CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

"Mổ xẻ" Năng lực cạnh tranh quốc gia

| | 0 nhận xét
Theo công bố mới đây trong báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2006-2007 của Diễn đàn kinh tế thế giới, thứ hạng của Việt Nam xếp theo Chỉ số năng lực cạnh tranh tổng hợp là 77 trên 125 quốc gia, Chỉ số năng lực cạnh tranh tăng trưởng là 86. Trong khi đó thứ hạng tương ứng theo các chỉ số trên của Việt Nam tại báo cáo năm 2005-2006 là 74 và 81, trong tổng số 117 quốc gia được xếp hạng. Như vậy, thứ hạng của Việt Nam theo các chỉ số năng lực cạnh tranh tổng hợp và tăng trưởng năm 2006 đều sụt giảm so với năm 2005. Bài viết này phân tích sự sụt hạng về các chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới.

            Chỉ số Năng lực cạnh tranh tổng hợp (Global Competitiveness Index) lần đầu tiên được công bố trong Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2004-2005 và hiện nay được Diễn đàn Kinh tế thế giới sử dụng làm chỉ số chính đo lường năng lực cạnh tranh quốc gia. Như vậy, trong ba lần công bố, thứ hạng của Việt Nam xếp theo Chỉ số Năng lực cạnh tranh tổng hợp liên tục giảm: hạng 61 năm 2004, 74 năm 2005 và 77 năm 2006. Một chỉ số đáng lưu ý là điểm xếp hạng. Việc so sánh điểm số xếp hạng của từng nước qua các năm cho phép so sánh sự thay đổi năng lực cạnh tranh của bản thân quốc gia đó. Năm 2005, điểm số xếp hạng năng lực cạnh tranh tổng hợp của Việt Nam tăng so với năm 2004, nhưng Việt Nam vẫn bị giảm hạng do nhiều quốc gia khác có tiến bộ hơn. Tuy nhiên, năm nay điểm số xếp hạng của Việt Nam lại gần như không thay đổi, trong khi nhiều nước vẫn tiếp tục cải thiện năng lực cạnh tranh của bản thân họ. Kết quả này dường như cho thấy những nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong năm qua là chưa nhiều và do vậy chưa đủ để giúp Việt Nam cải thiện về thứ hạng.

            Chỉ số năng lực cạnh tranh tổng hợp được xây dựng trên cơ sở đo lường các yếu tố có tác động lớn tới năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia. Các yếu tố này được phân loại thành 9 nhóm nhân tố và còn được gọi là 9 trụ cột thể hiện năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia. Các trụ cột đó bao gồm: thể chế, hạ tầng, kinh tế vĩ mô, giáo dục cơ bản và y tế, giáo dục và đào tạo bậc cao, hiệu quả thị trường, mức độ sẵn sàng về công nghệ, trình độ kinh doanh và đổi mới. Có thể thấy 7 trong số 9 trụ cột của năng lực cạnh tranh của Việt Nam có thứ hạng giảm, trong đó đáng lưu ý là trụ cột về hiệu quả thị trường, giảm 17 hạng, thể chế giảm 11 hạng, kinh tế vĩ mô giảm 9 hạng. Việt Nam đã có sự cải thiện thứ hạng về phát triển hạ tầng và trình độ kinh doanh, nhưng mức độ thăng hạng không nhiều (2 hạng). Điều đáng lưu ý là hầu hết các trụ cột bị giảm hạng đều có điểm xếp hạng giảm, nhất là lĩnh vực y tế và giáo dục cơ bản. Điều này cho thấy sự giảm hạng của các trụ cột phát triển của Việt Nam có nguyên nhân từ sự suy giảm năng lực cạnh tranh của chính Việt Nam chứ không chỉ là do sự tiến bộ của các nước. Đây là một cảnh báo thực sự đáng lo ngại.

Bảng 1. Thay đổi thứ hạng qua các chỉ số năng lực cạnh tranh chung

Hạng năm 2006
Hạng năm 2005
Tăng (+)/giảm (-) hạng

Hạng
Điểm
Hạng
Điểm
Hạng
Điểm
Chỉ số năng lực cạnh tranh tổng hợp
77
3.89
74
3.91
-3
-0.02
  Thể chế
74
3.62
63
3.66
-11
-0.04
  Hạ tầng
83
2.79
85
2.69
2
0.10
  Kinh tế vĩ mô
53
4.63
44
4.69
-9
-0.06
  Y tế và giáo dục cơ bản
56
6.43
54
6.69
-2
-0.26
  Đào tạo và giáo dục bậc cao
90
3.39
88
3.32
-2
0.07
  Hiệu quả thị trường
73
4.10
56
4.12
-17
-0.02
  Sự sẵn sàng về kỹ thuật
85
2.85
81
2.74
-4
0.11
  Trình độ kinh doanh
86
3.55
88
3.55
2
0.00
   Đổi mới và sáng tạo
75
3.10
57
3.18
-18
-0.08









            Chỉ số năng lực cạnh tranh tăng trưởng là chỉ số truyền thống được sử dụng để đo lường năng lực cạnh tranh của quốc gia. Chỉ số này đo lường các yếu tố vĩ mô tác động tới tăng trưởng quốc gia. Chỉ số này được xây dựng trên ba nhóm chỉ số cơ bản được coi là các trụ cột cho tăng trưởng của nền kinh tế, đó là Chỉ số về công nghệ, Chỉ số thể chế công và Chỉ số ổn định môi trường kinh tế vĩ mô. Tương tự như chỉ số năng lực cạnh tranh tổng hợp, Chỉ số năng lực cạnh tranh tăng trưởng bị giảm hạng với điểm xếp hạng gần như không thay đổi. Hơn nữa, tất cả ba trụ cột của tăng trưởng kinh tế và hầu hết các chỉ số cấu thành đều có thứ hạng giảm. Các chỉ số có thứ hạng giảm nhiều nhất là chuyển giao công nghệ (giảm 33 hạng), đánh giá tín nhiệm quốc gia (giảm 23 hạng), sự lãng phí của khu vực nhà nước (giảm 18 hạng) và ổn định kinh tế vĩ mô (giảm 8 hạng).

Xét về điểm xếp hạng có thể thấy, ngoại trừ chỉ số lãng phí của khu vực nhà nước có điểm xếp hạng giảm mạnh (giảm 0,33 điểm), các chỉ số khác có điểm xếp hạng đều tăng hoặc không thay đổi đáng kể. Đáng lưu ý là chỉ số chống tham nhũng có điểm xếp hạng tăng cao nhất, 0,25 điểm. Hơn nữa, chỉ số chuyển giao công nghệ và đánh giá tín nhiệm quốc gia thuộc nhóm có thứ hạng giảm mạnh nhưng điểm số xếp hạng lại tăng đáng kể.

Những số liệu về xếp hạng và điểm xếp hạng trên cho chúng ta thấy rằng trong năm qua Việt Nam đã có sự tiến bộ đáng kể trong nhiều lĩnh vực có ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là chống tham nhũng. Tuy nhiên, những tiến bộ đó vẫn chưa theo kịp được với những diễn biến của nhiều quốc gia. Hơn nữa, mặc dù chống tham nhũng dường như bắt đầu được cộng đồng đánh giá cao, nhưng lãng phí trong khu vực nhà nước vẫn là vấn đề nổi cộm và việc chống lãng phí chưa thực sự tạo được niềm tin trong cộng đồng.


Bảng 2. Thay đổi thứ hạng qua các chỉ số năng lực cạnh tranh tăng trưởng

Hạng năm 2006
Hạng năm 2005
Tăng (+)/giảm (-) hạng

Hạng
Điểm
Hạng
Điểm
Hạng
Điểm







Chỉ số năng lực cạnh tranh tăng trưởng
86
 3.44
81
3.37
- 5
0.07
Chỉ số công nghệ
96
2.86
92
2.72
-4
0.14
   Chỉ số đổi mới
94
1.86
88
1.87
-6
-0.01
   Chỉ số công nghệ thông tin
84
2.19
86
2.04
2
0.15
   Chỉ số chuyển giao công nghệ
102
4.08
69
3.92
-33
0.16
Chỉ số thể chế công
103
3.58
97
3.43
-6
0.15
   Chỉ số pháp luật và hợp đồng
68
3.74
64
3.71
-4
0.03
   Chỉ số tham nhũng
116
3.41
111
3.16
-5
0.25
Chỉ số môi trường vĩ mô
68
3.88
60
3.96
-8
-0.08
   Chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô
45
4.75
34
4.80
-11
-0.05
   Chỉ số đánh giá tín nhiệm
75
3.34
52
3.24
-23
0.10
   Chỉ số đánh giá sự lãng phí của khu vực nhà nước
91
2.68
73
3.01
-18
-0.33







Nguồn: Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu 2006- 2007, Diễn đàn Kinh tế thế giới.

            Phân tích nêu trên cho thấy dường như có hai bức tranh đối lập: đó là Việt Nam có nhiều nỗ lực trong cải thiện các yếu tố tác động tới tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa nhiều trong việc cải thiện các yếu tố tác động tới năng lực cạnh tranh quốc gia. Các kết quả đánh giá trên dường như thể hiện vấn đề đang gây lo ngại hiện nay là chất lượng tăng trưởng. Chất lượng tăng trưởng thấp càng trở nên bức xúc khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Nguồn: Báo Đầu tư, thứ hai ngày 2/10/2006


TS. Đinh Văn Ân
ThS. Phạm Hoàng Hà
Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel