CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Tạp chí] Nghiên cứu Văn hóa - Đại học Văn hóa Hà Nội số 2 (tháng 9-2010)

| | 0 nhận xét
VĂN HOÁ 

CÀ PHÊ SÁCH - MÔ HÌNH TÔN VINH VĂN HOÁ TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
Cà phê sách - mô hình đã và đang phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và cả ở các đô thị lớn của Việt Nam. Có thể nói cà phê sách đã trở thành một xu hướng mới, là nơi hội tụ của những người yêu sách. Mỗi quán cà phê sách như một thư viện nhỏ và người đọc đến để hưởng thụ đam mê sách của họ. Cà phê sách đã góp phần tôn vinh văn hoá đọc trước sự xâm lấn của văn hoá nghe nhìn. Nhiều quán cà phê sách đã góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, xây dựng nếp sống lành mạnh, văn minh. Tuy nhiên cũng cần hướng cà phê sách gần gũi với cộng đồng hơn và rất nên nhân rộng mô hình này.

SUY NGHĨ VỀ LÝ THUYẾT TIẾP CẬN LIÊN NGÀNH TRONG VĂN HÓA HỌC
Từ cuối thế kỷ XX trong khoa học xã hội phát triển một hướng nghiên cứu mới, nghiên cứu văn hóa học. Đi theo hướng này, văn hóa được xem như “cái tổng thể”. Đây cũng là xu thế của thời đại, xu thế “khoa học mới” của thế kỷ XXI. Nguyễn Tri Nguyên tán thành đề nghị của J.Mitteslstrass “sự liên ngành đích thực là sự xuyên ngành, xuyên ngành là làm cho các ngành riêng lẻ không còn như nó vốn có”. Ông khẳng định chỉ có sự xuyên ngành mới đạt đến chất lượng cao của phương pháp liên ngành, đó chính là một sự hợp đề. Phạm Đức Dương cho rằng phương pháp liên ngành là sản phẩm của tư duy hệ thống hiện đại, là sự liên kết các phương pháp riêng biệt của nhiều ngành khác nhau như là những phương pháp cụ thể dưới sự chỉ đạo của phương pháp luận mới để khám phá những đặc tính gộp trội của văn hoá. Trong thực tiễn nhiều nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam đã vận dụng thành công phương pháp tiếp cận liên ngành. Có thể nói tiếp cận liên ngành là công cụ đặc biệt, cần thiết và hữu hiệu trong nghiên cứu văn hoá học hiện nay.

GÓP BÀN THÊM VỀ LỊCH SỬ CỦA MỘT DÒNG HỌ
Bài viết đưa ra các cứ liệu chứng tích để chứng minh họ Vũ, một dòng họ phổ biến, sinh ra nhiều người con ưu tú của dân tộc, đã xuất hiện ngay từ thời kỳ đầu của lịch sử Việt Nam. Qua các dấu tích (đền thờ và thần tích), tác giả đã nêu ra những vấn đề cần phải xem xét, nghiên cứu về lịch sử của một dòng họ mà cho đến nay vẫn có nhiều người nhìn nhận chưa thật khách quan.

CHIẾN LƯỢC ĐẠI ĐOÀN KẾT HỒ CHÍ MINH TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP ( 1945-1954)
Có thể nói: Chiến lược Đại đoàn kết Hồ Chí Minh giữ một vai trò quan trọng, thể hiện sáng rõ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chiến lược Đại đoàn kết Hồ Chí Minh đã giải quyết một cách đúng đắn lợi ích của dân tộc và lợi ích của giai cấp. Người luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên hàng đầu. Sức mạnh của toàn dân chỉ phát huy khi được tập hợp trong mặt trận, Hồ Chí Minh đã rất thành công trong việc xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất để phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân. Sự thành công của chiến lược Đại đoàn kết Hồ Chí Minh còn thể hiện ở đức độ, sự khoan dung đối với con người, nhất là những người đã lầm đường, lạc lối. Dưới ánh sáng của chiến lược Đại đoàn kết Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã đi tới thắng lợi cuối cùng trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc.

Chính sách nô dịch về văn hóa của thực dân Pháp và một số trào lưu văn hóa trước năm 1945 ở Việt Nam
Trong thời gian đô hộ nước ta, thực dân Pháp đã sử dụng các chính sách nô dịch về văn hóa để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa tại Việt Nam. Những chính sách này đã làm cho nền văn hóa Việt xuất hiện những đặc điểm không thuần nhất, lai căng, trì trệ.... Tuy nhiên bên cạnh đó, những tinh hoa của nền văn hoá phương Tây cũng đã có những tác động tích cực đến văn hoá nước ta. Ở Việt Nam đã xuất hiện các trào lưu văn hoá có sự giao thoa giữa Á - Âu, Đông - Tây. Từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam xác lập vai trò lãnh đạo của mình đối với công cuộc giải phóng dân tộc, đồng thời cũng đã từng bước lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh trên lĩnh vực văn hoá. Đặc biệt, sự ra đời của Đề cương văn hoá năm 1943 đã tạo nên sức lan toả kỳ diệu và trở thành tư tưởng hướng đạo cho công cuộc xây dựng một nền văn hoá mới ở Việt Nam về sau này.

MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐẠO ĐỨC VÀ CHÍNH TRỊ TRONG “HƯỚNG TỚI NỀN HÒA BÌNH VĨNH CỬU” CỦA I. CANTƠ
Mối quan hệ giữa đạo đức và chính trị là vấn đề được rất nhiều nhà tư tưởng từ cổ chí kim quan tâm lý giải. Trong tác phẩm: “Hướng tới nền hòa bình vĩnh cửu”, I. Cantơ - nhà triết học Đức lỗi lạc, đã đi sâu phân tích, đánh giá và đưa ra những quan điểm mang tính đột phá về mối quan hệ giữa đạo đức và chính trị. Những quan điểm đó của ông mang ý nghĩa vượt thời đại, là tiền đề và định hướng cho việc giải quyết một trong những vấn đề toàn cầu cấp bách hiện nay – vấn đề chiến tranh và hòa bình. Vấn đề đó lại càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố vì hòa bình. Trong bài viết này, tác giả cố gắng nêu lên và phân tích những quan điểm cơ bản đó của ông.

TÌM HIỂU VỀ PHONG TỤC CƯỚI HỎI CỦA DÂN TỘC LÀO
Việt Nam và Lào là hai xứ sở kề sát nhau và có quan hệ tình cảm gắn kết qua nhiều thế kỷ. Có những điểm tương đồng song cũng có nhiều khác biệt trong phong tục, tập quán của hai đất nước. Nghiên cứu về văn hóa Lào không thể không tìm hiểu về phong tục cưới hỏi-một hình thức sinh hoạt tinh thần phong phú của dân tộc Lào. Cùng với thời gian và sự phát triển của xã hội, nhiều tập tục cưới xin của người Lào cũng có sự thay đổi. Việc cưới xin ngày càng văn minh, giản tiện hơn nhưng không vì thế mà mất đi những tập quán cổ truyền của dân tộc. Chính sự gìn giữ những yếu tố truyền thống đó đã tạo nên nét văn hóa độc đáo và hết sức đặc trưng của dân tộc Lào.

Tư tưởng đạo đức Nho giáo và ảnh hưởng của nó ở nước ta hiện nay
Nho giáo là một học thuyết chính trị - đạo đức ra đời và tồn tại đến nay đã hơn 2500 năm. Trong suốt thời gian tồn tại, Nho giáo đã có ảnh hưởng ở nhiều nước phương Đông, trong đó có Việt Nam. Bài viết đề cập đến những nội dung đạo đức chủ yếu của Nho giáo như tam cương (đạo đức xã hội gồm ba mối quan hệ cơ bản là vua-tôi, cha-con, chồng-vợ), ngũ thường (gồm năm chuẩn mực đạo đức cá nhân bất di bất dịch là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Đó là những tiền đề để thực hiện thuyết chính danh, làm cho xã hội được ôn định, trật tự. Trên cơ sở phân tích những nội dung đạo đức nói trên, bài viết làm rõ những ảnh hưởng tích cực cũng như hạn chế của Nho giáo đối với đạo đức con người Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện tại.

Gia đình và hôn nhân của người Raglai – Nhìn từ góc độ luật tục
Raglai là một tộc người thiểu số phân bố ở vùng miền núi các tỉnh Nam Trung Bộ và là một trong năm tộc người ở Việt Nam theo thiết chế mẫu hệ. Xã hội Raglai truyền thống rất coi trọng gia đình và hôn nhân, được thể hiện rất rõ qua luật tục còn được duy trì đến ngày nay. Luật tục được cho là chuẩn mực đạo đức xã hội, nó quy định mối quan hệ trong gia đình, dòng họ và trong đời sống vợ chồng cũng như các mối quan hệ thường nhật khác. Những giá trị đạo đức trong luật tục vẫn được coi là chuẩn mực xã hội, là một phương thức hữu hiệu bảo vệ gia đình và hôn nhân của người Raglai trong giai đoạn hiện nay.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỘC NGƯỜI & DÂN TỘC Ở VIỆT NAM
Để thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu về các dân tộc, văn hóa các dân tộc, trước tiên phải nắm chắc những vấn đề then chốt trong hệ thống lý thuyết tộc người và bắt buộc phải phân loại được các tộc người/dân tộc. Khâu then chốt này vừa là mục tiêu, nhiệm vụ, lại vừa là cơ sở, nền tảng quyết định đến sự thành công của nhà nghiên cứu.

PHÁT HIỆN MỚI VỀ QUAN HỆ NGOẠI GIAO VIỆT NAM - NHẬT BẢN
Việt Nam và Nhật Bản đã và đang phát triển mối quan hệ ngoại giao thân thiện và tốt đẹp. Từ trước tới nay, các nhà nghiên cứu thường cho rằng quan hệ bang giao chính thức giữa hai nước được xác định vào khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Tuy vậy, việc nghiên cứu về vương quốc Ryukyu (nằm ở phía Tây Nam Nhật Bản, bị sát nhập vào lãnh thổ Nhật Bản năm 1879, trở thành tỉnh Okinawa của Nhật hiện nay) cho thấy rằng vương quốc này đã sớm có mối quan hệ bang giao với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây là một căn cứ quan trọng giúp các nhà nghiên cứu có cơ sở xác định thời điểm quan hệ bang giao Việt - Nhật sớm hơn khoảng một thế kỷ (đầu thế kỷ XVI), qua đó góp phần củng cố mối quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản hiện nay.

NÉT VĂN HÓA CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ HÀ NỘI XƯA VÀ NAY
Hà Nội đang tiến tới kỷ niệm một ngàn năm tuổi. Hà Nội trong mắt người dân Việt Nam và thế giới là mảnh đất kinh kỳ, nơi đó có những người con gái thanh lịch tinh tế và đằm thắm, dịu dàng. Văn hóa người phụ nữ Hà Nội đã có sự biến đổi theo thời gian. Bài viết tập trung vào nét văn hóa ăn mặc, phong cách ứng xử trong gia đình và cộng đồng của người phụ nữ Hà Nội xưa và nay. Thông qua sự biến đổi về văn hóa ấy, hơn bao giờ hết, người phụ nữ Hà Nội cần kế thừa nét văn hóa truyền thống của người Hà Nội xưa và phát huy nét văn hóa mới phù hợp với thời đại hôm nay.

TƯ TƯỞNG TRỌNG HIỀN TÀI THỜI LÊ SƠ (1428- 1527) THÔNG QUA HỆ THỐNG VĂN BIA TẠI VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM (HÀ NỘI)
Văn Miếu– Quốc Tử Giám được coi là biểu tượng của văn hiến Việt Nam nói chung và biểu tượng của văn hiến Thăng Long nói riêng. Hiện nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn giữ được 82 tấm bia ghi lại các khoa thi được tổ chức từ năm 1442 đến năm 1779. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến một khía cạnh trong hệ giá trị của hệ thống bia đá, đó là tư tưởng trọng hiền tài thông qua các tấm bia được dựng vào thời Lê Sơ (1428- 1527). Tư tưởng đó được thể hiện trên những bình diện: vai trò của hiền tài đối với quốc gia, cách thức tuyển chọn hiền tài, chế độ đãi ngộ và tôn vinh hiền tài, yêu cầu đối với hiền tài và trách nhiệm của hiền tài đối với quốc gia. Đội ngũ người hiền tài được đào tạo dưới thời Lê sơ đã đưa nhà Lê phát triển tới đỉnh cao về mọi mặt, đạt tới vinh quang trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước thế kỷ XV.

DIỆN MẠO VĂN HÓA CỦA VÙNG ĐẤT KINH ĐÔ QUA “ĐỊA CHÍ CỔ LOA”
Cổ Loa là địa danh thân thuộc với bất kỳ người Việt Nam nào, ngay từ khi còn là trẻ nhỏ mới đến trường với bài học đầu tiên về lịch sử dân tộc. Địa chí Cổ Loa là sự tổng hợp kết quả nghiên cứu về vùng đất Cổ Loa của giới khoa học trong và ngoài nước suốt hơn nửa thế kỷ qua. Ngoài phần mở đầu giới thiệu Cổ Loa- một không gian lịch sử văn hóa, danh mục bản đồ, ảnh và 222 tài liệu tham khảo , nội dung công trình gồm 4 phần liên quan mật thiết với nhau, sắp xếp theo trình tự nhất định, nhằm nhận diện khái quát vùng đất: địa lý tự nhiên- hành chính; lịch sử; kinh tế- xã hội, văn hóa. Công trình đã khắc họa diện mạo văn hóa của Cổ Loa. Đây là món quà quý để dâng lên đại lễ nghìn năm Thăng Long- Hà Nội.

CHÙA CẦU ĐÔNG - MỘT DI TÍCH QUAN TRỌNG GÓP PHẦN XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ HOÀNG THÀNH THĂNG LONG
Chùa Cầu Đông là ngôi chùa cổ thuộc thiền phái Tào Động, hiện ở số 38B phố Hàng Đường, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Căn cứ vào di vật có niên đại sớm nhất (bia “Đông Môn tự ký” - 1624) thì vào khoảng đầu thế kỷ XVII, chùa Cầu Đông đã có mặt trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn vật. Giá trị kiến trúc, điêu khắc và hệ thống di vật của chùa chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn - giai đoạn cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Giá trị đặc biệt của chùa Cầu Đông tập trung ở hệ thống di vật, đặc biệt là di vật có minh văn (bia đá, chuông đồng). Địa điểm tồn tại của ngôi chùa là cứ liệu quan trọng để giới khoa học “tìm lại dấu vết thành Thăng Long”- xác định vị trí phía Đông của hoàng Thành Thăng Long.

GÓP PHẦN “GIẢI MÃ VĂN HÓA – GIẢI ẢO HIỆN THỰC” VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM (HÀ NỘI)
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, nơi gìn giữ và tôn vinh đạo học, nơi lưu giữ và thể hiện đặc sắc nhất những giá trị nổi bật của văn hiến Việt Nam. Với bề dày lịch sử và chiều sâu văn hiến Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã, đang là một công trình xuyên thiên niên kỷ, vượt thời gian với những giá trị nổi bật của chân - thiện - mỹ, của trí tuệ và tri thức của cả một dân tộc. Việt Nam, vẻ đẹp không chỉ là tiềm ẩn mà đang hiện hữu hào hoa và thanh lịch. Vẻ đẹp ấy luôn, tỏa sáng thông qua sự tiếp cận đa chiều dưới góc nhìn văn hóa của mỗi chúng ta.

CHẤT THANH LỊCH CỦA NGƯỜI HÀ NỘI
“Nếp sống văn hóa người Hà Nội” là một công trình lớn đã được xã hội quan tâm từ nhiều năm nay nhưng kết quả của nghiên cứu vẫn chưa đạt được như mong muốn. Danh hiệu Người Hà Nội là một khái niệm luôn mở và biến động không chỉ theo trục thời gian mà cả trong những chiều không gian rộng hẹp khác nhau. Tính chất “Kinh đô văn hóa linh thiêng và hào hoa” của Thăng Long - Hà Nội truyền thống đã chi phối, điều chỉnh cấu trúc cư dân cũng như định hình tính cách thanh lịch của con người nơi đây. Bài viết lưu tâm tới những khó khăn trong việc lưu giữ, bảo tồn sự thanh lịch khi môi trường sống của người Hà Nội hiện nay đã bị pha tạp. Điều quan trọng nhất hiện nay là người Hà Nội cần hình thành ý thức và phong cách sống của người thị dân đích thực, trước hết là tự giác tuân thủ pháp luật và những quy ước chung của cộng đồng.

NƯỚC TRONG SINH HOẠT TÍN NGƯỠNG VÀ LỄ HỘI DÂN GIAN NÓI CHUNG VÀ Ở VÙNG HÀ NỘI NÓI RIÊNG
Hà Nội đang được tạo những điều kiện tốt nhất để ngẫm lại những vấn đề đã diễn ra trong lịch sử 1000 năm của mình.Trên nền cảnh địa lý đặc thù là nằm trong một “ Tứ giác nước”, Hà Nội không thể không chịu ảnh hưởng của yếu tố địa lý quan trọng này.Thậm chí, yếu tố nước đã được xem như tạo nên diện mạo riêng cho văn hóa Hà Nội.Tín ngưỡng và lễ hội truyền thống của Hà Nội đã chứng minh điều đó.

NGHỆ THUẬT 

VỀ TÍNH HÌNH TƯỢNG VÀ TÍNH BIỂU TƯỢNG TRONG TÁC PHẨM VĂN HÓA - NGHỆ THUẬT
Biểu tượng và hình tượng là hai biểu hiện tồn tại trong cùng một tác phẩm - thuộc phạm trù nghệ thuật. Chúng có mối tương quan và gắn bó khá chặt chẽ với nhau trong quá trình hình thành nên tác phẩm nghệ thuật. Hai khái niệm này trong thực tế vẫn tồn tại và hay được dùng lẫn lộn với nhau, mặc dù bản chất của chúng là khác nhau. Về phương diện ngôn ngữ học thì biểu tượng (Symbole) (1) và hình tượng (image) không phải là những từ đồng nghĩa. Mặc dù chúng đều là những ký hiệu (signe) nằm trong một văn bản nghệ thuật.

CÁC HÌNH THỨC TƯƠNG TÁC CƠ BẢN GIỮA VĂN HỌC DÂN GIAN VÀ VĂN HỌC VIẾT
Các hình thức tương tác cơ bản giữa văn học dân gian và văn học viết- hai loại khác nhau của cùng nghệ thuật ngôn từ là thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình hình thành và phát triển của nền văn học dân tộc. Các hình thức đó là: nhại, mô phỏng, vay mượn chất liệu, vay mượn phong cách. Bài viết tập trung làm rõ các khái niệm này.

NHÂN VẬT TRUYỆN CỔ DÂN GIAN TRONG SÁNG TÁC VĂN CHƯƠNG HIỆN ĐẠI
Yếu tố dân gian và yếu tố đương đại luôn song hành với nhau trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn có tranh dân gian đương đại, dòng nhạc dân gian đương đại, vũ điệu dân gian hiện đại, nghệ thuật đương đại trong lễ hội dân gian, trò chơi dân gian trong không gian đương đại, truyện cười dân gian đương đại…Bên cạnh đó, những nhân vật dân gian cũng đã tạo được những ấn tượng sâu sắc đối với các nhà văn nhà thơ, nhà nghiên cứu hiện đại. Từ chất liệu dân gian, họ đã thể hiện cách đánh giá đồng thuận hoặc bất đồng khi nhìn nhận lại những nhân vật mà từ lâu đã trở thành biểu tượng cho một tính cách, cho một lối nghĩ với cảm quan và tư duy hiện đại.

Tìm hiểu “Chiếu cầu hiền” của Ngô Thì Nhậm từ góc nhìn văn hóa – giáo dục
“Chiếu cầu hiền” là một tác phẩm nghị luận chính trị - xã hội độc đáo, có ý nghĩa chính trị, có sức lay động chí, chuyển tâm ý của hiền tài trong thiên hạ; có đóng góp đáng kể trong quá trình thuyết phục, sử dụng người hiền tài góp sức lực, trí tuệ để bảo vệ và xây dựng đất nước thời vua Quang Trung. Sức thuyết phục của nó đã vượt ra khỏi giới hạn của một thời đại lịch sử. Hôm nay, trong thế nước “rồng bay”, của 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, “Chiếu cầu hiền” còn mang giá trị văn hoá – giáo dục của mọi thời đại. Nó trở thành kim chỉ nam trong nghệ thuật thu phục, sử dụng, dùng những biện pháp thiết thực để hiền tài sớm chung tay gánh vác việc nước cùng các nhà lãnh đạo.

BIỆN CHỨNG CÁ NHÂN - XÃ HỘI TRONG THỊ HIẾU THẨM MỸ
Thị hiếu thẩm mỹ là khái niệm chỉ sở thích của con người trong lĩnh vực thẩm mỹ, bộc lộ năng lực lựa chọn, đánh giá của con người bằng cảm xúc trước các hiện tượng thẩm mỹ. Yếu tố cá nhân trong thị hiếu thẩm mỹ bộc lộ ở chỗ, sự lựa chọn đối tượng để cảm thụ, đánh giá hoàn toàn phụ thuộc vào sở thích riêng của mỗi người. Thị hiếu thẩm mỹ luôn là sự bộc lộ cái tôi cá nhân và phơi bày cá tính. Mỗi chủ thể khi đánh giá thẩm mỹ lại đưa ra những cảm nhận ở mức độ khác nhau. Thị hiếu thẩm mỹ vừa mang dấu ấn cá nhân độc đáo riêng biệt, vừa ẩn chứa những quan niệm mang tính phổ biến trong một cộng đồng, xã hội, thời đại nhất định. Mối quan hệ biện chứng cá nhân - xã hội trong thị hiếu thẩm mỹ là mối quan hệ vừa cá nhân vừa xã hội trong mỗi con người, là sự chuyển hoá hài hoà giữa riêng và chung, cá biệt và phổ biến. Cái chung đã được hoà tan, thẩm thấu và trở nên ổn định trong nét độc đáo, riêng biệt của mỗi cá nhân. Cho nên, một thị hiếu thẩm mỹ đúng đắn, lành mạnh phải có sự hoà hợp của cả hai yếu tố: cá nhân và xã hội.

ĐÀO TẠO - NGHIỆP VỤ

KHAI THÁC TÀI TRỢ PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI CHO PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP VĂN HOÁ GIÁO DỤC CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HOÁ HÀ NỘI
Viện trợ của các TCPCPNN là một trong những kênh quan trọng cần được khai thác. Viện trợ của các TCPCPNN đối với lĩnh vực văn hóa năm 2009 đạt tổng trị giá gần 5 triệu USD. Tuy nhiên, hợp tác của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội với các TCPCPNN là lĩnh vực còn mới mẻ. Khoảng 10 năm trở lại đây, Trường đã nhận được tài trợ từ hai TCPCPNN là quỹ Ford và tổ chức Good Neighbor International. Thực tế, tiềm năng có thể khai thác được từ các TCPCPNN là rất lớn. Để tăng cường nguồn tài trợ từ các TCPCPNN, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cần xác định được các lĩnh vực và nội dung mong muốn hợp tác để ưu tiên vận động tài trợ; cần chủ động sử dụng danh nghĩa của Trường để tiếp cận với các TCPCPNN và cần có một đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác vận động viện trợ.

Lấy ý kiến sinh viên về giảng viên- Một bước đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên là chủ trương của Bộ Giáo dục- Đào tạo, đang được thực hiện rộng rãi tại các trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc. Tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, công tác này được chuẩn bị một cách chu đáo và được triển khai theo một lộ trình khoa học, trên tình thần dân chủ nhưng vẫn bảo đảm truyền thống tôn sư trọng đạo. Việc lấy ý kiến sinh viên sẽ được tiến hành mỗi học kỳ đối với các môn học đã kết thúc và đã công bố điểm. Sinh viên có thể có ý kiến khen ngợi hoặc góp ý với các thày cô. Những ý kiến này được bảo mật và được xử lý bởi Ban Chỉ đạo do nhà trường thành lập. Các giảng viên được sinh viên góp ý sẽ được trực tiếp nghiên cứu thông tin để rút kinh nghiệm, cải tiến phương pháp và nội dung bài giảng của mình để nâng cao chất lượng giảng dạy.

VAI TRÒ CỦA VĂN HOÁ TRONG HOẠT ĐỘNG MARKETING TẠI CÁC TỔ CHỨC VĂN HOÁ NGHỆ THUẬT
Có rất nhiều yếu tố (bên trong và bên ngoài) ảnh hưởng đến hoạt động nói chung và hoạt động marketing của một tổ chức văn hoá nghệ thuật. Trong các yếu tố bên ngoài như: xã hội, công nghệ, kinh tế, chính trị v.v…, văn hoá được coi là một yếu tố có ảnh hưởng mạnh đến các khía cạnh của hoạt động marketing. Cụ thể, văn hoá biểu hiện trong nhận thức về marketing, trong việc xác định mục đích marketing, lựa chọn thị trường mục tiêu cho hoạt động marketing… Những ảnh hưởng này có thể mang lại nhiều tác dụng tích cực cho hoạt động marketing hoặc ngược lại. Bởi vậy, muốn cho hoạt động Marketing có hiệu quả, bất kỳ một tổ chức văn hoá nghệ thuật nào cũng đều cần nhận thức rõ những ảnh hưởng này để tận dụng những cơ may hoặc phòng ngừa những rủi ro tiềm ẩn.

PHÁT TRIỂN NHU CẦU THÔNG TIN TRONG CÁC THƯ VIỆN CÔNG CỘNG
Thế giới đang chứng kiến sự hình thành và phát triển của xã hội thông tin, trong đó thông tin và tri thức ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Nhiều người cho rằng khả năng khai thác và sử dụng thông tin là tiềm năng phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc trong thời đại ngày nay. Hoạt động thông tin – thư viện, với mục tiêu cuối cùng là đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin của bạn đọc vì thế có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển xã hội.

[Tạp chí] Nghiên cứu Văn hóa - Đại học Văn hóa Hà Nội số 2 (tháng 9-2010)
PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA CÁC DI TÍCH CÁCH MẠNG - KHÁNG CHIẾN TRÊN ĐỊA BÀN THỦ ĐÔ HÀ NỘI
Di tích cách mạng – kháng chiến trên địa bàn Thủ đô hiện nay có số lượng tương đối lớn, nằm ở nhiều quận, huyện khác nhau. Cùng với các di tích lịch sử - văn hoá, di tích cách mạng – kháng chiến góp phần tô điểm, làm sáng lên truyền thống yêu nước đồng thời cũng thể hiện tinh thần yêu chuộng hoà bình, tự do của cư dân Hà Nội. Ngày nay, việc phát huy giá trị của các di tích ấy có vai trò quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng. Điều đó càng có ý nghĩa hơn khi Thủ đô của chúng ta đã bước vào tuổi 1000 năm.

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH THỦ ĐÔ
Phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các di tích là luôn gắn công tác bảo tồn tính đa dạng, gìn giữ các giá trị di tích lịch sử văn hoá với việc khai thác phục vụ du lịch; hay nói cách khác phát triển du lịch vì mục tiêu văn hoá; đồng thời, việc bảo vệ tôn tạo di tích phải hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn các đối tượng đến tham quan nghiên cứu, trong đó có khách du lịch.

CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG HÌNH ẢNH - ĐIỂM ĐẾN CỦA DU LỊCH VIỆT NAM
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch và trở thành điểm đến hấp dẫn trên thị trường quốc tế. Để có những hình ảnh tích cực, Việt Nam cần quan tâm tới việc tạo dựng, quảng bá xúc tiến, giới thiệu hình ảnh quốc gia ra nước ngoài trong một nỗ lực định vị điểm đến. Hình ảnh quốc gia phải độc đáo so với nước khác; khai thác được triệt để ưu thế và lợi thế của đất nước mình. Thời gian tới, việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các giá trị văn hoá, các yếu tố truyền thống. Cần có sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, cần đẩy mạnh hoạt động văn hoá đối ngoại nhằm tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến quảng bá những giá trị văn hoá lịch sử, đất nước con người Việt Nam ra thế giới./.

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel