Từ cuối thế kỷ XX trong khoa học xã hội phát triển một hướng nghiên cứu mới, nghiên cứu văn hóa học. Đi theo hướng này, văn hóa được xem như “cái tổng thể”. Đây cũng là xu thế của thời đại, xu thế “khoa học mới” của thế kỷ XXI.
Nguyễn Tri Nguyên tán thành đề nghị của J.Mitteslstrass “sự liên ngành đích thực là sự xuyên ngành, xuyên ngành là làm cho các ngành riêng lẻ không còn như nó vốn có”. Ông khẳng định chỉ có sự xuyên ngành mới đạt đến chất lượng cao của phương pháp liên ngành, đó chính là một sự hợp đề.
Phạm Đức Dương cho rằng phương pháp liên ngành là sản phẩm của tư duy hệ thống hiện đại, là sự liên kết các phương pháp riêng biệt của nhiều ngành khác nhau như là những phương pháp cụ thể dưới sự chỉ đạo của phương pháp luận mới để khám phá những đặc tính gộp trội của văn hoá.
Trong thực tiễn nhiều nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam đã vận dụng thành công phương pháp tiếp cận liên ngành. Có thể nói tiếp cận liên ngành là công cụ đặc biệt, cần thiết và hữu hiệu trong nghiên cứu văn hoá học hiện nay.
Theo hướng tiếp cận liên ngành, văn hóa, với tư cách là “cái tổng thể” - một hệ thống phức tạp hợp thành từ nhiều thành phần - “có những thuộc tính của cái toàn thể mà ta không thể hiểu được từ những hiểu biết đơn lẻ (dù có sâu sắc và đầy đủ đến đâu) về các thuộc tính của các thành phần”. Hệ thống phong phú hơn tổng các thành phần của nó. Cái làm nên sự phong phú hơn đó của hệ thống là “rất phổ biến đối với các hệ thống phức tạp mà ngày nay ta gọi chung là tính hợp trội (emergence) của các hệ thống đó. Tính hợp trội đó làm nên những trật tự mới, tổ chức mới, chất lượng mới trong quá trình tiến hóa của thế giới tự nhiên cũng như của xã hội loài người”. Tính hợp trội là một ý niệm then chốt trong hệ thống những ý niệm cơ bản của khoa học mới.
Mỗi đối tượng nghiên cứu đòi hỏi phương pháp nghiên cứu thích hợp. Văn hóa như một tổng thể phải được tiếp cận nghiên cứu như thế nào? Đây là vấn đề then chốt trong quá trình xây dựng bộ môn văn hóa học hiện nay.
Tại Hội thảo khoa học Nghiên cứu văn hóa Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn được Viện Văn hóa - Thông tin tổ chức ngày 24 tháng 12 năm 2005, có ý kiến cho rằng văn hóa học là sự tổng hợp và khái quát hóa thế giới con người về mặt định tính. Có vẻ như văn hóa là một thứ “tinh chất” nào đó mà chất lượng văn hóa của con người tương ứng với “tinh chất” này. Nếu các khoa học xã hội và nhân văn cung cấp những “tri thức khoa học chuyên sâu” như là sự đối tượng hóa, khách quan hóa của cái “tinh chất” ấy trong những sự vật, hiện tượng cụ thể thì văn hóa đích thực chỉ cung cấp những “tri thức văn hóa học thuần tuý” được hiểu là những gì “có tính khái quát cao”.
Ai cũng hiểu rằng, bản chất bao giờ cũng được biểu hiện thông qua các hiện tượng. Khi hiện tượng đã chia hết cho các lĩnh vực chuyên sâu nghiên cứu, thì một thứ văn hóa học thuần khiết như vậy rất khó hình dung, e rằng cũng dễ đi vào ngõ cụt của tâm lý học nội quan.
Mỗi môn học trong các khoa học về văn hóa phải nghiên cứu một lĩnh vực văn hóa xác định. Không có khoa học nghiên cứu tất cả mọi thứ. Khoa học “chung chung”, “khái quát”, khoa học “trừu tượng” không phải là khoa học. Mỗi khoa học có khách thể và đối tượng nghiên cứu riêng và phương pháp nghiên cứu riêng.
Câu hỏi văn hóa là gì có vô số lời giải, số định nghĩa lên đến hàng trăm vẫn chưa dừng lại, chẳng ai giống ai. Trong thực tế nghiên cứu, các nhà khoa học đi theo hướng trả lời câu hỏi những gì là văn hóa?Ở đây câu trả lời tìm được sự đồng thuận cao hơn nhiều. Cũng từ đây hình thành quan điểm tiếp cận liên ngành trong văn hóa học.
1. Văn hóa học là một khoa học liên ngành
Nguyễn Tri Nguyên là một trong số những người đi đầu và dành nhiều tâm sức cho việc xây dựng cơ sở lý thuyết văn hóa học ở Việt Nam. Ông đã thuyết trình chuyên đề "Khoa học văn hóa - khái niệm, đối tượng và phương pháp nghiên cứu" ở nhiều lớp nghiên cứu sinh thuộc Viện văn hóa - nghệ thuật. Các bài viết của ông được đăng tải trên các số Thông báo khoa học của Viện và mới đây là công trình "Văn hóa, tiếp cận lý luận và thực tiễn" đã được xuất bản.(7)
Trong tác phẩm này, ông thuyết minh những tiền đề quốc tế và quốc gia của văn hóa học, khẳng định có thể phát triển một ngành văn hóa học Việt Nam. Văn hóa học, theo ông "đã trở thành một khoa học mới có tính liên ngành với khoa học văn bản và ký hiệu học văn hóa và với nhân học văn hóa, dân tộc học và xã hội học văn hóa". Ông nhận thấy sự khác biệt giữa các khoa học này rõ rệt nhất trước hết là ở đối tượng nghiên cứu:
"Nhân loại học có đối tượng là cái nhân loại (anthropos), dân tộc học có đối tượng là cái dân tộc (ethnos), xã hội học có đối tượng là cái xã hội (socialite) và văn hóa học có đối tượng là cái văn hóa (cultural) với tư cách là cái tổng thể các hình thái giá trị, chuẩn mực và biểu tượng chi phối cái nhân loại, cái dân tộc và cái cá nhân. Quan hệ giữa chúng là quan hệ giữa cái tổng thể và cái cục bộ".(7)
Ông cũng nhận xét rằng "văn hóa học gần gũi với nhân học văn hóa, một khoa học tổ hợp được những thành tựu của xã hội học văn hóa và dân tộc học. Về tính khái quát cao nó gần gũi với triết học văn hóa".(7)
Xác định văn hóa học "là một ngành khoa học nghiên cứu sự ra đời và phát triển của văn hóa nói chung, có tham vọng nghiên cứu văn hóa trong bản chất cũng như trong sự biểu hiện toàn diện của nó, bao gồm cả lý luận và lịch sử văn hóa" (7), Nguyễn Tri Nguyên viết:
"Có thể nói văn hóa học là một khoa học không chỉ mới định hình vào cuối thế kỷ XX mà còn là một khoa học đòi hỏi một phương pháp nghiên cứu liên ngành và xuyên ngành".
Sau khi đã xác định đối tượng nghiên cứu của văn hóa học là cái văn hóa trong tính tổng thể hợp trội của nó, bước tiếp theo, Nguyễn Tri Nguyên phân tích cấu trúc đa diện, đa thành tố của cái văn hóa, xét từ các phương diện: "cấu trúc hình thái tồn tại" (hình thái chuẩn mực, hình thái giá trị, hình thái biểu tượng) "phương thức tồn tại" (văn hóa phi vật thể - bao hàm cả văn hóa tâm linh, văn hóa vật thể); từ phương diện "cấu trúc tương quan tồn tại" cá nhân, cộng đồng, văn hóa, nó cho phép và bắt buộc tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau, tạo nên tính đa tầng của các ngành nghiên cứu, từ "liên ngành văn hóa học", liên ngành theo "cấu trúc đồng đại - lịch đại", liên ngành "nhân học văn hóa": bao gồm cả văn hóa dân gian, dân tộc học, nghệ thuật học, xã hội học văn hóa, văn bản học - ký hiệu học, tâm lý học, địa văn hóa, dân tộc chí, lịch sử văn hóa, triết học văn hóa, triết học hình thái biểu tượng, hoặc văn hóa học lý thuyết và văn hóa học ứng dụng…
Dĩ nhiên liên ngành không phải là con số cộng các chuyên ngành, nhận thức về con voi trong tính toàn vẹn của nó cũng không phải là tổng cộng giản đơn nhận thức về từng bộ phận cấu thành được cảm nhận bởi tri giác riêng lẻ của các ông xẩm sờ voi. Vì vậy, PGS. TS. Nguyễn Tri Nguyên đi tiếp một bước nữa trong loogic tư duy của ông về văn hóa học, đó là nhận thức phương pháp tiếp cận liên ngành ở nhiều cấp độ. Ông cho rằng đã và đang có nhiều định nghĩa khác nhau về sự liên ngành đi từ sự hợp tác riêng lẻ của 2 chuyên ngành nhằm lý giải những vấn đề giáp ranh, cho đến nhận thức về sự liên ngành như là hình mẫu nghiên cứu có tính tổng hợp mới. Trong khoa học hiện đại, sự liên ngành dựa trên một nền tảng phát triển cao của các khoa học phân tích đã ra đời, đó chính là sự nghiên cứu có tính hợp đề.
Tán thành đề nghị của J. Mittelstrass, "sự liên ngành đích thực là sự xuyên ngành. Xuyên ngành là làm cho các ngành riêng lẻ không còn như nó vốn có", Nguyễn Tri Nguyên khẳng định:
"Đa ngành, liên ngành, đa số ngành và xuyên ngành là những cấp độ và hình thức tham gia của nhiều chuyên ngành vào phương pháp nghiên cứu nào đó. Nhưng chỉ có sự chuyên ngành mới đạt đến chất lượng cao của cái phương pháp mà ta gọi là phương pháp liên ngành, đó chính là một sự hợp đề".
Đây là một bước tiến dài trên con đường nhận thức, xây dựng và phát triển lý luận về phương pháp tiếp cận liên ngành văn hóa học.
2. Phương pháp tiếp cận của văn hóa học
Phạm Đức Dương, từ chuyên ngành ngôn ngữ học đến với văn hóa Việt Nam và văn hóa Đông Nam Á, là người cổ vũ nhiệt tình, dày công tổng kết và phát triển lý luận và thực tiễn vận dụng phương pháp tiếp cận liên ngành văn hóa học.
Một ưu điểm rõ nét ở vị giáo sư khả kính này là lối trình bày dễ hiểu. Là người giàu kinh nghiệm nghiên cứu, với những vấn đề lý thuyết mới mẻ và phức tạp, phải viện dẫn nhiều “ốp” nọ “ép” kia, nhưng khi đã tiêu hóa thành năng lực cá nhân, ông vượt thoát khỏi ngôn ngữ hàn lâm và diễn giải bằng một thứ ngôn ngữ giản dị của công việc.
Năm 2002 ông công bố tác phẩm Từ văn hóa đến văn hóa học, trong đó, dưới dạng một đề cương sơ lược, ông dành chương 6 trình bày đối tượng và phương pháp nghiên cứu văn hóa học.
Tâm đắc với ý tưởng của Phan Ngọc, ông cho rằng văn hóa học, với tư cách là một bộ môn khoa học “phải là bộ máy thao tác thích hợp để tiếp cận văn hóa nhằm khám phá mối quan hệ tương tác giữa ba thế giới: thế giới thực tại, thế giới ý niệm và thế giới biểu tượng, để thông qua đó mà phát hiện nhân tính của loài người nói chung và tâm thức của từng cộng đồng dân tộc nói riêng”.
Xác định đối tượng nghiên cứu của văn hóa học liên quan đến toàn bộ nền văn hóa nhưng khuôn nó lại trong thế giới biểu tượng, ông nhấn mạnh:
“Bởi vì đó là nơi tập trung các quan hệ tương tác tạo ra những đặc tính gộp trội của văn hóa, nói lên bản chất của văn hóa mà nếu chỉ dừng lại quan sát các yếu tố riêng lẻ thì không thể nào nhận ra những đặc trưng mang tính bản chất”.
Hiểu thế giới biểu tượng như là kết quả của sự tương tác giữa thế giới thực tại và thế giới ý niệm, với tư cách là đối tượng của văn hóa học là những sản phẩm, những giá trị văn hóa của mối quan hệ tương tác giữa ba thế giới ấy trong một toàn thể không tách rời, ông cho rằng có thể giải mã văn hóa như một tổng thể các hệ thống ký hiệu, trong đó, văn hóa học coi trọng tâm là “hệ thống ký hiệu hàm nghĩa”, những biểu hiện then chốt nhất của văn hóa tinh thần. Nắm được “cơ chế tạo nghĩa” là rất quan trọng để giải mã được tâm thức của một dân tộc. Nó giúp đi vào cấu trúc chiều sâu của văn hóa, những hằng số phát lộ “lý do lựa chọn” và “độ khúc xạ văn hóa” của dân tộc đó.
GS. TS. Phạm Đức Dương cho rằng, tâm thức của loài người và của từng dân tộc bao gồm cả trí tuệ và tâm linh, trong đó đời sống tâm linh rất khó nhận diện nhưng lại đóng vai trò hết sức quan trọng tạo nên linh hồn văn hóa của loài người và của từng dân tộc, điều có thể cảm nhận mà lại không dễ giải thích bằng trí tuệ. Ông viết:
“Có lẽ đó là vấn đề nan giải nhất để hiểu cái hồn văn hóa mà các cụ thường nói là “khí thiêng sông núi”, “hồn thiêng đất nước”, là “địa linh nhân kiệt”. Vấn đề này dường như trái với tinh thần “khoa học”, hay nói cách khác ngược lại, là tính duy lý khoa học sẽ bóp nghẹt cái duy cảm văn hóa”.
Để làm được điều này, nghĩa là để văn hóa học là một bộ môn khoa học theo phương pháp tư duy logíc, ngoài việc sử dụng các phương pháp thông thường như mô tả, phân tích, trắc nghiệm, định lượng..., theo ông, “phải dành một khoảng trống rất lớn cho sự cảm nhận sâu sắc bằng tuệ giác của con người mà tư duy khoa học không thể nào giải thích nổi, và chấp nhận nó như là những giả thiết... Chỉ có như thế chúng ta mới giải toả được hố phân cách trong các mối quan hệ giữa văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, giữa duy vật và duy tâm, giữa phương Đông và phương Tây, giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội”
GS.TS. Phạm Đức Dương cho rằng phương pháp liên ngành là sản phẩm của tư duy hệ thống hiện đại, là sự liên kết các phương pháp riêng biệt của nhiều ngành khác nhau như là những phương pháp cụ thể dưới sự chỉ đạo của phương pháp luận mới để khám phá đối tượng. Ông phân lập ba mức độ liên ngành:
a, Mức độ sơ đẳng và cơ bản nhất là dùng các khái niệm và phương pháp của ngành này áp dụng cho ngành kia.
b, Mức độ thứ hai là vận dụng những quy luật được phát hiện ở ngành này để soi vào những ngành khác với hai mục đích: một là theo sự gợi ý của ngành khác để tìm quy luật cho ngành mình, một gợi ý có tính chất định hướng. Hai là những quy luật mang tính khái quát chung cho các ngành khoa học.
c, Mức độ thứ ba là xác định điểm giao thoa giữa các bộ môn văn hóa. Trên cơ sở xác định đề tài, tổ chức nhóm công trình bao gồm nhiều bộ môn khác nhau để xác định điểm giao thoa giữa các ngành và tập trung nghiên cứu khu vực giao thoa đó. Điểm giao thoa là nơi gặp nhau của các thuộc tính bản chất của văn hóa chứa đựng trong các thành tố của nó. Tại đây quan hệ nhiều chiều của các yếu tó văn hóa sẽ làm nổi bật cái tổng thể như một hệ thống, đồng thời khắc hoạ đậm nét hơn những bình diện khác nhau và tính đặc thù của mỗi yếu tố cấu thành.
Theo chỗ hiểu biết của chúng tôi, một trong những người đầu tiên ở Việt Nam đi theo hướng này là Lương Kim Định với những công trình lý giải biểu tượng văn hóa Việt cổ của ông. Tuy nhiên, trong việc xây dựng lý thuyết văn hóa học, công trình của Phạm Đức Dương là sự phát triển có tính đột phá rất đáng trân trọng.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam đã vận dụng thành công phương pháp tiếp cận liên ngành trong văn hóa học. Có thể nhắc đến một số tác giả tiêu biểu như GS. Trần Quốc Vượng với cái nhìn đại-văn hóa, GS. Trần Đình Hượu đi từ văn học, triết học đến văn hóa, hoặc GS.TS. Phạm Đức Dương, GS.TS. Ngô Đức Thịnh, GS.TS. Trần Ngọc Thêm từ dân tộc học, ngôn ngữ học đến văn hóa học...
Những lý luận và kinh nghiệm ứng dụng của người đi trước sẽ giúp chúng ta triển khai nghiên cứu văn hóa học bằng phương pháp tiếp cận liên ngành. Phương pháp này giúp chúng ta khai thác và xử lý hiệu quả nguồn tư liệu sử học, dân tộc học, văn hóa dân gian trong việc nghiên cứu những vấn đề về lĩnh vực văn hóa ở nước ta hiện nay.
PHAN THANH TÁ
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Chí Bền (2006), Văn hoá Việt Nam, mấy vấn đề lý luận và thực tiễn. H. Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
2. Phan Đình Diệu (2005), Khoa học mới và vài suy nghĩ về kinh tế xã hội, Trích dẫn (1) (trong tác phẩm Từ Đông sang Tây, Cao Huy Thuần, Nguyễn Tùng, Trần Hải Hạc, Vĩnh Sính đồng chủ biên, Nxb Đà Nẵng).
3. Phạm Đức Dương (2002), Từ văn hóa đến văn hóa học, H. Viện Văn hóa & Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
4. Tô Duy Hợp (chủ biên) (2003), Định hướng phát triển làng-xã đồng bằng sông Hồng ngày nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
5. Nguyễn Xuân Kính (2003), Con người, Môi trường và Văn hóa, H. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
6. Lương Hồng Quang (1997), Văn hóa cộng đồng làng vùng đồng bằng sông Cửu Long thập niên 80-90. Nxb Văn hóa thông tin.
7. Nguyễn Tri Nguyên (2006), Văn hóa, tiếp cận lý luận và thực tiễn, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
8. Trần Ngọc Thêm, Nhận diện văn hóa học (Hội thảo khoa học Nghiên cứu văn hóa Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Viện Văn hóa Thông tin, H.12/2005).
9. Bùi Quang Thắng (2003), Hành trình vào văn hóa học, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
10. Hà Văn Tấn (2005), Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
11. Đỗ Lai Thuý (2005), Văn hóa Việt Nam, nhìn từ mẫu người văn hóa, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
12. Trần Quốc Vượng (2000), Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, H.Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
>> [Tạp chí] Nghiên cứu Văn hóa - Đại học Văn hóa Hà Nội số 2 (tháng 9-2010)
No comments:
Post a Comment