CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

Đề tài: Người Tày, Nùng ở Cao Bằng trong sự nghiệp CNH, HĐH

| | 0 nhận xét
Chủ nhiệm đề tài: Đoàn Đông Vũ
Đơn vị thực hiện: Trường chính trị Hoàng Đình Giong
Thời gian thực hiện: 2004
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH ở Cao Bằng, đòi hỏi phải khơi dậy và phát huy các tiềm năng để khai thác có hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người. Vì vậy, việc nghiên cứu toàn diện, sâu sắc về người Tày, Nùng ở Cao Bằng và vai trò của hai dân tộc này đối với sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng của Tỉnh là đòi hỏi tất yếu. Việc nghiên cứu đề tài: “Người Tày, Nùng ở Cao Bằng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá” là việc làm có giá trị lý luận và thực tiễn. Kết quả nghiên cứu của đề tài không chỉ có giá trị về mặt khoa học mà còn có giá trị về chính trị, văn hoá, xã hội.
II. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
- Xác định những đặc điểm của người Tày và người Nùng ở Cao Bằng trong sự nghiệp CNH, HĐH.
- Xác định các nguồn lực của người Tày, người Nùng và ảnh hưởng của các nguồn lực đó tới quá trình phát triển KT-XH của Cao Bằng.
- Đề xuất những giải pháp cần thiết để khai thác và huy động có hiệu quả các nguồn lực đó để phát triển KT-XH.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
1. Đối với người Tày
a. Khái lược về người Tày: Theo số liệu điều tra dân số ngày 1/4/1999, người Tày ở Cao Bằng có 208.822 người, chiếm 42,59% dân số toàn tỉnh. Người Tày sống xen kẽ với người Kinh, Nùng, Mông, Dao . . . Dân tộc Tày là một dân tộc định cư lâu đời ở Cao Bằng, sinh sống ở khắp vùng trong tỉnh. Trong mọi giai đoạn lịch sử, người Tày luôn giữ vai trò là nòng cốt, trung tâm của khối đại đoàn kết các dân tộc. Trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng.
b. Người Tày ở Cao Bằng trong sự nghiệp CNH, HĐH
- Đặc điểm cư trú: Người Tày cư trú ở tất cả các xã trong tỉnh, từ đô thị tới vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tập trung nhiều ở các huyện miền Đông của tỉnh như: Trùng Khánh (68,9%)' Hoà An (65,03%), Trà Lĩnh (49,67%), Hạ Lang (47,74%), Thị xã (47,58%), Thạch An (44,2%). .. Ở phạm vi huyện, thị, xã, thị trấn, phường thì người Tày sinh sống đan xen với các dân tộc khác, trong phạm vi bản làng thì vẫn có những bản thuần người Tày. Ở các xã biên giới có 19,2- 11 % tổng số người Tày sinh sống, có vị trí, vai trò quan trọng trong sự phát triển KT-XH vùng biên giới và bảo vệ an ninh tổ quốc.
- Thực trạng kinh tế:
Về nhà ở: Người Tày thường sống thành chòm, xóm có tên là bản, là Nà . . . Mỗi bản thường có 5 nhà, 10 nhà hoặc nhiều hơn, có nơi có tới hàng 100 ngôi nhà. Tuỳ vào địa bàn cư trú và khả năng kinh tế mà nhà ở của người Tày khác nhau, đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương người Tày thường làm nhà sàn; vùng đồng bằng, vùng ven thị trấn, vùng ven đường cái thường làm nhà trệt; vùng lưng chừng thường làm nhà nửa sàn nửa trệt; vùng đô thị thường làm nhà xây.
Về thu nhập: Nguồn thu nhập chủ yếu của đồng bào là từ bán sản phẩm trồng trọt như lúa, ngô... sản phẩm chăn nuôi như gà, vịt, vịt, lợn. Số liệu năm 2003, thu nhập đạt trên 10 triệu VNĐ/năm là 19,06%, dưới 5 triệu VNĐ/ năm là 2 1 ,43%, từ 5 triệu đến 10 triệu là 59,51%. Người Tày chủ yếu dùng tiền vào mua các công cụ sản xuất, phân bón và các nhu yếu phẩm khác.
Lao động và việc làm: Theo số liệu năm 2002, số hộ nông nghiệp là 79.831, hộ lâm nghiệp là 250, hộ thuỷ sản 1 1, hộ công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là 615, hộ xây dựng là 248 hộ. . .
- Văn hoá của người Tày:
Trang phục: Trang phục truyền thống của người Tày, đàn ông mặc áo dài chàm và quần trắng, đầu đội khăn xếp, giầy vải. Trang phục của phụ nữ Tày, đầu vấn ngang, ngoài trùm khăn vuông, có mỏ quạ, áo đài màu chàm, cài khuy đồng bên phải; ngang lưng thắt dải chàm, hai đuôi vải buông xuống đằng sau; quần vải chàm. Nói chung quần áo của người Tày đều bằng vải tự dệt, tự nhuộm chàm, tự khâu.
Hôn nhân và gia đình: Ngày xưa, hôn nhân của người Tày thường do cha mẹ sắp đặt. Ngày nay nam nữ có thể tự do tìm hiểu trước khi đi đến hôn nhân. Gia đình người Tày theo chế độ gia đình hạt nhân, phụ hệ, một vợ một chồng.
Văn học nghệ thuật: là một dân tộc định cư lâu đời ở Cao Bằng, nên văn học nghệ thuật của người Tày khá phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Gồm có truyện thần thoại, truyền thuyết dân gian, ca dao, tục ngữ, hát then, múa dân gian, hát quan lang, hát mừng nhà mới, mừng thọ. . .
c. Nguồn lực của người Tày: Các nguồn lực hiện có của người Tày có thể đảm bảo cho việc phát triển KT-XH của người Tày nói riêng, Cao Bằng nói chung. Cụ thể:
- Nguồn lực con người: Nguồn lực lao động của người Tày nhiều về số lượng, nhưng hạn chế về trình độ. Người Tày có nhiều cán bộ công tác trong các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương.
- Nguồn lực văn hoá: Ờ Cao Bằng, mọi hoạt động xã hội và quan hệ xã hội của người Tày từ xưa tới nay luôn giữ vai trò trung tâm. Các phong tục, tập quán, tư tưởng, tình cảm. . . của cộng đồng người Tày có tác động tới các dân tộc anh em khác. Xây dựng cộng đồng người Tày trở thành trung tâm đoàn kết các dân tộc ở Cao Bằng trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc là việc làm có ý nghĩa quan trọng.
- Nguồn lực tự nhiên: Vùng đồng bào Tày sinh sống có nguồn lực tự nhiên phù hợp cho phát triển nông nghiệp, nhất là trồng lúa. Đẩy mạnh thâm canh lúa vùng người Tày là điều kiện đảm bảo an ninh lương thực của Cao Bằng trong thời kỳ CNH, HĐH.
2. Đối với người Nùng
a. Khái lược về người Nùng: Dân tộc Nùng là 1 trong 2 dân tộc chiếm đa số (sau người Tày) có vai trò quan trọng trong khối đại đoàn kết các dân tộc ở Cao Bằng, người Nùng ở Cao Bằng có nhiều nhánh: Nùng Cháo, Nùng Phàn Sình, Nùng Mít, Nùng Quý Rịn, Nùng An, Nùng Giang, Nùng Lòi . . . mỗi ngành có tập quán khác nhau. Người Nùng sinh sống tại tất cả các huyện thị trong tỉnh, nhiều nhất là ở vùng Lục Khu (Hà Quảng), Phúc Sen, Quốc Dân, Đoài Khôn (Quảng Uyên).
b. Người Nùng ở Cao Bằng trong sự nghiệp CNH, HĐH
- Đặc điềm cư trú: Người Nùng cư trú ở hầu hết các xã, phường, thị trấn của tỉnh, nhưng tập trung chủ yếu ở các huyện biên giới miền Đông như: Phục Hoà (68,74%), Quảng Uyên (59,68%), Hà Quảng (56,51%), Hạ Lang (51,69%), Trà Lĩnh (42,2%) . . . Người Nùng tập trung cư trú ở vùng cao.
- Đặc điểm kinh tế: Phổ biến nhất vẫn là trồng trọt-chăn nuôi, đặc biệt về thủ công và tiểu thủ công nghiệp, một số nghề truyền thống vẫn được duy trì như nghề mộc, đan lát, dệt, rèn, làm giấy bản, làm hương, chế tạo vũ khí . . . Người Nùng là dân tộc có kỹ thuật rèn rất cao, đã rèn được sản phẩm có chất lượng cao.
- Thực trạng kinh tế của người Nùng
Về nhà ở: Tuỳ vào khu vực cư trú và điều kiện kinh tế, đồng bào Nùng làm nhà sàn, nhà đất hoặc nhà xây.
Về thu nhập: thu nhập chủ yếu của đồng bào là từ bán sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi. Số liệu năm 2003, thu nhập đạt trên 10 triệu Vnđ/năm là 20%, dưới 5 triệu VNĐ/ năm là 24%, từ 5 triệu đến 10 triệu là 56%. Người Nùng chủ yếu dùng tiền vào các việc như mua các công cụ sản xuất, phân bón và các nhu yếu phẩm khác. Nhìn chung, mức sống của người Nùng thấp hơn người Tày.
Về trang phục: Trang phục của Nùng khá phong phú vì dân tộc Nùng có khá nhiều nhánh, về cơ bản người Nùng mặc áo mầu chàm và tự khâu may.
Về văn học nghệ thuật: Người Nùng có các thể loại hát giao duyên, tục ngữ, lời ru, câu đố, truyện thơ, hát then, hát dân ca. . .
Về chữ viết: Người Nùng dùng chữ Hán. Hiện tại người Nùng nói tiếng Nùng, Tày, tiếng việt và viết bằng chữ phổ thông
c. Nguồn lực của người Nùng
- Nguồn lực con người : Với dân số 161.134 người, từ 13 tuổi trở lên là 111.283 người, đây là lực lượng lao động không nhỏ nhưng trình độ chuyên môn, kỹ thuật còn khá thấp.
- Nguồn lực văn hoá: Từ xưa người Nùng đã luôn có truyền thống tốt và luôn được phát huy ở mọi giai đoạn của lịch sử. Cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đồng bào tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, pháp luật. . . để phát huy những yếu tố tích cực trong phong tục, tập quán để xây dựng và bảo vệ tô quốc.
- Nguồn lực tự nhiên: có điều kiện thuận lợi để phát triển về nông nghiệp, công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi. . . để phục vụ đời sống của đồng bào./.

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel