CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Tư liệu] Văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam trên hành trình hội nhập

| | 0 nhận xét
Nền văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại còn rất trẻ. Bắt đầu hình thành từ những năm 50 của thế kỉ XX, đến nay hơn nửa thế kỉ phát triển, văn xuôi các dân tộc thiểu số đã có được một đội ngũ người viết tương đối đông và một số thành tựu nhất định góp phần vào thành tựu chung của nền văn học Việt Nam hiện đại. Trên thực tế, nền văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại tồn tại ở 3 khu vực chính là: miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Tuy vậy, thành tựu của văn xuôi các dân tộc thiểu số ở 3 vùng này không phải là bước tiến đồng đều. Ở Tây Nguyên, sau rất nhiều năm thiếu vắng người viết, đến cuối thế kỉ XX mới xuất hiện tác giả Y Điêng và Hlinh Niê (tức Linh Nga Niê Kđăm - người Êđê) với một vài tác phẩm chưa mấy thành công. Sang đầu thế kỉ XXI, xuất hiện thêm những cây bút mới như Kim Nhất (người Bahnar) và Niê Thanh Mai (người Êđê)... nhưng tác phẩm của họ cũng hầu như chưa để lại dấu ấn thật đáng kể nào. Cũng chung tình trạng ấy, ở Tây Nam Bộ, lần đầu tiên có sự xuất hiện tác phẩm văn xuôi của một số dân tộc như truyện kí Chân dung người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh (1994) của Lý Lan (người Hoa), tiểu thuyết Chân dung Cát (2006), Hàng mã ký ức (2010) của Inrasara (nhà thơ đã thành danh dân tộc Chăm) và một số truyện ngắn, kí của Trà Vigia (người Chăm) (Lưu ý: với Trà Vigia, tập Chăm Hri tác giả gửi cho NXB Văn học gồm 14 truyện ngắn nhưng chỉ được chọn in 7 tác phẩm). Như vậy, cả 2 khu vực miền núi rộng lớn gồm 16 tỉnh, thành vùng Tây Nguyên và Tây Nam Bộ mà số tác giả người dân tộc thiểu số chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay và tác phẩm của họ nhìn chung cũng chưa được phổ biến/ thừa nhận rộng rãi.

Trong khi đó, văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc có số lượng tác giả, tác phẩm khá lớn và có nhiều thành tựu hơn. Tuy nhiên, ngay tại khu vực miền núi phía Bắc, sự chênh lệch về số lượng tác giả văn xuôi người dân tộc thiểu số giữa các tỉnh cũng rất đáng kể. Chẳng hạn, cả tỉnh Tuyên Quang chỉ có duy nhất một cây bút văn xuôi người dân tộc thiểu số là Ma Thị Hồng Tươi (sinh năm 1987, dân tộc Tày). Trong khi đó, Cao Bằng tỏ ra là vùng đất có thế mạnh về lực lượng này với hơn một chục cây bút văn xuôi có sức viết dòi dào. Tiêu biểu là Vi Hồng, Triều Ân, Cao Duy Sơn, Bế Thành Long, Hữu Tiến, Đoàn Lư, Đoàn Ngọc Minh, Nông Văn Lập, Mông Văn Bốn, Triệu Thị Mai, Bế Phương Mai... Sự không đồng đều về số lượng và chất lượng các cây bút văn xuôi giữa dân tộc thiểu số này với dân tộc thiểu số khác cũng là một thực tế. Văn xuôi dân tộc Tày chiếm vị thế “áp đảo” trong nền văn xuôi các dân tộc thiểu số và thành tựu sáng tác của họ đã được ghi dấu đậm nét trên văn đàn dân tộc. Nhiều bạn đọc trong cả nước đã biết đến các tác phẩm Đường về với mẹ chữ, Người trong ống, Gã ngược đời…của Vi Hồng, Tiếng khèn A Pá, Như cánh chim trời, Đường qua đèo mây…của Hoàng Triều Ân, và gần đây là các sáng tác của cao Duy Sơn với nhiều giải thưởng có giá trị: tiểu thuyết Người lang thang– Giải A Hội Nhà văn Việt Nam, Giải nhì Hội Văn hóa Hữu nghị Việt – Nhật; tiểu thuyết Đàn trời – Giải B Hội Văn học nghệ thuật và các dân tộc thiểu số Việt Nam; và đặc biệt, tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suốicủa Cao Duy Sơn cùng lúc nhận 2 giải thưởng: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008 và Giải thưởng văn học Đông Nam Á năm 2009...

PGS. TS. Đào Thủy Nguyên, TS. Dương Thu Hằng

File DOC - Download:
http://www.mediafire.com/?pb68le1bo9fkwz3

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel