Việt Nam và Nhật Bản là hai nước đều nằm trong vùng “khí hậu gió mùa” có lịch sử phát triển hàng nghìn năm và cùng thuộc trong vùng nông nghiệp trồng lúa nước của châu Á; và văn hoá cùng chịu ảnh hưởng dòng văn hoá phương Đông, đặc biệt là văn hoá Trung Hoa nên có nhiều điểm tương đồng về phong tục, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo. Vào nửa cuối thế kỷ 13, cả hai dân tộc Việt - Nhật đều đã từng bị đế quốc Mông Nguyên xâm lược và chúng đã bị đại bại 3 lần ở Đại Việt vào các năm 1258, 1285, và 1288, bị đại bại 2 lần xâm lược Nhật Bản vào các năm 1274 và 1281.
Thế kỷ XVI, người Nhật đã đến buôn bán ở Việt Nam tại cửa biển Hội An của Quảng Nam. Sau đó khoảng một thế kỷ, Hội An đã trở thành "phố Nhật" (Nihon Machi) lớn nhất của Việt Nam, đóng vai trò trung tâm buôn bán của Nhật với Đông Nam Á. Phố cổ Hội An ngày nay còn để lại nhiều dấu ấn đậm nét về giao lưu kinh tế và văn hoá Việt-Nhật. Mặc dù vậy, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản vẫn chưa được chính thức thiết lập trong khuôn khổ bang giao chính trị. Các nhà nghiên cứu thường xác định mốc thời gian đánh dấu sự khởi đầu mối quan hệ bang giao Việt - Nhật vào khoảng cuối thế kỷ XVI, thậm chí, nhiều ý kiến xác định mốc thời gian đó muộn hơn nhiều.
Ryukyu là một đảo quốc ở phía tây nam Nhật Bản. Trước thế kỷ XIX, Ryukyu là một vương quốc độc lập và đạt được một trình độ phát triển cao về kinh tế. Năm 1879, Ryukyu chính thức trở thành tỉnh Okinawa của Nhật Bản, sau một thời gian dài đấu tranh bảo vệ nền độc lập không thành công. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ XIV đến XVI, Ryukyu có mối quan hệ bang giao tốt đẹp với nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Nếu xét Ryukyu là một bộ phận của Nhật Bản, như hiện nay, chúng ta sẽ có phát hiện mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Khảo cứu kĩ về lịch sử ngoại giao của vương quốc Ryukyu, nhất là thông qua các văn bản ngoại giao được lưu lại trong bộ thông sử Reikidai hoan(1) của vương quốc này, chúng ta có thể xác định quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, thông qua vai trò của Ryukyu, đã được thiết lập sớm hơn quan điểm hiện nay gần một thế kỷ.
Trong số gần 100 văn bản ngoại giao được lưu giữ trong Reikidai hoan chỉ có duy nhất một văn bản nói về quan hệ giữa Việt Nam và Ryukyu. Văn bản đó đề ngày 9 tháng 10 năm Chính Đức thứ 4 (nhà Minh), tức là ngày 20 tháng 11 năm 1509. Chuyến đi đến nước ta vào năm này là một việc “không bình thường”(2) của Ryukyu. Tuy nhiên, văn bản ngoại giao này cho chúng ta thấy những điểm sáng mới trong mối quan hệ của Nhật Bản - Việt Nam. Xin trích văn bản được dịch sang tiếng Anh (đã được dịch lại qua tiếng Việt) trong công trình nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và phát triển thuộc trung tâm Đông - Tây Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ năm 1969:
Chương 42, văn bản số 5 (Reikidai hoan):
“Vua Trung Sơn, vương quốc Ryukyu, bằng phép lịch sự và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc.
Nay đặc phái Chánh sứ Đại nghị Đại phu Trịnh Cửu (Tei Kyù), Phó sứ Mã Sa Giai (Masakai), thông dịch viên Trịnh Hạo (Tei Kò) và những người khác, cầm văn thư chính thức này cùng đi trên thuyền mang kí hiệu chữ Tín (Hsin). Trên thuyền chở theo 1 vạn cân lưu huỳnh, 1 bộ áo giáp sắt có bản mạ đồng đan xen kẽ bằng dây với những tấm da thuộc bản nhỏ màu xanh, 2 thanh kiếm ngắn có vỏ sơn mài đen khắc nổi rồng vàng, 6 thanh kiếm ngắn có chuôi mạ vàng, 2 thanh kiếm dài có vỏ sơn mài đỏ khảm vàng và xà cừ, 2 cây thương có vỏ sơn mài đen khảm vàng và xà cừ, 4 cây cung làm bằng gỗ dâu nuôi tằm, 120 mũi tên đầu mạ vàng đuôi gắn lông chim ưng, 100 súc vải bông gồm các màu khác nhau và 2.000 cân sắt chưa luyện.
Tất cả những vật trên là để dâng tặng Đức Vua vạn tuế của vương quốc An-nam. Ngoài ra không có văn thư nào đặc biệt cho thành viên phái đoàn này vì thật tình chúng tôi sợ phái đoàn có thể bị quan chức địa phương khám xét và gây trở ngại bất tiện. Vì vậy, Triều đình chúng tôi đã cấp chấp chiếu này có đóng ấn nửa chữ Huyền (Hsuan) và nửa số hiệu 176 cho Chánh sứ Đại nghị Đại phu Trình Cửu cùng những người khác mang theo trước khi lên đường. Trong trường hợp nếu quan viên ở cửa quan nơi thuyền cập bến hay quan quân ở vùng duyên hải dọc đường khám xét, xin vui lòng để cho phái đoàn được đi ngay không chậm trễ và xin hãy trả lại chấp chiếu này cho phái đoàn của chúng tôi.
Sau đây là danh sách những người trong phái đoàn:
- Một Chánh sứ, Chánh nghị Đại phu Trịnh Cửu(Tei Kyù)
- Phó sứ hai người: Mã Sa Giai (Masakai), Lương Quỳ (Ryò Ki)
- Thông dịch viên chính, một người: Trịnh Hạo (Tei Kò)
- Thông dịch viên phụ, một người: Lương Tuấn (Ryò Shun)
- Thuyền trưởng, một người: Ô Thị (Ushì)
- Hoa tiêu, một người: Cao Nghĩa (Kò Gi)
Tổng số người trên tàu kể cả thuỷ thủ là 130 người.
Ngày 9 tháng 10 năm Chính Đức thứ tư (20/11/1509)
Chấp chiếu trên được cấp cho Chánh sứ Đại nghị Đại phu Trịnh Cửu, thông dịch viên Trịnh Hạo và những người khác.
Xác nhận.”(3)
Từ bản dịch trên, có thể rút ra một số vấn đề nổi bật lên trong quan hệ Ryukyu - Đại Việt. Thể thức văn bản và quà tặng kèm theo chuyến đi này có rất nhiều điểm khác so với văn bản và hoạt động ngoại giao, thương mại thường thấy của Ryukyu đối với các quốc gia Đông Nam Á cùng thời.
Mục đích chuyến đi đến nước ta của phái bộ Ryukyu năm 1509: Trong văn bản ghi rõ “Vua Trung Sơn, vương quốc Ryukyu, bằng phép lịch sự và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, nay đặc phái Chánh sứ...” cho thấy mục đích trước hết của Ryukyu là thể hiện thái độ thân thiện với một lời cảm ơn ngoại giao lịch sự đối với nước ta. Hiện nay có rất nhiều ý kiến giải thích nguyên nhân có phái bộ Ryukyu sang cảm ơn chúng ta vào thời điểm đó. Một số tác giả Nhật Bản và Việt Nam đã có cùng ý kiến cho rằng chúng ta đã từng cứu giúp thuỷ thủ của họ,“cứu vớt thuyền bị nạn”(4) của Ryukyu trước đó. Hương Minh thực lục có ghi chép về việc “người đứng đầu vương quốc Champa, Po-lung-a-ma, vốn đang có hoà hảo với An-nam, đã bắt giữ những người Ryukyu xung họ vào đội quân sang xâm lược An-nam, nhưng quân Champa đã bị người An-nam đánh bại”(5). Có ý kiến dự đoán chiến thắng đó của Đại Việt đã giải thoát được những thuỷ thủ và thương nhân Ryukyu.
Văn bản số 10, chương 39 của Lo-hsi-ma-na (Lassamane), đại diện chính quyền Malacca thời đó, trong văn bản ngoại giao gửi vua Ryukyu đã viết: “Chúng tôi được biết rằng một trong những thuyền buôn của quý quốc đã phải cập bến ở Giao Chỉ (Chiao-chih) và vì đang cần nước ngọt nên (thuỷ thủ trên tàu) đã buộc phải giao chiến đẫm máu với cư dân ở đây...”(6). Bức thư này được viết ngày 11 - 4 - 1480. Sự kiện đó được viết lại rất gần với sự kiện được nêu ra trong ghi chép trên của người Trung Quốc. Có thể đó là một sự kiện, cũng có thể đó là hai sự kiện khác nhau. Nhưng chắc chắn, các sự kiện đều có liên quan đến các đoàn thương nhân, phái bộ của Ryukyu, và số phận sau cùng của họ đều được chính quyền nước ta quyết định. Có lẽ, chính quyền Đại Việt khi đó đã có một chính sách giúp đỡ hoặc quyết định thông thoáng nào đó, tạo điều kiện thuận lợi cho họ trở về quê hương, dẫn đến việc có lời cảm ơn trang trọng của triều đình Shuri như trên.
Nhưng để có một nhận xét thực sự chính xác thì không nên loại trừ khả năng việc sử dụng ngôn từ “để thể hiện phép lịch sự và bày tỏ lòng biết ơn” chỉ là một thể thức ngoại giao trịnh trọng. Tuy vậy, sau đó văn bản còn một câu nhấn mạnh “tất cả những vật đó là để tặng Đức Vua An-nam vĩ đại nhằm bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi...” nên không thể phủ nhận rằng thể thức này cũng hàm chứa một thái độ cảm ơn tương đối đặc biệt nào đó của Ryukyu đối với Đại Việt. Nói một cách khác, dù là vì mục đích gì đi nữa thì qua thể thức và ngôn từ trong văn bản, Ryukyu vẫn có sự tôn trọng khác biệt giữa nước ta so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á; và có lẽ Ryukyu khá đề cao nước ta trong chính sách mở rộng quan hệ bang giao của mình. Vấn đề đặt ra là: nếu bức văn thư được viết để bày tỏ lòng biết ơn đối với triều đình nước ta, thì nguyên nhân của sự cảm ơn ấy là vì việc gì? Câu trả lời vẫn chưa được rõ ràng vì trong văn bản không hề nhắc tới.
Trong khi đó, qua các văn bản khác ta cũng thấy có trường hợp chính quyền các quốc gia khác (Siam, Palembang) cũng đã từng cứu giúp và sữa chữa tàu thuyền cho Ryukyu, nhưng không có những tài liệu cho thấy các vương quốc này nhận được một thái độ và số lượng quà đặc biệt như nước ta. Phải chăng trong đó còn có những nguyên nhân khác nữa.
Vấn đề về người nhận văn bản ngoại giao này: Văn bản viết “những vật đó là để tặng Đức Vua An-nam vạn tuế”.
Dẫn lại ý kiến của Wada Hashimori, nhà nghiên cứu Kin Seiki tỏ thái độ đồng ý với ý kiến cho rằng người nhận văn bản ngoại giao này là “Uy Mục Đế ở Hà Nội”(7). Đã có một số ý kiến phân tích cụ thể hơn cho rằng bức thư này có thể là để gửi cho vua Lê Uy Mục (1505-1509) triều Hậu Lê, nhưng người nhận bức thư đó lại là vua Lê Tương Dực (1509-1516)(8). Nguyên nhân là do biến động chính trị của nước ta vào cuối năm 1509. Khi bức thư được gửi đi vào ngày 20-11-1509, vua Lê Uy Mục vẫn đang cầm quyền, nhưng đến ngày 1-12-1509, vị vua này đã bị bức hại và ngày 1-12-1509 vua Lê Tương Dực đã lên ngôi hoàng đế(9). Trong khoảng thời gian hơn 10 ngày đó, chắc rằng đoàn thuyền của Ryukyu (từ khi xuất phát) chưa thể đến được nước ta. Chính vì thế, người nhận thư của Ryukyu không phải là Uy Mục mà là vua Tương Dực nhà Lê.
Trong bài viết “Một văn thư Vương quốc Lưu Cầu gửi sang Việt Nam vào đầu thế kỷ XVI”, GS. Vĩnh Sính đã dịch cụm từ “Majesty the King of the Country of An-nam” trong văn bản là “Vạn Thọ Đại Vương điện hạ của nước An-nam”(10). Thực chất, “majesty” chỉ là một cách gọi tôn kính, thể hiện sự tôn vinh oai phong của vua hoặc hoàng đế một nước chứ không có nghĩa là “vạn thọ”. Ngoài ra, việc dùng từ “điện hạ” (nguyên nghĩa là “từ dùng để gọi tên các hoàng tử thời phong kiến”(11)) cũng chưa thật sát nghĩa với từ “king” (vua) như cách sử dụng của hai tác giả A.Kotaba và M.Matsuda trong công trình nghiên cứu của họ. Vì thế, nếu theo cách dịch của GS. Vĩnh Sính thì chưa thật chính xác.
Hơn thế nữa, khi dịch thành “Vạn Thọ Đại Vương điện hạ của nước An-nam” sẽ nảy sinh vấn đề hiện nay chưa biết đích xác nhân vật có tên “Vạn Thọ Đại Vương” này là ai trong lịch sử Việt Nam. Điều đó sẽ gây nhiều điểm mơ hồ không chắc chắn về văn bản này. Trong khi đó, xem lại các văn bản ngoại giao của Ryukyu trong các phần khác, ta sẽ thấy xuất hiện rất nhiều lần cụm từ “Majesty the King of the Country of Siam”,“ Majesty the King of the Country of Ryukyu”, “Majesty the King of the Country of Malacca”, trong nhiều thời điểm khác nhau từ 1464 đến 1481(12). Nếu như tất cả những cụm từ trên đều dịch là “Vạn Thọ Đại Vương điện hạ của nước...” e rằng có chỗ chưa hợp lý. Trong phần chú giải tên vua các nước trong công trình nghiên cứu của A.Kotaba và M.Matsuda, hai tác giả này cũng không đưa “Vạn Thọ Đại Vương” vào danh mục tên riêng của các vua đã được nhắc đến bằng những cụm từ trên trong các văn bản. Vì thế, có lẽ cách sử dụng cụm từ “Majesty the King of the Country of An-nam” của hai tác giả người Nhật Bản có nghĩa như một cách gọi có tính chất tôn xưng, trang trọng của triều đình Shuri dành cho vua nước ta thời kỳ đó. Và như vậy, có thể dịch cụm từ đó sang tiếng Việt là“Đức Vua An-nam vạn tuế” (giống như có thể dịch các cụm từ kia là “Đức vua Siam vạn tuế”; “Đức vua Malacca vạn tuế” hoặc “Đức vua Ryukyu vạn tuế”...). Khi đó, chúng ta có thể dễ dàng xác định người nhận bức thư này là vị vua nào trong lịch sử Việt Nam. Xác định được chính xác vị vua nhận bức thư này là “vua lợn” Lê Tương Dực cũng là một sự lý giải cho việc sau chuyến đi này, các đoàn thuyền của Ryukyu không đến Việt Nam nữa. Phải chăng đó cũng là do “uy danh” đầy tai tiếng của “vua lợn”?
Trong bài phát biểu của mình tại hội thảo khoa học “Quan hệ Việt-Nhật thế kỷ XV-XVII qua giao lưu gốm sứ” giáo sư Nhật Bản, Kin Seiki, đã cho rằng trong “Lịch đại bảo án” (Reikidai hoan) có ghi lại sự kiện về quan hệ của Ryukyu với “triều Lý - Trần (An-nam)”(13). Nghiên cứu sự phát triển của lịch sử Ryukyu và lịch sử Việt Nam cho thấy Ryukyu khó có khả năng thiết lập một mối quan hệ nào đó với triều Lý (1010-1225) và triều Trần (1225-1400) ở Việt Nam, vì mãi đến thế kỷ cuối XIV đầu thế kỷ XV, các thương thuyền của Ryukyu mới đến Trung Quốc rồi tiến xuống các cảng trong khu vực Đông Nam Á (sau khi qua nam Trung Quốc) và có thể ghé qua một nơi nào đó trên lãnh thổ Việt Nam để trao đổi hàng hoá, lấy nước ngọt hoặc tránh bão. Có lẽ nhà nghiên cứu Kin Seiki đã nhầm triều Lý - Trần ở Việt Nam là triều Hậu Lê sau này (1428 - 1789). Và hai tác giả A.Kotaba và M.Matsuda cũng chưa chính xác khi phiên âm chữ “Lê” của Việt Nam thành chữ “Li”. Nhưng đó chỉ là sự sai lầm trong phiên âm chữ Hán sang tiếng Anh, chứ không phải là sai lầm về kiến thức lịch sử. Bởi trong khi hai tác giả đó phiên âm thành chữ “Li” thì lại chua thêm chữ Hán ở đằng sau vẫn đúng là chữ “Lê”(14). Có thể khẳng định Ryukyu quan hệ với Việt Nam là vào triều Lê chứ không phải thời Lý - Trần như nhầm lẫn của một nhà nghiên cứu nước ngoài.
Về quà biếu của Ryukyu gửi tới nước ta: Qua thống kê và phân tích số vật phẩm của Ryukyu chuyển tặng các quốc gia Đông Nam Á, so sánh với số quà biếu gửi sang Đại Việt, có thể khẳng định Đại Việt là một đối tượng đặc biệt trong hoạt động ngoại giao và tặng quà của Ryukyu đầu thế kỷ XVI.
Trước hết là tặng vật lưu huỳnh: vua Ryukyu đã biếu tặng nước ta một số lượng lưu huỳnh lên đến 10.000 cân. Đây là điều đặc biệt bởi lưu huỳnh là một loại quà quý hiếm trong thời kỳ phong kiến (thường chỉ được vua Đại Việt sử dụng để làm quà triều cống tới hoàng đế đại Minh). Trong số các quốc gia Đông Nam Á, vào thời gian này, chỉ có Siam (Thái Lan hiện nay) là nước nhận được lưu huỳnh từ Ryukyu và được nhận một cách thường xuyên nhất. Nhưng khối lượng lưu huỳnh mà Siam vẫn nhận hàng năm lại ít hơn nhiều con số 1 vạn cân gửi tới Đại Việt năm 1509. Thường trong mỗi chuyến đi, Ryukyu duy trì lượng lưu huỳnh biếu tặng Siam 2.500-3.000 cân (duy nhất 1 lần vào năm 1425, khi Ryukyu gửi sứ thần đến Siam thiết lập lại mối quan hệ hai nước đã bị tạm ngưng trước đó mấy năm, thì số quà tặng lưu huỳnh này lên đến 5.000 cân).
Chắc chắn loại tặng vật đặc biệt này hàm chứa một sự đánh giá cao của Ryukyu đối với nước ta thời kì đó. Điều đó cũng phù hợp với hoàn cảnh nước ta thế kỷ XVI-XVII: chiến tranh liên miên nên lưu huỳnh là một trong những mặt hàng nhập khẩu chiến lược của Việt Nam. Đó cũng là sự giải thích cho số lượng quà biếu đặc biệt của Ryukyu gửi tới nước ta năm này với nhiều loại hình vũ khí khác nhau. Vũ khí Ryukyu gửi tới các nước khác thường là kiếm và dừng lại ở con số 5 thanh là nhiều nhất. Nhưng đối với nước ta, riêng về vũ khí có tới 6 loại và tổng cộng là 17 thanh kiếm, cùng 120 mũi tên. Điều này cho thấy Ryukyu đã có một sự nghiên cứu rất kĩ về tình hình trong nước và những nhu cầu cơ bản của triều đình Hậu Lê nước ta khi đó.
Lượng quà biếu thể hiện thái độ coi trọng nhất định của triều đình Ryukyu đối với quốc vương Đại Việt trong thời kì này. Đối với các quốc gia Đông Nam Á khác, khi giới thiệu thành viên phái bộ thường chỉ nêu tên Chánh (phó) sứ, thuyền trưởng, hoa tiêu, thông dịch viên và các thành viên khác nhưng không nói đến địa vị, phẩm hàm của người chịu trách nhiệm cao nhất. Nhưng trong văn bản gửi nước ta thì địa vị của Chánh sứ Trịnh Cửu (Tei Kyu) được nhấn mạnh ngay từ đầu bức thư. Xem xét sự khác biệt trong thể thức ngoại giao của văn bản này so với các văn bản gửi tới các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, có lẽ đó là một cách bày tỏ một thái độ tôn trọng đặc biệt đối với triều đình Đại Việt (cử một sứ đoàn cao cấp do quan đại thần dẫn đầu). Cũng có thể văn bản này được soạn thảo bằng một thể thức riêng, khác hẳn các văn bản khác do triều đình Shuri muốn tạo ra sự trang trọng hơn các mối quan hệ thông thường khác. Ở đây, có một sự cẩn thận, và chú trọng và rất tế nhị trong văn bản ngoại giao cũng như trong thái độ với nước ta.
Mặc dù trong Reikidai hoan chỉ có một văn bản ngoại giao của Ryukyu gửi tới Đại Việt, nhưng có thể thấy rằng nước ta đã nhận được một thái độ tôn trọng và sự ưu ái đặc biệt của triều đình nước này. Xuất phát điểm của tình cảm ấy vẫn còn là một vấn đề chưa rõ ràng, nhưng vẫn có thể khẳng định ngay từ những năm đầu tiên của thế kỷ XVI (thậm chí sớm hơn nữa), Việt Nam và Ryukyu đã có những mối quan hệ nhất định. Điều đó càng khẳng định tính chính xác của những ghi chép của người Trung Quốc trong một số tác phẩm như: “Minh sử”,“Hoàng Minh thực lục”. Những ghi chép ấy đều cho rằng quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đã bắt đầu từ cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI.
Dù sao đi nữa, chúng ta vẫn có thể cho rằng chắc chắn đã có một quan hệ nào đó giữa hai nước trong thời điểm trước chuyến đi này”(15). "Minh sử lục" cũng có những ghi chép khá sớm về mối quan hệ này: Minh sử lục ngày 3 tháng 2 năm Hồng Vũ thứ 8 (5 - 3 - 1375) có chép về việc các nước cùng đến triều cống nhà Minh nhằm tôn vinh uy quyền tuyệt đối của thiên tử nhà Minh, như Đại Việt, Campuchia, Thái Lan (Siam), San-fo-qi, Nhật Bản, Ryukyu, Bo-ni,...(16) chắc hẳn trong các chuyến đi triều cống như vậy sứ thần nước ta và sứ thần Ryukyu đã có những hoạt động giao tế nhất định. Nhà nghiên cứu George H.Kerr cũng cho rằng quan hệ Việt Nam và Ryukyu cũng được bắt đầu trong những chuyến triều cống của sứ thần hai nước(17).
Hơn thế nữa, Việt Nam nằm trên hệ thống buôn bán Bắc - Nam giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Trên hệ thống đó, trong suốt giai đoạn thế kỷ XV - XVI, các đoàn thuyền của Ryukyu đã qua lại khá thường xuyên. Vì thế, trong khi vẫn phải tiếp tục tìm thêm những chứng cớ xác thực bằng nguồn tài liệu chữ viết và khảo cổ học về hoạt động của các đoàn thuyền Ryukyu hoạt động tại vùng biển Việt Nam trong giai đoạn này thì chúng ta vẫn có thể đoán định rằng: vào thế kỷ XV- XVI, nhiều khả năng các đoàn thuyền Ryukyu đã ghé vào một hay một số thương cảng thuộc khu vực miền Bắc Việt Nam (trong đó thương cảng Vân Đồn được coi là một địa điểm đáng chú ý).
Giả thuyết này được đưa ra trên cơ sở số tặng vật mà Ryukyu biếu vua Lê chắc hẳn để đáp ứng nhu cầu bức thiết của chính quyền phong kiến lúc bấy giờ (nhà Lê rất cần thuốc súng và vũ khí để trấn áp các thế lực chống đối đang nổi loạn khắp nơi trên nước ta). Từ đó có thể suy ra rằng Ryukyu đã có kinh nghiệm và thông tin tương đối đầy đủ về hoàn cảnh Việt Nam trong thời gian đó. Theo Minh sử, Ryukyu đã cử 171 thuyền buôn sang Trung Quốc, 89 chuyến sang Annam, 37 chuyến sang Java, 19 chuyến tới Nhật Bản (18). Tính theo số lượng các phái bộ được cử đi từ thành Shuri, tư liệu trên cho thấy số thuyền Ryukyu đến Đại Việt lớn hơn hẳn so với các quốc gia Đông Nam Á khác, chỉ đứng sau Trung Quốc. Điều đó cho thấy quan hệ Việt Nam - Ryukyu có nhiều yếu tố đặc biệt so với các quốc gia Đông Nam Á khác.
Hơn thế nữa, qua những đợt khảo cổ học ở Okinawa, các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm thấy nhiều mảnh gốm sứ có nguồn gốc từ miền Bắc Việt Nam với niên đại thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI. Hiện nay, tại Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ tỉnh Okinawa, Bảo tàng Nakijin cũng như một số cơ sở nghiên cứu khác ở tỉnh này đã và đang lưu giữ một số lượng đáng kể hiện vật gốm sứ hoa lam của Việt Nam. Nhiều hiện vật được chế tạo công phu, mang tính thẩm mĩ cao. Qua so sánh, số hiện vật được tìm thấy ở Okinawa rất giống với sản phẩm của các lò gốm cổ Chu Đậu, Phù Lão và có thể cả Bát Tràng,... về cả hoa văn, màu nền cũng như kĩ thuật chế tác(19).
Tuy nhiên, các bộ chính sử của Việt Nam như “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”... đều không ghi lại sự kiện phái bộ Ryukyu đến nước ta vào năm 1509 cũng như không hề có một ghi chép nào về những sự kiện ngoại giao có thể diễn ra trước hoặc sau đó của Đại Việt có liên quan đến Ryukyu. Sau khi đến Đại Việt vào năm 1509, có nhiều khả năng Ryukyu không cử một phái bộ nào đến nước ta, cũng như không có quan hệ gì với nước ta nữa. Nguyên nhân có thể do tác động của tình hình thế giới và quan trọng nhất do tình hình chính trị hết sức phức tạp của Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XVI. Những rối ren đó đã gây bất lợi hoàn toàn cho việc duy trì quan hệ hai nước. Đại Việt rơi vào thế cục triều chính suy bại, thế nước rối loạn và suy yếu, “bọn hoạn quan thọc tay vào chính sự, kẻ ngoại thích mặc sức chuyên quyền, pháp lệnh phiền hà, kỉ cương rối loạn...”(20), hiển nhiên là các thương nhân ngoại quốc không thích một môi trường buôn bán phức tạp như thế.
Trong hoàn cảnh lịch sử như vậy, kinh tế Đại Việt rơi vào tình trạng suy thoái và bị triều đình phong kiến bỏ bê. Đặc biệt là ngoại thương càng bị hạn chế do sự nghi ngờ và ấu trĩ của triều đình phong kiến lúc đó. Ngày 26-4-1510, “Cục Mông nước Ai Lao sai sứ đến Nghệ An đệ bản tâu chạy trạm xin nộp cống quy phụ. Vua (nước ta) xuống chiếu khước từ, vì mới lấy được nước, sợ họ nhòm ngó nước ta”(21). Đó là hiện tượng phổ biến và trở thành nguyên tắc đối ngoại chung của các triều đại phong kiến Đại Việt trong thời kỳ lịch sử hỗn loạn này. “Ghi chép đó trong chính sử có thể coi là sự thể hiện quan điểm chung nhất của chính quyền phong kiến Việt Nam đối với vấn đề quan hệ quốc tế thời bấy giờ”(22). Có lẽ thái độ ngoại giao như thế của nước ta nên Ryukyu cũng không tiếp tục muốn thiết lập quan hệ với nước ta nữa.
Tuy vậy, chúng ta cũng có những tài liệu cho thấy sau 1509, giữa Đại Việt và Ryukyu vẫn có những mối liên hệ với nhau, tuy không phải là mối quan hệ bang giao trực tiếp nhưng dù là quan hệ gián tiếp thông qua mối liên hệ các “cống sứ” thì cũng tạo ra sự hiểu biết nhất định về nhau: trong các chuyến đi sứ đến Trung Quốc, các sứ thần nước ta vẫn luôn nổi danh trong số các sứ thần đến triều cống nhà Minh - Thanh. Trong cuốn “Chuyện đi sứ, tiếp sứ thời xưa”, chương IV - “Việc đi sứ, tiếp sứ thời Lê, Mạc, Lê Trung hưng”, tác giả Nguyễn Thế Long viết: “Ta không lấy làm lạ khi các sứ thần Đại Việt sang phương Bắc đều làm thơ, ngâm vịnh trên đường đi, trong khi giao tiếp với các quan lại địa phương, quan lại trong triều và với cả các sứ thần láng giềng như Lưu Cầu, Triều Tiên,...”(23). Lê Quý Đôn cũng là một vị sứ thần như thế, chắc chắn ông đã từng có những quan hệ giao tế mật thiết với sứ thần của Ryukyu: “Với học vấn uyên bác lịch lãm, Lê Quý Đôn còn làm cho cả sứ thần nước láng giềng như Lưu Cầu, Triều Tiên phải kính phục. Ông lại xây đắp thêm tình hữu nghị giữa hai nước bằng việc giới thiệu nền văn hiến nước nhà”(24).
Điều này cũng được chính ông nhắc đến: “Mùa đông năm Canh Thìn (1760), tôi đến Bắc Kinh, có sứ thần người Lưu Cầu là Trịnh Hiếu Đức và Thái Thế Xương đến quán xin được tương kiến, cả hai đều ngoài 20 tuổi...”(25). Như vậy, mặc dù Ryukyu không gửi các sứ thần đến nước ta nữa, nhưng chắc chắn hai nước vẫn có những mối liên hệ nhất định. Sau mỗi chuyến đi sứ đó, các “cống sứ” vẫn thường xuyên hỏi han, thư từ trao đổi với nhau.
Văn bản ngoại giao được gửi đến Việt Nam năm 1509 được coi là dấu ấn khẳng định một cách chắc chắn mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã được thiết lập vào đầu thế kỷ XVI (khi xét vị thế của Ryukyu là một hòn đảo của Nhật.
LÊ THỊ KHÁNH LY
No comments:
Post a Comment