Đồng
bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất Châu thổ nơi có dải dất phù sa, nơi dừng
chân của những dòng chảy văn hóa. Chủ nhân của vẻ đẹp dải đất phù sa này là 4
dân tộc Kinh - Hoa - Khơ-me - Chăm. Trong đó, dân tộc Khơ-me có dân số khoảng 1
triệu người, đứng thứ hai so với dân tộc Kinh. Dân tộc Khơ-me là một tộc người
có nền văn hóa truyền thống độc đáo, giàu bản sắc. Đây là tộc người đứng thứ 5
trong các tộc người thiểu số của Việt Nam và đứng thứ nhất trong các tộc
người thiểu số ở ĐBSCL. Người Khơ-me sống tập trung tại các tỉnh Sóc Trăng,
Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang. Họ có tên gọi khác là Việt
gốc Miên, Khơ-me Krôm. Tiếng Khơ-me là ngôn ngữ phổ biến nhất, người Khơ-me có
tiếng nói và chữ viết riêng, mặc dù vậy, họ có chung một nền văn hoá, một lịch
sử bảo vệ và xây dựng tổ quốc Việt Nam và họ sống xen kẽ với đồng bào
Kinh, Hoa trong các phum, sóc, ấp.
Từ thời
xa xưa, người Khơ-me đã có một nền văn hóa phong phú, đa dạng, mang đậm sắc
thái dân tộc, và cho đến nay, những giá trị trong kho tàng văn hóa ấy vẫn không
hề bị phai nhạt. Một biểu hiện rõ nét nhất hiện nay, đối với người Khơ-me vùng
ĐBSCL đó là những ngôi chùa. Ngôi chùa là trung tâm văn hóa, nơi học Kinh, học
chữ, học giáo lý làm người, nơi lưu giữ các pho kinh điển đạo Phật và cùng là
nơi sinh hoạt văn hóa, giải trí vui chơi của chư Tăng và đồng bào tín đồ Phật tử.
Chính vì vậy, hầu hết các lễ hội cũng như nét văn hóa của đồng bào dân tộc
Khơ-me gắn chặt với giáo lý đạo Phật, các lễ hội ấy phần lớn được tổ chức tại
chùa, mỗi chùa điều có các Chư tăng hướng dẫn chứng minh cho Phật tử thực hiện
các lễ hội ấy. Với người Khơ-me, lễ hội đóng một vai trò rất quan trọng trong đời
sống cộng đồng, nó chi phối mạnh tới sinh họat tinh thần, vật chất, có thể kể đến
các lễ hội chính như sau:
1. Lễ tết Chôl Chnăm Thmây
Là tết
cổ truyền của dân tộc Khơ-me được diễn ra tại các chùa và các Phum Srók, lễ
Chôl Chnăm Thmây - nghĩa là “Mừng năm mới”. Đây là lễ tết lớn nhất hàng năm của
người Khơ-me, còn gọi là lễ chịu tuổi. Hằng năm cứ vào giữa tháng 4 dương lịch,
theo lịch Khơ-me là Khê-chet (tháng 3 âm lịch), lễ tết được kéo dài 3 ngày:
Ngày thứ nhất (Sangkran) lễ rước “Maha Angkhran mới”, lễ này được chọn đúng
theo giờ tốt, mọi người dân Khơ-me chuẩn bị quần áo đẹp và mang nhang đèn, lễ vật
đến chùa xếp hàng và đi xung quanh chính điện 3 lần để làm lễ chào mừng năm mới;
Ngày thứ hai, mỗi gia đình đều chuẩn bị nấu cơm và đem đến chùa sáng sớm để làm
lễ dâng cơm cho các vị sư sãi; Ngày thứ ba của lễ Chol-chhnăm-thmây là ngày
“Lơng săk”. Sau khi dâng cơm sáng và trưa cho các vị sư, mọi người đem nước
thơm cùng nhang đèn đến bàn thờ Phật làm lễ tắm tượng Phật và tắm các vị sư cao
niên, nhằm trút bỏ những bụi bặm xấu xa của năm cũ để đón nhận một năm mới tươi
vui hạnh phúc. Buổi chiều là lễ cầu siêu (Băng skôl) các vị sư được mời đến
tháp lưu giữ hài cốt của những người quá cố để cầu kinh, mong linh hồn họ được
siêu thoát.
2. Lễ Sen Đolta:
Là lễ
cúng Ông bà nhằm tưởng nhớ công ơn Cha mẹ, họ hàng, cầu phước cho linh hồn những
người đã khuất và tri ơn tổ tiên đã khai phá đất đai, phù hộ cho phum, sóc an
vui,( lễ này giống như lễ Vu Lan báo hiếu của người Kinh). Hằng năm cứ vào khoảng
cuối tháng 8 âm lịch (theo lịch Khơ-me là tháng Photrobot), lễ hội Sen Đolta
kéo dài từ ngày 16 đến ngày 30/8 âm lịch, với 4 lễ thức chính tại Chùa và tại mỗi
nhà người dân tộc Khơ-me. Lễ bao gồm: Lễ đặt cơm vắt (Bênh canh bênh); Lễ cúng
Ông bà (Bênh Sen Dolta); Lễ hội (Bênh phchum bênh); Lễ tiễn Ông bà (Bênh chuôh
Dolta). Trong 4 lễ này thì lễ tiễn Ông bà diễn ra rất quan trọng mà khắp nơi
trong mọi phum sóc, con cháu phải làm lễ cúng tiễn đưa và chuẩn bị mọi phương
tiện (thường làm bằng bẹ chuối, kết thành những chiếc thuyền nhỏ trên có trang
bị cờ xí, thức ăn, đồ dùng... mang tính tượng trưng rồi đem thả xuống sông, rạch)
để đưa ông bà trở về an toàn, đây là lễ tiết phù hợp với đặc điểm địa lý vùng
sông nước ĐBSCL.
3. Lễ hội
Oc-om-bok:
Là lễ
hội cúng trăng được tổ chức hằng năm vào đêm 15-10 Âm lịch (25-11 dương lich),
đây là lễ để tạ ơn mặt trăng vốn được coi như một vị Thần điều động mùa màng
trong năm. Thức cúng đặc biệt trong ngày hội này là món “Cốm dẹp”. Vào đêm này,
ngay từ đầu hôm, mọi người đã tập trung đông đúc tại khuôn viên các chùa hoặc tại
sân nhà để chờ đón trăng lên. Người ta kê một cái bàn với đầy đủ các vật cúng
như cốm dẹp (làm bằng lúa nếp tươi rang lên vừa nổ rồi bỏ vào cối giã dùng chày
đập dẹp dừa, chuối, khoai lang, khoai môn và các loại bánh kẹp... Mọi người quây
quần ngồi trên chiếu chắp tay hướng về phía mặt trăng, chờ đón trăng lên, một cụ
già làm chủ lễ bước ra khấn vái (nói lên lòng biết ơn mặt trăng, xin mặt trăng
tiếp nhận lễ vật, cầu sức khỏe cho mọi người và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa
màng tươi tốt quanh năm) . Buổi sáng hôm sau, một lễ khác sẽ được tiếp diễn
không kém phần hấp dẫn, đó là lễ đua "ghe ngo". Hội đua ghe ngo do
các sư sãi chủ trì tổ chức với sự tham gia của đông đảo người dân Khơ-me tại địa
phương. Địa điểm thường tổ chức hằng năm là trên đoạn sông từ Sóc Trăng đến huyện
Mỹ Xuyên. Sau đó, chuyển sang kênh Xáng và tiếp theo là kênh Nhu Gia (Sóc
Trăng).
Đó chính là một số lễ hội truyền thống quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Khơ-me, mang tính chất thiêng liêng trang trọng. Đối với người Khơ-me, hội lễ không phải chỉ là dịp để vui chơi giải trí... mà trước tiên mang ý nghĩa là những “đám phước”. Dù có nghèo khó chăng nữa, các phật tử trong những ngày này vẫn không quản tốn kém mua sắm các lễ vật và đem tiền bạc dâng cúng vào chùa. Những nét văn hóa ấy đã đóng góp cho văn hóa ĐBSCL thêm giá trị, giàu đẹp và là sự quyến rũ của nền “Văn minh miệt vườn sông nước”.
Đó chính là một số lễ hội truyền thống quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Khơ-me, mang tính chất thiêng liêng trang trọng. Đối với người Khơ-me, hội lễ không phải chỉ là dịp để vui chơi giải trí... mà trước tiên mang ý nghĩa là những “đám phước”. Dù có nghèo khó chăng nữa, các phật tử trong những ngày này vẫn không quản tốn kém mua sắm các lễ vật và đem tiền bạc dâng cúng vào chùa. Những nét văn hóa ấy đã đóng góp cho văn hóa ĐBSCL thêm giá trị, giàu đẹp và là sự quyến rũ của nền “Văn minh miệt vườn sông nước”.
Trung tâm Học liệu Trường ĐH Cần Thơ
No comments:
Post a Comment