Dân
tộc Trung Hoa có lịch sử khởi nguồn từ các thị tộc và bộ lạc ở lưu vực sông
Hoàng Hà, đến nay đã ngót 5.000 năm. Nền văn minh Trung Quốc xuất hiện rất sớm,
từ đời nhà Hạ vào khoảng năm 2205 trước Công nguyên. Dưới các triều đại phong
kiến, lãnh thổ Trung Quốc không ngừng được mở mang và ngày nay là một quốc gia
rộng lớn và thống nhất, gồm 56 dân tộc anh em.
1.
Các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc
Theo
số liệu thống kê năm 2002, dân tộc Hán đông nhất, có 1 tỷ 178 triệu người,
chiếm gần 92% dân số toàn quốc. 55 dân tộc thiểu số khác có trên 102 triệu
người, chiếm khoảng 8% tổng dân số toàn quốc, là các dân tộc: Mông Cổ, Hồi,
Tạng, Uây-ua, Mèo, Di, Choang, Bu-y, Triều Tiên, Mãn, Động, Dao, Bạch, Thổ Gia,
Ha Ni, Ha-dắc, Thái, Lê, Lật Túc, Oa, Xá, La Hu, Thủy, Đông Hương, Na Xi, Cảnh
Phả, Can-cát, Thổ, Ta-hua, Mô-lao, Khương, Cờ-lao, Si-ba, Bu-răng, San-ra, Mao
Nan, A Xương, Pu-mi, Tát-gích, Nộ, Ô-dơ-béc, Nga, Ơ-uôn-cơ, Đức Ngang, Bảo An,
Uy-cu, Kinh, Chi-nô, Cao Sơn, Tác-ta, Độc Long, Ơ-luân-xuân, Hô-chê, Môn-ba và
Lô-ba; trong đó, dân tộc Choang đông nhất với dân số hơn 15,5 triệu người, dân
tộc Lô-ba ít nhất, khoảng 2,5 ngàn người.
Các
dân tộc thiểu số ở Trung Quốc dân số tuy ít, song phân bố trên một vùng rộng
lớn, đại đa số các huyện và các thành thị đều có hơn hai dân tộc sinh sống,
diện tích cư trú của họ chiếm khoảng 64% tổng diện tích toàn quốc. Riêng tỉnh
Vân Nam
có hơn 20 dân tộc, là một tỉnh có nhiều dân tộc nhất.
Về
ngôn ngữ và chữ viết, ngoài hai dân tộc Hồi và Mãn đã sử dụng ngôn ngữ và chữ
viết của người Hán, 53 dân tộc thiểu số khác đều sử dụng ngôn ngữ của dân tộc
mình (có 23 dân tộc có chữ viết riêng). Các ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở
Trung Quốc tựu chung thuộc 5 ngữ hệ khác nhau, trong đó có 29 thứ tiếng dân tộc
thuộc ngữ hệ Hán - Tạng; 17 thứ tiếng dân tộc thuộc ngữ hệ Antai; ba dân tộc
thuộc ngữ hệ Nam Á; hai dân tộc thuộc ngữ hệ Ấn - Âu, một dân tộc thuộc ngữ hệ
Nam Đảo, riêng dân tộc Kinh thì chưa xác định được thuộc ngữ hệ nào.
Do
điều kiện tự nhiên, xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo và trình độ kinh tế phát triển
khác nhau, các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc đã hình thành nên những phong tục,
tập quán riêng của mình. Về ăn uống: Dân tộc Uây-ua thích ăn thịt cừu sấy, cơm
nắm và bánh nướng; dân tộc Mông Cổ thích ăn gạo rang, đuôi cừu rán và uống chè
sữa; dân tộc Triều Tiên thích ăn bánh dẻo, mì nguội và rau muối ngâm; dân tộc
Tạng thích ăn mì rang và uống chè sữa… Về trang phục: Phụ nữ dân tộc Mãn, Mông
Cổ, Tạng đều có áo dài của riêng dân tộc mình, phụ nữ các dân tộc Di, Mèo, Dao
thích mặc váy có nhiều nếp gấp, phụ nữ Di, Mèo, Tạng thích đeo đồ nữ trang bằng
vàng bạc, dân tộc Uây-ua thích đội mũ con thêu hoa có 4 góc, dân tộc Triều Tiên
thích đi giầy cao su hình thuyền, các dân tộc Mông Cổ, Tạng, A Xương thích đeo
chiếc đao có trang sức bằng bạc… Về nhà ở: Hầu hết các dân tộc ít người sống
trong vùng chăn nuôi, như Nội Mông Cổ, Tân Cương, Thanh Hải và Cam Túc… đều ở
lều chăn chiên kiểu Mông Cổ, còn các dân tộc miền Nam như Thái, Choang, Bu-y…
thì thường ở nhà sàn.
Các
dân tộc thiểu số vẫn giữ nguyên các ngày hội, ngày Tết truyền thống của dân tộc
mình, như: Hội té nước của dân tộc Thái, hội Na đạt mộ của dân tộc Mông Cổ, hội
Tam nguyệt cai của dân tộc Bạch, tết Tạng và ngày lễ Vọng quả của dân tộc Tạng,
chợ hát của dân tộc Choang…
2.
Vài nét về chính sách dân tộc của Trung Quốc
Chế
độ tự trị dân tộc là một chế độ chính trị quan trọng của Trung Quốc. Chính phủ
Trung Quốc đã thi hành chính sách các dân tộc bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ
lẫn nhau, tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập
quán của các dân tộc thiểu số. Chế độ tự trị trong các khu vực dân tộc của
Trung Quốc được đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Nhà nước. Tại những vùng cư
trú của nhân dân các dân tộc thiểu số, bên cạnh các cấp chính quyền còn có các
cơ quan tự trị cấp tương đương để thực hiện quyền tự trị, do các dân tộc thiểu
số làm chủ, tự quản lý những công việc nội bộ của dân tộc mình. Hiện nay, ngoài
5 khu tự trị (khu tự trị Tây Tạng, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, khu tự
trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, khu tự trị Uây-ua Tân Cương và khu tự trị Nội Mông
Cổ), còn có 30 châu tự trị và 119 huyện tự trị trong toàn quốc. Các cơ quan tự
trị ở các vùng dân tộc tự trị là Đại hội đại biểu nhân dân và Chính phủ nhân
dân của các khu tự trị, châu tự trị và huyện tự trị. Các Chủ nhiệm hoặc Phó Chủ
nhiệm Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân cũng như Chủ tịch các khu tự
trị, châu tự trị và huyện tự trị đều do các cán bộ người dân tộc thiểu số đảm
nhiệm. Ngoài việc chấp hành các cơ quan Nhà nước cùng cấp ở địa phương, các cơ
quan tự trị được hưởng quyền tự trị rộng rãi, kể cả việc tuỳ theo đặc điểm
chính trị, kinh tế và văn hóa của các dân tộc ở nơi đó mà đặt ra những bản điều
lệ tự trị riêng biệt; tự chủ sắp đặt và sử dụng nguồn thu nhập tài chính thuộc
nơi dân tộc tự trị; tự chủ sắp đặt và quản lí công cuộc xây dựng, giáo dục,
khoa học, văn hóa và y tế của mình.
Chính
phủ Trung Quốc rất coi trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ dân tộc thiểu
số, số lượng cán bộ các dân tộc thiểu số đã không ngừng tăng lên. Việc xây dựng
một đội ngũ đông đảo cán bộ dân tộc thiểu số vừa có đức, vừa có tài được coi là
then chốt trong công tác dân tộc và giải quyết vấn đề dân tộc. Thông qua các
trường đại học, cao đẳng, các học viện dân tộc, các trường cán bộ dân tộc, Nhà
nước ra sức bồi dưỡng, đào tạo nhiều cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp, cán bộ
khoa học và nhân viên chuyên môn, kỹ thuật người dân tộc thiểu số. Đối với các
vùng dân tộc tự trị, chính phủ trung ương đã tích cực nâng đỡ về mặt tài chính
và cơ sở vật chất nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và văn hóa cho họ.
Các
tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng trong các dân tộc thiểu số Trung Quốc, phổ biến
là đạo Hồi, đạo Lạt Ma (còn gọi là đạo Phật Tạng truyền), đạo Phật tiểu thừa,
đạo Thiên chúa, đạo Saman...Vấn đề dân tộc và vấn đề tôn giáo thường đan xen
với nhau. Chính phủ Trung Quốc luôn chú ý xem xét một cách toàn diện và đúng
đắn giữa chính sách dân tộc với chính sách tôn giáo, đặc biệt tôn trọng tín
ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc thiểu số, bảo vệ di sản văn hóa của họ. Đồng
thời với việc tiến hành điều tra, thu thập, chỉnh lý, nghiên cứu và xuất bản
đối với các di sản văn hóa và nghệ thuật dân gian của các dân tộc, kể cả văn
hóa tôn giáo, Nhà nước Trung Quốc còn đầu tư ngân sách khá lớn để duy tu, gìn
giữ các chùa chiền, các cơ sở tôn giáo có ý nghĩa lịch sử và giá trị văn hóa ở
các khu vực dân tộc thiểu số sinh sống.
Đảng
và Nhà nước Trung Quốc trước sau như một nhất quán quan điểm, các dân tộc dù là
đa số hay thiểu số, không phân biệt lịch sử dài ngắn, trình độ cao thấp, có
đóng góp công sức vì một nước Trung Quốc văn minh, tiến bộ đều được bình đẳng
về mọi mặt. 56 dân tộc đều có đại diện của mình trong Quốc hội và Hội nghị
chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc để tham gia công việc chính trị và
quản lý xã hội của đất nước.
Với
chính sách tăng cường khối đại đoàn kết nhân dân các dân tộc, giữ gìn sự thống
nhất của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dân các
dân tộc thiểu số cùng với nhân dân cả nước đang nỗ lực phấn đấu, tập trung ý
chí và nhân lực vào công cuộc hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa, tăng cường phát
triển kinh tế - văn hoá, xây dựng nơi tự trị dân tộc đoàn kết và phồn vinh.
Toàn Trực
No comments:
Post a Comment