Tỉnh Vĩnh Long có gần 21.000
người dân tộc Khơ-me, chiếm 2,26% dân số. Đồng bào Khơ-me sống tập trung ở 48 ấp
vùng sâu thuộc 11 xã, thị trấn của 4 huyện là Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh và
Vũng Liêm. Những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của bà con Khơ-me
đã được cải thiện đáng kể. Đây là kết quả từ sự nỗ lực lớn của các cấp ủy đảng
trong việc triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước
ta nhằm hỗ trợ sản xuất và đời sống cho bà con Khơ-me.
Trước đây, cả gia đình của chị
Thạch Thị Kim phải nương náu trong một căn chòi nhỏ xiêu vẹo. Do không có đất sản xuất, vợ
chồng chị phải đi cắt lúa mướn nhưng so tiền ít ỏi kiếm được cũng không đủ nuôi
4 đứa con ăn học nên chuyện sửa chữa lại căn nhà dột nát chỉ là điều mơ ước. Biết
được gia cảnh khó khăn này, đầu năm 2010, các đảng viên ở đây đã đề xuất với
chính quyền địa phương hỗ trợ cho gia đình cất một căn nhà, với chi phí là 15
triệu đồng. Trong đó số tiền được hỗ trợ từ chương trình 167 của Chính Phủ là 7
triệu đồng. Số còn lại 8 triệu đồng cũng nhờ các đảng viên ở địa phương bảo
lãnh cho chị được vay từ Ngân
hàng chính sách xã hội. Đón tết cổ truyền năm nay trong căn nhà mới khang
trang, gia đình chị vô cùng phấn khởi. Không chỉ có chị Thạch Thị Kim, được
sự đề xuất của các đảng viên sinh hoạt ở các xã, đến nay có 306 hộ Khơ-me nghèo
trong tỉnh đã được hỗ trợ cất nhà ở từ chương trình 167 của Chính Phủ, kinh phí
mỗi căn là 15 triệu đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 7 triệu đồng, số còn lại 8
triệu do các đảng viên công tác trong các đoàn thể bảo lãnh cho bà con được vay
từ ngân hàng chính sách xã hội, với lãi suất ưu đãi 3%/năm, thời hạn vay là 10
năm. Như vậy, nếu tính chung với số nhà ở đã được cất cho đồng bào dân tộc thiểu
số từ chương trình 134 của Chính Phủ thì đến nay đã có trên 3.000 hộ Khơ-me
nghèo trong tỉnh được hỗ trợ cất nhà ở, với kinh phí trên 38 tỷ đồng. Trong đó
vốn của Trung ương đầu tư trên 31 tỷ, vốn địa phương trên 7 tỷ. Đến nay, trong
đồng bào Khơ-me không còn hộ nào gặp khó khăn về nhà ở, đây là nỗ lực lớn của
các cấp ủy đảng trong việc giải quyết dứt điểm vấn đề nhà ở, giúp bà con an cư,
lạc nghiệp.
Không chỉ được hỗ trợ về nhà ở,
đối với những hộ Khơ-me gặp khó khăn về kinh tế gia đình còn được các đảng viên
công tác trong các đoàn thể bảo lãnh vay vốn Ngân
hàng chính sách xã hội để phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng thời còn được
đào tạo nghề và giới thiệu việc làm miễn phí. Riêng trong năm 2010, các đảng
viên ở các địa phương đã bảo lãnh cho bà con được vay vốn hàng chục tỷ đồng để
trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, vươn lên ổn
định cuộc sống nhờ được trợ vốn làm kinh tế gia
đình.
Như trường hợp của chị Sơn Thị
Nga, do không có đất sản xuất nên
trước đây chị và chồng chị phải đi làm thuê, làm mướn nhưng vẫn không đủ nuôi
con ăn học. Đầu năm 2010, các đảng viên lãnh đạo Hội Phụ
nữ xã Đông Thành đã bảo lãnh cho chị được vay 3 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội. Sử dụng số
vốn này để mua bán nhỏ đã giúp chị kiếm được vài chục ngàn đồng mỗi ngày trang
trải cho cuộc sống gia
đình.
Tương tự như chị Nga, do không
có đất sản xuất nên trước đây chị Lâm Thị Hường cũng gặp rất nhiều khó khăn về
kinh tế gia đình. Cả hai vợ chồng phải đi làm mướn, làm thuê xa nhà nhưng tiền
công kiếm được cũng khong đủ nuôi ba đứa con ăn học. Năm 2010, các đảng viên ở
xã Đông Thành đã bao lãnh cho chị được vay 13 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để chăn
nuôi heo. Các đảng viên ở đây còn đề xuất với chính quyền hỗ trợ lắp đặt đồng hồ
nước miễn phí, đồng thời kéo điện vào nhà phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Nhờ vậy
mà đời sống gia đình chị đã bớt khó khăn. Nhiều hộ Khơ-me nghèo còn được
các đảng viên, nhất là các đảng viên phụ trách Hội Nông
dân vận động hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, kể cả công cụ sản xuất. Đồng
thời cũng hướng dẫn áp dụng một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Trong đồng bào Khơ-me hiện
nay không còn hộ đói, số hộ nghèo đã giảm dần.
Đời sống của người dân nơi đây càng khởi
sắc hơn kể từ khi 9 trạm cấp nước tập trung với kinh phí trên 17 tỷ đồng được đầu
tư xây dựng ở các xã có đông đồng bào Khơ-me. Công suất mỗi trạm từ 600 đến 960
mét khối /ngày đêm. Trong đó có 4 trạm cấp nước lồng ghép với chương trình mục
tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng tại xã
Trà Côn và xã Tân Mỹ, huyện Trà
Ôn, 5 trạm cấp nước còn lại được xây dựng tại xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, xã
Đông Bình và xã Đông Thanh, huyện Bình Minh. Đối với số hộ sống tập trung ở các
tuyến dân cư thì được lắp đặt đồng hồ nước miễn phí. Còn đối với những hộ sống
phân tán cũng được hỗ trợ lu chứa nước. Nhờ vậy mà tỷ lệ hộ Khơ-me sử dụng nước
hợp vệ sinh toàn tỉnh đạt trên 70%.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời
sống văn hóa ở khu dân cư” mà các cấp ủy triển khai thực hiện với các thiết chế văn hóa được đầu tư
xây dựng ngày càng nhiều đã làm cho đời sống tinh thần của đồng bào Khơ-me thêm
phong phú. Tất cả 13 ngôi chùa đều có tủ sách, báo chí chữ viết người Khơ-me,
có đội văn nghệ được trang bị đầy đủ các loại nhạc cụ dân tộc. Phong trào văn
hóa văn nghệ ở vùng đồng bào dân tộc Khơ-me luôn được giữ vững và phát huy đã
góp phần cổ vũ, nâng cao mức hưởng thụ và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc
Khơ-me trong cộng đồng các dân tộc anh em.
Xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình
cùng với hai xã Trà Côn và Tân Mỹ, huyện Trà Ôn có đông đồng bào Khơ-me nhất tỉnh
không còn trong danh sách các xã đặc biệt khó khăn của cả nước. Kết cấu hạ tầng
kinh tế-xã hội tương đối hoàn chỉnh, được đầu tư xây dựng với số tiền lên đến
62 tỷ đồng. Các công trình phúc lợi xã hội như: Các công trình điện, chợ, giao
thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sạch… không chỉ nâng cao đời sống
của bà con Khơ-me mà còn làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc.
Từ các chương trình dự án, từ
những việc làm thiết thực của cán bộ đảng viên trong việc hỗ trợ đồng bào
Khơ-me làm ăn phát triển kinh tế gia đình vươn lên ổn định cuộc sống đã củng cố
được niềm tin của đồng bào dân tộc Khơ-me vào sự lãnh đạo của Đảng. Đây cũng là
kết quả của quá trình củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức
cơ sở đảng vùng đồng bào dân tộc Khơ-me của tỉnh Vĩnh Long.
Chăm lo đời sống vật chất và
tinh thần, xóa đói giảm nghèo nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản
săc văn hóa truyền thống tốt đẹp làm cho mức sống của đồng bào dân tộc Khơ-me
ngang bằng với các dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam là chủ trương của Đảng
và Nhà nước ta. Thực hiện chủ trương này, các cơ sở đảng vùng đồng bào dân tộc
Khe-me tỉnh Vĩnh Long đã và đang ra sức triển khai, thực hiện tốt chủ trương
này sao cho cải thiện nâng cao đời sống mọi mặt cho bà con Khơ-me để ngày tết
Dol-ta cổ truyền trên các phum sóc của bà con càng thêm rộn ràng phấn khởi.
Trần Tiến
>> Thông tin Công tác Mặt trận số 101 (11-2011)
No comments:
Post a Comment