Cà phê sách - mô hình đã và đang phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và cả ở các đô thị lớn của Việt Nam. Có thể nói cà phê sách đã trở thành một xu hướng mới, là nơi hội tụ của những người yêu sách. Mỗi quán cà phê sách như một thư viện nhỏ và người đọc đến để hưởng thụ đam mê sách của họ. Cà phê sách đã góp phần tôn vinh văn hoá đọc trước sự xâm lấn của văn hoá nghe nhìn. Nhiều quán cà phê sách đã góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, xây dựng nếp sống lành mạnh, văn minh. Tuy nhiên cũng cần hướng cà phê sách gần gũi với cộng đồng hơn và rất nên nhân rộng mô hình này.
1. Cà phê sách - mô hình đã và đang phổ biến
Cà phê sách là loại hình đã đuợc ưa chuộng ở nhiều nước từ những thập kỷ trước, chiếm được cảm tình và sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng, đặc biệt ở các nước phương Tây. Tại Mỹ, trên bất cứ đường phố nào cũng có quán cà phê sách. Ở Pháp, Italia, Nhật, Trung Quốc cà phê sách cũng rất phổ biến. Khách đến cà phê sách không đơn thuần là thưởng thức cà phê mà còn là để tận hưởng khoảng không gian yên bình riêng biệt.
Thưởng thức cà phê cùng nghệ thuật đã có từ lâu tại các thành phố lớn ở nước ta. Từ những năm bao cấp, Hà Nội đã có những quán cà phê mà chủ nhân là văn nghệ sĩ. Ở đây, bán cà phê chỉ là cái cớ, khách đến thưởng thức cà phê cũng là thưởng thức những những tác phẩm do chủ nhân sáng tác, sưu tầm hoặc giới thiệu. Phải chăng đây là manh nha mô hình cà phê sách tương lai.
Cà phê sách hình thành ở nước ta khá muộn, mới khoảng trên một chục năm trở lại đây, hiện đã có ở một số đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, sau đó là Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, và gần đây là Hội An (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Bình Dương . Giữa các loại hình quán cà phê có thể nói là rất phong phú và có phần xô bồ như cà phê vườn, cà phê quán cóc vỉa hè, cà phê máy lạnh, cà phê tụ điểm ca nhạc… cà phê sách nhanh chóng được hoan nghênh và đã mang đến nét văn hoá mới, văn minh trong xã hội hiện đại.
Bên cạnh những quán cà phê chỉ đơn thuần là phục vụ đồ uống hoặc có kèm theo phục vụ ăn nhanh, giá đắt thì cà phê sách thu hút hơn vì có giá phải chăng, lại được thưởng thức sách báo hoặc truy cập intenet miễn phí, không gian đẹp và yên tĩnh phù hợp với nhiều đối tượng. Cách bài trí của những quán cà phê sách tuy đơn giản nhưng khá hiện đại và bắt mắt. Có quán dùng những chiếc đèn bàn để tạo sáng như điểm nhấn trong quán. Lại có quán treo tranh đẹp hoặc vẽ hoa trên tường được sinh viên và tuổi teen ưa thích. Và đặc biệt thu hút những người yêu sách là những giá đầy sách đặt sát bên tường, hoặc bày trong những tủ sách, tủ tường cách điệu, hoặc bố trí phòng sách riêng biệt trên gác kín đáo như một thư viện nhỏ. Mỗi quán như vây có từ vài trăm đến vài ngàn đầu sách, có quán xấp xỉ 20.000 đầu sách như quánILife ở thành phố Hồ Chí Minh. Sách báo, tranh ảnh đặt xen những chậu cảnh, chậu hoa tươi thắm, trình bày có thẩm mỹ.
Hầu hết sách tại các quán cà phê này đã được chủ nhân phân loại để tiện cho khách tra cứu, tìm kiếm mà phổ biến là các loại sách văn học, sách dịch, sách khoa học kỹ thuật, sách hướng dẫn du lịch, sách về ẩm thực, kiến trúc, hội hoạ, sách dạy kỹ năng sống và rất nhiều các loại từ điển, báo, tạp chí.
Tại thành phố Hồ Chi Minh có những quán cà phê sách như quán Era trên đường Trần Quốc Thảo, quán Bố già trên đường Hồ Huấn Nghiệp và đường Nguyễn Văn Trỗi, quán Pres Café ở 14 Alexandre de Rhodes, quận 1; Quán Ciao 40 ở Ngô Đức Kế Quận 11 và hệ thống cà phê PNC thuộc Công ty Phương Nam trên đường Trần Hưng Đạo và Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. ..
Tại thành phố Hà Nội có một số quán cà phê sách khá nổi tiếng như Intello Book ở 59 Văn Miếu với nhiều thể loại sách kinh tế, văn học, văn hoá, xã hội, ngoại văn và được thay đổi thường xuyên do được luân chuyền và gửi tặng. Quán cà phê sách AMI trên phố Linh Lang do một phụ nữ người Hàn Quốc làm chủ.
Đa số các quán cà phê sách đều mở cửa từ 7 giờ sáng đến 23 giờ đêm. Một số quán ngoài cà phê, kem, sinh tố, cũng kèm phục vụ ăn nhanh.
2. Cà phê sách - sự lựa chọn của trí thức, văn nghệ sĩ và giới trẻ
Có thể nói cà phê sách đã trở thành một xu hướng mới, và quán cà phê sách được coi là nơi hội tụ của những người yêu sách. Một số quán cà phê sách như Intello Book ở 59 Văn Miếu là nơi giao lưu, cung cấp thông tin về tình hình du học, học bổng và các chương trình học ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao kiến thức của cộng đồng nói chung và lớp trẻ.
Tuy chưa có một cuộc điều tra nào về vấn đề này nhưng cũng có thể nhận thấy rằng các quán cà phê đèn mờ, các vũ trường cũng chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí nhất thời, chưa nói đến sự mất thời gian, tốn tiền bạc và hao tổn sức khoẻ. Sự sôi động và hào nhoáng của những quán cà phê “thời thượng” đã cuốn hút nhiều người nhưng sự hiện diện của các quán cà phê sách ngoài giá trị hữu ích về văn hoá đọc còn thu hút bởi sự yên bình, lành mạnh. Chính một bộ phận không nhỏ những người trước đây đến với các loại hình cà phê khác cũng tìm đến cà phê sách.
Với giới doanh nhân, trí thức, nghệ sỹ, thời gian bận rộn, gấp gáp, cho nên đến cà phê sách như được thư giãn, lại lành mạnh, bổ ích. Sự lựa chọn này cho dù không nói ra nhưng ai cũng thấy có gì đó như là sang trọng. Có doanh nhân còn nói đến cà phê sách thấy mình trí thức hẳn lên. Trong quán, cùng với tiếng nhạc nhè nhẹ, mọi người chăm chú đọc, không hút thuốc lá. Ơ đây không có nhạc buồn uỷ mị sướt mướt, không lo bất ổn vì game, không thấy cảnh ồn ã xô bồ, đồ uống gía phải chăng hoặc giá rẻ, lại được truy cập intenet miễn phí. Nếu muốn có thể ăn nhanh với những món ăn ngon như bánh piza hoặc mì xào, cơm chiên, salat, khoai tây chiên, thịt hun khói, bánh ngọt, kem..., thật thú vị và thuận tiện.
Đọc sách ở các quán cà phê sách lại không bị gò bó như trong thư viện, không bị giới hạn vì thời gian quy định, lại không mang tiếng là đọc ké như khi vào các siêu thị sách. Hơn thế nữa ”Đọc sách được cả không gian”, dễ dàng tìm kiếm sách lại được khoảng không gian không bị quấy rầy, được thưởng thức cà phê và giao lưu thân thiện... Những điều đó thực sự là sức hút với nhiều đối tượng và trước hết là những “con mọt sách”.
Điều làm mọi người đến các quán cà phê sách hài lòng là sự hiểu biết, thái độ ứng xử lịch sự, tôn trọng của chủ nhân, người phục vụ và sự thân thiện giữa các khách hàng. Không bị ai quấy rầy và không quấy rầy ai là một đặc điểm của hầu hết các khách hàng ca phê sách. Hiếm có đối tượng khách hàng nào đồng nhất như cà phê sách, họ chủ yếu là trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân, sinh viên, và những người sành cà phê, mong muốn vừa được thư giãn vừa thưởng thức, giao lưu kết hợp tìm kiếm thông tin. Cũng có người đến nơi này chỉ để tìm không gian yên tĩnh vì biết rằng tại các quán cà phê sách ai cũng biết tôn trọng trật tự và khoảng không gian chung.
Giới trẻ chọn giải pháp cà phê sách, ưa thích đến quán đọc sách cũng bởi sự tiện dụng không phải vào thư viện làm thẻ mượn sách. Tại Đà Nẵng, nơi mô hình cà phê sách phát triển nhất trong cả nước, có những gia đình đủ các thành viên trong quán cà phê sách, bố mẹ thưởng thức cà phê và đọc sách, các con trật tự học bài và đọc sách thiếu nhi ngay tại quán. Quán cà phê sách còn là nơi ôn thi đại học rât tốt, thoáng mát, nhiều học sịnh cùng học và truy cập intenet miễn phí. Cũng tại thành phố này đã có Câu lạc bộ cà phê sách với phương châm sách là người thầy, người bạn lớn, giúp thanh niên và sinh viên tiếp cận sách và tri thức nói chung.
Đặc biệt các quán cà phê sách không chỉ thu hút trí thức, nghệ sĩ, doanh nhân, sinh viên, giới trẻ trong nước mà thu hút một lượng khách không nhỏ là người nước ngoài. Một số quán cà phê sách đã là điểm đến của khách du lịch. Đã có một nhà báo ở thành phố Hồ Chí Minh cho rằng có đến 40% khách của các quán cà phê sách là người nước ngoài, và quán cà phê sách không chỉ là nét đẹp văn hoá, mà còn là những địa chỉ văn hoá mới góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam thanh bình và con ngưòi Việt Nam thân thiện với du khách quốc tế.
Nhiều chủ doanh nghiệp, trí thức và nghệ sĩ đã có thói quen khởi đầu một ngày mới tại quán cà phê sách. Một số quán cà phê sách tại thành phố Hồ Chí Minh là điểm hẹn của các nhóm công tác xã hội, thành viên các câu lạc bộ nghệ thuật, các nhóm từ thiện kết nối với nhau với ý tưởng và mục tiêu chung là khôi phục văn hoá đọc, tinh thần phát triển cộng đồng, xoa dịu những nỗi đau, làm cho cuộc sống ngày càng tôt đẹp lên. Sách được mượn đọc, tra cứu tại chỗ và có thể được mượn nếu chủ nhân đồng ý, hoặc được mua với giá trên bìa sách. Đã có quán trao đổi sách nếu khách đem đến một cuốn sách khác có giá trị tương đương.
3. Tôn vinh văn hoá đọc, quảng bá và phổ biến văn hoá, nghệ thuật.
Mỗi quán cà phê sách như một thư viện thu nhỏ, và người đọc đến để hưởng thụ đam mê sáchcủa họ. Hình ảnh khách hàng say mê bên giá sách, nhẹ nhàng trao đổi thông tin. Thứ bảy và chủ nhật, quán cà phê sách vẫn không còn chỗ trống đã minh chứng mô hình này có sức hút lớn và thể hiện sự tôn vinh văn hoá đọc trong thời đại ngày nay.
Quán cà phê Ciao số 40 phố Ngô Đức Kế Quận 11thành phố Hồ Chí Minh và một số quán cà phê khác là nơi sưu tập sách và triển lãm sách, tác phẩm hội hoạ, nhiếp ảnh nổi tiếng, khách có thể mua với giá đề sẵn. Một số quán cà phê sách khác tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức giới thiệu tác phẩm văn học mới với bạn đọc, tổ chức buổi trò chuyện về các tác phẩm đang thu hút dư luận chung như quán Pres Café ở 14 Alexandre de Rhodes, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Chủ nhân, khách hàng và khách mời cùng trò chuyện, thảo luận cởi mở những gì rút ra được từ một tác phẩm, trao đổi về nội dung và ảnh hưởng của tác phẩm hay vấn đề cùng quan tâm. Vì vậy quán cà phê sách, tuy đồ uống đơn giản nhưng vẫn luôn luôn giữ được khách cũ và qua thời gian có thêm khách mới đến đọc sách và cập nhật thông tin.
Để thu hút thêm khách và cổ xuý cho văn hoá đọc, một số quán cà phê sách đã có sáng kiến hay là khuyến mại cho khách thuộc giới trẻ và sinh viên nếu là khách thường xuyên như tặng đĩa CD ca nhạc của các ngôi sao, tặng vé xem phim, hoặc giảm giá nếu trả lời được danh mục những câu hỏi có liên quan đến văn học, nghệ thuât, khoa học... Thông qua những hoạt động này có thể nói đây cũng là sân chơi mới lành mạnh và bổ ích cho thanh niên, sinh viên.
Những hoạt động trên đã góp phần khôi phục và tôn vinh văn hoá đọc trước sự xâm lấn của văn hoá nghe - nhìn, đồng thời góp phần quảng bá và phổ biến các tác phẩm có giá trị với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
4. Nhân rộng mô hình cà phê sách văn minh góp phần nâng cao đời sống văn hoá và lành mạnh hoá xã hội.
Từ những dẫn chứng và phân tích trên đây, có thể kết luận mô hình cà phê sách là hình thức văn minh, và hoạt động của nhiều quán cà phê sách đã góp phần nâng cao đời sống văn hoá, xây dựng lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh.
Sẽ có những quán cà phê sách đầu tư thêm máy chiếu phim để mở rộng phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin của khách hàng và thực hiện luân chuyển sách thường xuyên để nhà hàng luôn luôn mới mẻ, hấp dẫn. Nhóm công tác xã hội Ước mơ xanh (TP Hồ Chí Minh) đã có sáng kiến gom sách cũ của cộng đồngdành cho những người không đủ tiền mua sách nhưng rất cần đến chúng, và lời kêu gọi này đã thực sự phát huy tác dụng khi hàng trăm bạn trẻ gửi sách đến tặng, và nhóm công tác xã hội này không chỉ dùng sách phục vụ miễn phí ở quán cà phê mà còn gửi đến những mái ấm, nhà tình thương dành cho trẻ em. Rất đáng quý đã có quán cà phê sách dành một phần lợi nhuận cho từ thiện.
Phát huy lợi thế của mô hình này, trước thực trạng tỷ lệ vị thành niên và thanh niên Hoà Bình còn thiếu thông tin và nhận thức về quan hệ tình dục trước hôn nhân và bệnh lây truyền qua đường tình dục, tỉnh Đoàn Hoà Bình đã đổi mới cà phê vườn thành cà phê sách “Quán cà phê thanh niên”. Tủ sách chuyên về giáo dục giới tính, giáo dục sức khoẻ sinh sản và những hình thức sinh hoạt phù hợp đã lôi cuốn học sinh, thanh niên đến sinh hoạt tại các quán cà phê này. Những chủ đề gần gũi mà giới trẻ quan tâm như phòng tránh thai ngoài ý muốn, tâm lý và ứng xử tuổi teen, phòng chống HIV, bệnh lây nhiễm...Các buổi sinh hoạt tại quán cà phê vườn- sách này đã thực sự giúp cho thanh niên địa phương có thêm những kiến thức cần thiết và kỹ năng sống.
Những quán cà phê sách như vậy thật hữu ích nhưng vẫn còn đôi chút băn khoăn bởi vì vẫn còn ít những địa chỉ văn hoá như thế. Hiện vẫn đang có ra một số quán mang tên cà phê sách nhưng rất ít sách, hoặc sách là để trang trí, hoặc sách lâu không luân chuyển. Rồi cũng có những người đến đây chỉ là để cho biết, để “làm sang”. Và, người nước ngoài đến cà phê sách đọc nhiều hơn người Việt Nam…
Để đối tượng đến cà phê sách nhiều hơn, cũng cần hướng cà phê sách gần gũi với cộng đồng hơn nữa vì người lao động chưa dễ dàng đến với những địa chỉ văn hoá này. Cà phê vườn, cà phê “cóc”cũng có thể kèm theo sách, báo, tạp chí, đề nhiều người cùng có điều kiện tiếp cận với sách báo.
Những khu vực có trường đại học, khu đô thị mới, khu có nhiều khách nước ngoài lưu trú…là những địa bàn có thể và nên phát triển hình thức cà phê sách./.
No comments:
Post a Comment