Bát Xát là huyện vùng cao biên giới tỉnh Lào Cai, hàng tiêu dùng từ
bên ngoài được đưa vào trong nước bằng nhiều cách khác nhau. Triển khai cuộc vận
động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhờ sự vào cuộc của
chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế trong lựa chọn
tiêu dùng của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao.
Chị Phạm Thị Thủy chủ quầy hàng tạp hóa ở
chợ Mường Hum, huyện vùng cao biên giới Bát Xát cho biết: Mấy năm trước, hàng
Việt rất ít, chỉ chiếm không quá 40%, nhưng từ khi có chủ trương khuyến khích
dùng hàng nội, bà con đã nhận thấy dùng hàng Việt an toàn hơn, chất lượng
hơn, giá cả phù hợp nên bán khá chạy. Quầy hàng của chị Thủy giờ có khoảng 90%
các mặt hàng được sản xuất trong nước; chỉ còn một số ít mặt hàng bia, nước
giải khát, bánh kẹo có nguồn gốc từ Trung Quốc được bày bán. Tại quầy hàng của
chị, những sản phẩm mang nhãn hiệu Việt như: sữa Vinamilk, nước mắm Nam Ngư, cá
khô Thanh Hóa, nông cụ cơ khí Nhất Hương (Bát Xát, Lào Cai), đồ nhựa sản xuất
trong nước... chiếm phần lớn. Mặt hàng mì Chũ (tỉnh Bắc Giang) cũng được vận
chuyển lên tận đây để bán cho bà con với bao bì đóng gói nghiêm chỉnh, bảo đảm
vệ sinh, thông tin về hạn sử dụng, ngày sản xuất rất rõ ràng. Tại cửa hàng bán
phân bón các loại của Công ty Vật tư nông nghiệp tỉnh ở khu vực Ý Tý, vào ngày
chợ phiên chủ nhật rất đông khách đến mua hàng. Bà con các dân tộc Mông, Dao,
Hà Nhì... chằng buộc với những bao phân đạm u-rê, phân bón DAP, NPK...
mang nhãn hiệu trong nước sản xuất lên xe máy, lưng ngựa thồ về nhà. Chị Thu,
nhân viên bán hàng cho biết: Hai năm trước, bà con thường qua lối mở Thiên Sinh
(Ý Tý, Bát Xát) sang bên kia biên giới mua phân bón của nước ngoài, rẻ hơn một
vài giá nhưng sau một hai vụ đất bị chai cứng, rất khó cày bừa, canh tác. Bây
giờ, bà con rút kinh nghiệm, hàng rẻ chưa chắc đã tốt, nên đã bảo nhau chuyển
sang dùng phân bón sản xuất trong nước để thâm canh lúa, ngô, chuối, dứa...,
đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện Cuộc vận động "Người Việt
Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", huyện miền núi biên giới Bát Xát tích cực,
chủ động đưa hàng tiêu dùng sản xuất trong nước về nông thôn các xã, cụm xã
vùng cao như Ý Tý, Trịnh Tường, Mường Hum, Bản Vược... Toàn huyện Bát Xát có 22
xã và một thị trấn, dân cư hơn 58 nghìn người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu
số, sinh sống phân tán, giao thông khó khăn, nên huyện rất quan tâm tổ chức đưa
hàng về phục vụ bà con, từng bước xây dựng mạng lưới dịch vụ thương mại. Ðến
nay, huyện có bảy chợ, được phân bố khá đồng đều, phủ kín địa bàn, các khu vực
tập trung đông dân cư. Ðây chính là "kênh" đưa hàng Việt về
nông thôn miền núi hiệu quả, nhanh chóng. Bên cạnh đó, huyện Bát Xát chỉ đạo
Phòng Kinh tế huyện tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đăng ký kinh doanh và mặt
bằng, cơ sở vật chất cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại,
phân phối lưu thông hàng hóa trên địa bàn, ưu tiên vùng sâu, vùng xa.
Hiện tại, toàn huyện có hơn 300 hộ đăng ký
kinh doanh bán hàng tiêu dùng, bách hóa, vật tư nông nghiệp... ở 23 xã, thị trấn.
Tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số vùng nông thôn miền núi thích sử dụng
nông cụ, hàng tiêu dùng sản xuất trong nước phù hợp với lối canh tác, mức sống
và sức mua của hộ gia đình. Ðồng bào miền núi thường mua sắm mạnh sau mùa thu
hoạch thảo quả (tháng 10 hằng năm), các cơ sở kinh doanh nắm chắc tập quán tiêu
dùng để cung ứng các mặt hàng phù hợp. Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Bát Xát Nguyễn
Tiến Hưng, cho biết: Ủy ban MTTQ huyện đứng ra làm nòng cốt, chỉ đạo các thành
viên như Hội Phụ nữ, Ðoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân... lồng
ghép công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dùng hàng hóa sản xuất trong nước.
Hội Nông dân huyện còn phối hợp Hội Doanh nghiệp trẻ, Xí nghiệp sản xuất phân
bón NPK thuộc Công ty A-pa-tít Việt Nam, Công ty Hoa Lợi, HTX Nhất Hương...
tuyên truyền, quảng cáo sản phẩm phân bón, thức ăn chăn nuôi, hàng tạp hóa,
nông cụ cơ khí... sản xuất tại chỗ bảo đảm chất lượng, giá cả cạnh tranh. Các
doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng áp dụng phương thức
thanh toán trả chậm, đổi hàng hoặc ưu đãi lãi suất trả chậm... để bán hàng, chiếm
lĩnh thị trường. Ðiển hình là Trạm vật tư nông nghiệp Bát Xát đã chiếm lĩnh
hoàn toàn thị trường nông thôn nhờ phương thức bán trả chậm và tín chấp nợ vốn.
Nhờ các biện pháp tổng hợp, lượng hàng Việt tiêu thụ ở huyện miền núi biên giới
Bát Xát ngày càng tăng, năm 2010, tổng doanh thu bán lẻ đạt gần 90 tỷ đồng.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Trình, Trưởng
phòng Kinh tế huyện, mặc dù đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức và thói
quen sử dụng hàng nội địa của bà con nông thôn vùng cao Bát Xát, nhưng
khó khăn lớn nhất trong việc tiêu thụ hàng Việt là giao thông khó khăn, chi phí
vận tải lớn, công tác tuyên truyền quảng bá còn ít và chưa phù hợp tâm lý, tập
quán của người dân tộc vùng cao. Trong hai năm thực hiện chiến dịch đưa hàng Việt
về nông thôn, huyện Bát Xát mới chỉ tổ chức được một lần hội chợ (có sự trợ
giúp của Chương trình "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt") với hơn 40
gian hàng tại cụm xã phía Tây Mường Hum. Do đường xá đi lại khó khăn nên chi
phí cước vận chuyển cho một xe ô tô chở hàng (loại 8 đến 10 tấn) từ tỉnh lỵ lên
địa bàn các xã vùng cao khoảng 10 triệu đồng, làm đội giá sản phẩm; trong khi
hàng nước ngoài chỉ cần qua con suối nhỏ hoặc lối mòn biên giới là vào nội địa,
giá thấp hơn. Ðể khắc phục, một số đơn vị thương mại đã phải tìm nguồn hàng để
chở thuê lượt về, nhằm bù đắp cước phí vận tải đưa hàng lên vùng cao,
vùng sâu. Các cơ sở hợp tác xã như Nhất Hương vận dụng gửi hàng nông cụ cơ khí
theo xe khách cho các đại lý ở Mường Hum, Ý Tý, Trịnh Tường, Ngải Thầu...,
thanh toán theo tháng hoặc quý để tiết giảm cước vận tải. Chị Trần Thị Hương,
phụ trách hợp tác xã Nhất Hương cho biết, nhờ cách làm đó, HTX và hàng chục cơ
sở bán hàng ở các xã không tiếp xúc trực tiếp nhưng vẫn bảo đảm nguồn hàng đúng
chủng loại, thời gian và thanh toán an toàn.
Thời gian tới, huyện Bát Xát lồng ghép quy
hoạch và xây dựng hệ thống chợ với Chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời
đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá hàng Việt và tăng cường kiểm tra an
toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm định chất lượng hàng hóa để bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tiêu thụ hàng sản xuất trong nước.
Quốc Hồng
No comments:
Post a Comment