Làm công tác dân số ở vùng đồng bào dân tộc thường gặp không ít
gian nan. Nhưng với sự kiên trì của các cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân
số và sự quan tâm sát sao của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể
ở từng địa phương, nên công tác dân số ở những nơi đây cũng từng bước đi vào nề
nếp.
Những
năm trước đây, do nhận thức của người dân về công tác dân số - kế hoạch hóa gia
đình (DS - KHHGĐ) còn hạn chế, nên việc thực hiện công tác DS - KHHGĐ ở địa
phương còn gặp nhiều khó khăn. Bà Danh Thị Đen, cộng tác viên (CTV) dân số ấp
10, xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), cho biết: “Những năm trước
đây, khi vận động các cặp vợ chồng trong đô tuổi sinh đẻ của ấp thực hiện
KHHGĐ, đặc biệt là những gia đình đồng bào dân tộc Khmer thì rất khó khăn. Phần
đông là nông dân lao động nghèo, nên họ thường xuyên đi làm thuê, làm mướn. Có
lúc, các CTV phải vận động đến cả 10-11 giờ đêm. Hơn thế nữa, có những lúc đi vận
động gặp những gia đình ở trong đồng ruộng thì các CTV phải đi bộ 4-5km để vận
động, chưa kể đến những lúc gặp trời mưa thì càng khó khăn hơn…”.
Ông Phan Thế Song, cán bộ chuyên
trách dân số xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), tâm sự: “Tôi đã làm
công tác dân số hơn 10 năm nay. Xà Phiên cũng là xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc
Khmer sinh sống chiếm tỷ lệ cao, khoảng 1/3 dân số trong toàn xã. Có lúc, khi đến
vận động các cặp vợ chồng đồng bào dân tộc thực hiện KHHGĐ, có những gia đình
thật sự không biết KHHGĐ là gì, nên phải giải thích cặn kẽ. Có những trường hợp
khi vận động, các CTV phải nhận những phản ứng của các gia đình với những câu
như “tôi đẻ tôi nuôi chứ đâu có bắt mấy chú nuôi đâu mà vận động”. Tuy nhiên, với
những câu như thế không làm chúng tôi nản lòng”. Theo đánh giá chung của nhiều
cán bộ chuyên trách, CTV dân số, ở các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer thì
làm công tác dân số hết sức gian nan, như “làm dâu trăm họ”. Cộng tác viên dân
số phải tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của từng cặp vợ chồng như thế nào để vận động
họ thực hiện từng biện pháp cho phù hợp, đôi khi có những gia đình các CTV đến
vận động 5-6 lần cũng chưa được…
Nhờ kiên trì công tác tuyên truyền,
vận động, đến nay việc thực hiện chính sách DS- KHHGĐ trong nhân dân, nhất là
trong đồng bào dân tộc đã có nhiều chuyển biến. Theo ông Phan Thế Song, cán bộ
chuyên trách dân số xã Xà Phiên, các CTV phải luôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà,
rà từng đối tượng” để tìm hiểu nguyện vọng, tâm tư của các cặp vợ chồng trong
đô tuổi sinh sản để vận động thực hiện biện pháp nào hợp lý. Cùng với đó, các
CTV còn tìm hiểu hoàn cảnh từng gia đình để có cách giúp đỡ kịp thời, như đề
nghị cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ tập sách cho con em ăn học.
Các CTV, cán bộ dân số chú ý đến những gia đình nghèo khó, gia đình có nguy cơ
sinh con thứ 3 cao để vận động… Một điều rất quan trọng là Ban chỉ đạo chiến dịch
xã còn khen thưởng nóng đối với những gia đình, những cá nhân, tập thể nào thực
hiện tốt công tác dân số, nhằm khuyến khích, động viên họ thực hiện tốt hơn.
Theo đó, nhiều năm liền, Xà Phiên là một trong những xã đạt thứ hạng cao của
huyện Long Mỹ trong thực hiện công tác DS - KHHGĐ. Đặc biệt, trong năm nay, các
chỉ tiêu mà xã đề ra đều thực hiện đạt và vượt. Cụ thể như đình sản có 18/11
ca, vòng tránh thai có 202/197 ca, thuốc uống tránh thai có 592/575 trường hợp,
bao cao su có 417/384 trường hợp. Còn xã Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu
Giang), 5 năm liền dẫn đầu huyện về công tác dân số, 5 năm liền không có trường
hợp sinh con thứ 3 trở lên. Trong chiến dịch năm nay, tất cả 4 biện pháp tránh
thai hiện đại đều thực hiện đạt và vượt như: đình sản có 19/8 ca, vòng tránh
thai có 132/131 ca, thuốc tiêm tránh thai có 55/52 ca, thuốc uống tránh thai có
385/379 trường hợp, bao cao su có 258/254 trường hợp…
Một điều hết sức quan trọng là công
tác dân số đã tác động rất lớn đến ý thức của người dân, đặc biệt là những gia
đình đồng bào dân tộc. Họ đã ý thức hơn trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản -
KHHGĐ. Chị Thị Bảnh, ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, cho biết: “Trước đây, do thiếu kiến
thức, chưa biết thực hiện KHHGĐ, tôi sinh 3 đứa nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc
sống cũng như nuôi dạy các con. Sau khi được các CTV dân số của ấp vận động thực
hiện KHHGĐ, tôi quyết định thực hiện KHHGĐ luôn. Bây giờ cuộc sống đã ổn rồi”.
Còn anh Danh Phương Dal, ở ấp 4, xã Xà Phiên, bày tỏ: “Gia đình tôi có 2 đứa
con, nhưng đều là gái. Sau khi sinh đứa thứ hai, vợ chồng tôi quyết định dừng lại
ở hai con để tập trung lo cho các con ăn học”.
Bà Trịnh Thị Bạch Tuyết, cán bộ
chuyên trách dân số xã Lương Nghĩa, cho biết: “Với những kết quả đã đạt được
trong thời gian qua, một điều hết sức quan trọng là sự chung vai, sát cánh của
các ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể trong việc tuyên truyền sâu rộng trong
đồng bào dân tộc, để họ thấy và thấu hiểu lợi ích của việc KHHGĐ mà mạnh dạn thực
hiện. Ngoài ra, sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận
và các đoàn thể ở địa phương đã góp phần không nhỏ vào sự thành công chung của
xã”.
Thực hiện tốt dân số - KHHGĐ là nền
tảng để phát triển kinh tế - xã hội; làm cho cuộc sống của mỗi người dân trở
nên ấm no, phát triển và tiến bộ. Do đó cần giữ vững, phát huy những kết quả mà
từng địa phương đạt được trong thời gian qua. Ông Hồ Thanh Tùng, Giám đốc Trung
tâm Dân số - KHHGĐ huyện Long Mỹ, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng
cường công tác tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ nhiều
hơn nữa. Đặc biệt, quan tâm đến những địa phương có đông đồng bào dân tôc
Khmer. Chúng tôi sẽ tăng cường công tác vận động, tuyên truyền
để các địa phương giữ vững những thành tích đã đạt được trong thời gian qua”.
Nhật
Tân
No comments:
Post a Comment