tâm, nghiên cứu đến loại hình văn hoá nghệ thuật này của người Tày.

Cơ quan soạn thảo: Viện nghiên cứu Văn hóa, NXB Khoa học xã hội
Tác giả: TS. Nguyễn Thị Yên
Năm xuất bản: 2007
Địa chỉ liên hệ: Viện Nghiên cứu Văn hóa; NXB Khoa học xã hội

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel