CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Bài trích] Văn hóa là hệ thống các biểu tượng thông tin - xã hội

| | 0 nhận xét
Có nhiều cách tiếp cận văn hoá là do đứng ở nhiều góc độ khác nhau để nghiên cứu về lĩnh vực này, từ cách tiếp cận văn hoá theo kiểu “tinh thần luận”, “hiện tượng luận” cho đến kiểu “thao tác luận” v.v... Mỗi phương pháp tiếp cận lại có nhiều quan niệm, nhiều cách định nghĩa về văn hoá khác nhau. Song, nhìn chung những quan niệm khác nhau đó đều bộc lộ một điểm chung nhất - Văn hoá là lớp thăng hoa trên cái tự nhiên, của con người và xã hội loài người. Dưới góc độ của xã hội học thì văn hoá là sản phẩm của con người, là quan niệm về cuộc sống, tổ chức cuộc sống và là toàn bộ cách ứng xử của con người trong cuộc sống đó. Văn hoá chính là điểm hội tụ sáng nhất, là tinh hoa của trí tuệ loài người. Nó là cái để phân biệt giữa con người với con vật. Văn hoá được xem là một lĩnh vực đặc biệt của đời sống xã hội. Nó là trung tâm định hướng giá trị và điều tiết mọi hoạt động của con người, đồng thời còn là quá trình “nhân hoá” chính bản thân con người trong đời sống xã hội. Ngày nay, có hàng trăm cách xác định khoa học về văn hoá và nó được tiếp cận từ nhiều lĩnh vực khoa học, nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Điều đó cho thấy các nhà khoa học đã quan tâm rất nhiều đến vấn đề văn hoá. Qua lăng kính của xã hội học văn hoá và bằng phương pháp tiếp cận hệ thống để xem xét về bản chất xã hội của văn hoá ta có thể hình dung ra một số nhóm tiếp cận văn hoá khác nhau như sau. Nhóm mtVăn hoá như là thuộc tính bản chất của đời sống xã hội
a. Văn hoá là một thuộc tính của xã hội -Quá trình xã hội hoá cá nhân
Trường phái tâm lý học - xã hội cho rằng văn hoá như là quá trình xã hội hoá cá nhân trong đời sống xã hội. Quan điểm này đã nhấn mạnh vào tính chất di truyền xã hội, chính là khả năng học tập của con người. Nhiệm vụ chính của xã hội là phải định hướng và đưa mỗi cá nhân với tư cách là thành viên của nhóm hội nhập vào nền văn hoá chung của toàn xã hội. Kênh quan trọng nhất của quá trình này chính là kênh giáo dục. Ruth Bennedict đã nhận định rằng: “Văn hoá là lối sống mà con người học được chứ không phải là sự kế thừa sinh học” (1).
b. Văn hoá là một thuộc tính của nhân cách - Quá trình cá nhân hoá xã hội
Quan niệm của tâm lý học - xã hội cũng khẳng định nhân cách chính là bản chất của con người có trong đời sống xã hội và coi văn hoá như là một thuộc tính của nhân cách. Jean Ladriere cho biết: “Văn hoá là toàn thể những môn học cho phép một cá nhân trong một xã hội nhất định, đạt tới một sự phát triển nào đó về cảm năng, về ý thức phê phán và các năng lực nhận thức, các khả năng sáng tạo, nói gọn lại là đạt tới một sự nẩy nở nào đó nhân cách của hắn”(2).
Nhóm haiVăn hoá như là một dạng hoạt động của đời sống xã hội. Văn hoá là các dạng hoạt động trong hệ thống xã hội tổng thể
a. Văn hoá là các dạng hoạt động trong hệ thống xã hội tổng thể
Quan niệm của xã hội học đã coi văn hoá như là mặt cắt ngang của hệ thống xã hội tổng thể. Qua đó nhìn ra được toàn bộ sự vận động và những mối tương tác có trong đời sống xã hội. Nói khác đi quan niệm này đã xem hệ thống xã hội như là hệ thống văn hoá. Nhà xã hội học Herskovist trong cuốn “Man and his work” cho rằng “Văn hoá là lối sống của một tập đoàn người và xã hội là tập thể được tổ chức bởi các cá nhân tuân theo lối sống đó. Nói rõ hơn thì xã hội là tổ chức của con người, còn những hoạt động của họ là văn hoá” (3).
V. Dobrianốp nhà xã hội học Mácxít, người Bungaria cũng nhận định rằng: Bất cứ một xã hội nào cũng tồn tại bởi ba yếu tố hợp thành nên hệ thống tương tác xã hội, đó là: Hoạt động xã hội -Chủ thể xã hội -Quan hệ xã hội.
- Những dạng hoạt động xã hội cơ bản là: Hoạt động tái sản sinh ra loài -Hoạt động sản xuất vật chất - Hoạt động sản xuất tinh thần -Hoạt động giao tiếp -Hoạt động điều tiết (quản lý).
-Chủ thể xã hội bao gồm: Cá nhân - Nhóm - Thể chế xã hội - Xã hội tổng thể. - Quan hệ xã hội gồm có: Quan hệ sản xuất -Quan hệ tiêu dùng - Quan hệ trao đổi - Quan hệ phân phối (4)
b. Văn hoá là một dạng hoạt động đặc thù
- Hoạt động sáng tạo ra các sản phẩm văn hoá mang tính biểu tượng
Theo quan niệm của Đoàn Văn Chúc thì văn hoá được xem như một dạng hoạt động xã hội đặc biệt - Hoạt động rỗi - Hoạt động sản xuất và tiêu dùng các Tác phẩm văn hoá” mang tính biểu tượng, nhằm thoả mãn nhu cầu tinh thần của con người trong đời sống xã hội. Quan niệm này cho rằng: Trong bất kỳ thời đại nào, con người cũng đều dùng thời giờ cho bốn loại hoạt động sau đây: 1- Những hoạt động thuộc lao động sản xuất để bảo đảm sự sống còn cho cá nhân và xã hội. Đó là nghĩa vụ xã hội của mỗi người (hoạt động làm việc). 2- Những hoạt động thuộc quan hệ giao tiếp cá nhân trong đời sống xã hội. Đó là bổn phận xã hội của mỗi cá nhân (hoạt động giao tiếp). 3- Những hoạt động thoả mãn nhu cầu vật chất của con người (hoạt động sinh hoạt). 4- Những hoạt động thoả mãn nhu cầu tinh thần của con người (hoạt động vui chơi giải trí). Loại hoạt động thứ tư là dạng hoạt động diễn ra không nhiều trong ngày. Đó là thời giờ còn lại của mỗi người sau khi đã hoàn thành ba loại hoạt động trên. Đó là loại hoạt động mà cá nhân được hoàn toàn tự do lựa chọn theo sở thích để thực hiện nhằm thoả mãnnhu cầu giải trí -tái sáng tạo ra các giá trị văn hoá. Về tính chất, có thể gọi là hoạt động này làhoạt động rỗi - Hoạt động giải trí, nó diễn ra trong khoảng “thời gian rỗi” của mỗi người (5). Marx là người đầu tiên nhận thấy thời giờ rỗi là nơi đem lại giá trị cho con người. Marx viết:Tiết kiệm thì giờ lao động là tăng thêm thì giờ tự do, tức là thì giờ dành cho sự phát triển toàn diện của cá nhân, sự phát triển tác dụng trở lại sức lao động và làm tăng sức lao động. Về phương diện sự sản xuất trực tiếp, thì giờ tiết kiệm được có thể coi là dùng để sản xuất ra vốn cố định, một vốn cố định làm nên con người”.(Cơ sở của sự phê phán khoa kinh tế chính trị, nhà xuất bản Anthropos, Paris, 1967, tr.229 bản tiếng Pháp)(6). Bản chất của thời giờ rỗi là thời gian của sự hồi suy tái sáng tạo. Trong khuôn khổ của nhu cầu giải trí thì hình thức mang vác sự hồi suy là các “tác phẩm văn hoá” mang tính biểu tượng. Sự hồi suy là sự tự biểu hiện bản thân mình vào đời sống xã hội và điều đó mang lại sự thoả mãn nhu cầu sáng tạo - nhu cầu văn hoá của mỗi cá nhân với tư cách là thành viên sáng tạo của đời sống xã hội. Văn hoá được xem là hoạt động rỗi trong thời giờ rỗi.
Nhóm baVăn hoá như là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra
Quan niệm triết học về văn hoá đã nhấn mạnh vào hoạt động sáng tạo của con người trong lịch sử hình thành nên “hệ giá trị xã hội” và xem “hệ giá trị” như là cột trụ của văn hoá. “Văn hoá là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần được nhân loại sáng tạo ra trong quá trình hoạt động thực tiễn lịch sử - xã hội, các giá trị ấy nói lên trình độ phát triển của lịch sử loài người” (7). Theo các nhà triết học thì văn hoá là toàn bộ hệ thống các giá trị - xã hội do con người sáng tạo nên và theo nghĩa rộng nhất người ta có thể cho rằng bất cứ một thứ gì do con người làm ra đều thuộc về văn hoá. Với nhận thức như vậy thì văn hoá bao gồm cả hai lĩnh vực: Lĩnh vực văn hoá tinh thần như tư tưởng, ngôn ngữ, tín ngưỡng - tôn giáo, nghệ thuật, thi ca, ứng xử v.v.. thuộc về giá trị tinh thần. Còn lại là lĩnh vực văn hoá vật chất như nhà cửa, đường xá, cầu cống, quần áo, đèn, quạt, bàn ghế v.v.. và các đồ dùng vật chất khác đều thuộc giá trị vật chất. Cả hai lĩnh vực này của văn hoá đều nhằm vào sự thoả mãn toàn bộ những nhu cầu vật chất tinh thần của con người trong đời sống xã hội.
Nhóm bốnVăn hoá như là một tiểu hệ thống của toàn bộ hệ thống xã hội - tiểu hệ thống văn hoá tinh thần
Bằng cách tiếp cận văn hoá theo nghĩa hẹp (chuyên biệt) xem văn hoá như là tiểu hệ thống của hệ thống xã hội toàn diện, quan điểm này nhấn mạnh vào chiều cạnh tư tưởng thuộc phương diện văn hoá tinh thần của con người.
Văn hoá là phương diện tinh thần của thế giới nhân tạo, là toàn bộ yếu tố tinh thần ổn định có ở mỗi con người, hoặc nhóm người, gắn liền với cái gọi là “ký ức thế giới” hay “ký ức xã hội”. Chúng được vật thể hoá thành hiện vật văn hoá và thành ngôn ngữ” (Abrơham Môlơ)(8). Quan niệm này nhấn mạnh văn hoá chỉ là mặt biểu hiện của đời sống tinh thần, nhằm thoả mãn những nhu cầu tinh thần của con người trong đời sống xã hội. Từ đó có sự phân biệt giữa văn hoá vật chất -văn hoá kỹ thuật (Technical culture) với văn hoá tinh thần (Spiritual culture).
         -Văn hoá vật chất chỉ ra phương thức hành động của con người để tồn tại trong đời sống vật chất, thường được gọi là văn minh (civilisation). Mặt này luôn biến động theo đà phát triển của khoa học kỹ thuật.
                        -Văn hoá tinh thần bao gồm các lĩnh vực như: văn hoá - nghệ thuật, vui chơi giải trí, tôn giáo, tín ngưỡng, lối sống, phong tục, tập quán v.v... và những phương diện thuộc về trình độ ứng xử của con người được gọi là văn hoá (Culture). Hai mặt này cùng song song tồn tại và phát triển trong đời sống xã hội. Chúng luôn có mối quan hệ biện chứng và hổ tương với nhau. Văn hoá chính là hạt nhân cốt lõi và là linh hồn của văn minh. Lúc này văn hoá trở thành nền tảng tinh thần, là động lực tác động đến đời sống vật chất, thúc đẩy cho nền văn minh phát triển. Với cách nhìn như thế văn hoá được xem là một tiểu hệ thống của toàn bộ hệ thống xã hội.
                         Nhóm nămVăn hoá như là hệ thống các biểu tượng - thông tin xã hội
Cũng từ cách tiếp cận văn hoá theo nghĩa hẹp (chuyên biệt) quan niệm của trường phái xã hội học hiện đại xem văn hoá như là một tiểu hệ thống của hệ thống xã hội toàn thể - một bộ phận xã hội đặc biệt chuyên sản xuất ra các hệ thống biểu tượng thông tin (Symbol systems and the information) cho đời sống xã hội. Trong tác phẩm “Xã hội loài người” của: Gerhard Lenski, Partrick Nolan và Jean Lenski, các tác giả này đã đưa ra một mô hình xã hội toàn thể với năm thành phần căn bản của xã hội loài người. Đó là năm tiểu hệ thống xã hội cùng tồn tại tương đối độc lập, nhưng chúng lại có sự tác động hỗ tương với nhau trong một hệ thống chung đời sống xã hội. Năm tiểu hệ thống xã hội này tương ứng với năm yếu tố căn bản như sau: Dân số Sản xuất vật chất - Sản xuất và sử dụng các biểu tượng thông tin (văn hoá) - Tổ chức xã hội - Thể chế xã hội.
Toàn bộ hệ thống này được mô hình hoá như một khối hình trụ - biểu thị cho hệ thống xã hội toàn thể với năm đoạn cắt lát đều nhau, mỗi đoạn tương ứng với một yếu tố trong năm yếu tố căn bản nói trên. Phần đáy khối trụ là yếu tố Dân số, tiếp theo là các yếu tố khác, còn lại phần trên cùng khối trụ là yếu tố thể chế xã hội. Năm thành phần căn bản đó tạo nên năm tiểu hệ thống trong toàn bộ hệ thống xã hội. Ở mặt cắt ngang của tiểu hệ thống thể chế xã hội lại được chia cắt thành sáu phần đều nhau giống như các múi cam trong một quả cam. Chúng tương ứng với sáu thể chế xã hội cơ bản, đó là: Thể chế gia đình và dòng họ -thể chế kinh tế -thể chế giáo dục -thể chế chính trị -thể chế tôn giáo -các thể chế khác.
Sáu thể chế này cắt dọc khối trụ ra sáu phần đều nhau xuyên qua năm tiểu hệ thống xã hội căn bản. Như vậy ở mỗi tiểu hệ thống xã hội căn bản cũng bao hàm trong nó sáu mặt biểu hiện của sáu thể chế xã hội nói trên. Bằng cách tiếp cận hệ thống để tìm hiểu đời sống xã hội một cách toàn diện như vậy ta nhận thấy trong lòng của tiểu hệ thống văn hoá cũng bao hàm sáu mặt biểu hiện của văn hoá là: văn hoá - gia đìnhvăn hoá giáo dụcvăn hoá - kinh tế,văn hoá- chính trịvăn hoá - tôn giáo -văn hoá khác như văn hoá - nghệ thuật, văn hoá sinh thái v.v..(9).
Tóm lại, quan niệm của nhóm này đã xem văn hoá như là trung tâm của toàn bộ hệ thống xã hội. Nó chi phối và điều tiết tất cả mọi thể chế và cơ cấu xã hội khác bằng hệ thống các biểu tượng thông tin. Những giá trị -chuẩn mực và các khuôn mẫu hành vi” nằm trong lòng các biểu tượng thông tin đã tác động trở lại để điều tiết và định hướng giá trị cho toàn xã hội, thúc đẩy xã hội vận động và phát triển. Biểu tượng thông tin chính là hình thái biểu hiện của các giá trị xã hội. Có thể nói văn hoá là hệ thống các biểu tượng - thông tin xã hội.
-Với cách tiếp cận xem văn hoá như là hệ thống các biểu tượng - thông tin xã hội như trên, ta có thể nhận ra ngay có sự tương đồng trong các cách tiếp cận khác nhau về văn hoá. Tuy mỗi quan niệm có sự khác nhau về góc nhìn. Song, tựu trung mỗi cách tiếp cận đều có thể xem văn hoá như là một tiểu hệ thống đặc biệt của hệ thống xã hội toàn diện, chuyên sản xuất ra các hệ thống biểu tượng thông tin cho đời sống xã hội. Nói khác đi, tiểu hệ thống biểu tượng - thông tin xã hội chính là tiểu hệ thống văn hoá.
- Đối với quan niệm xem văn hoá như là thuộc tính bản chất của đời sống xã hội
thì yếu tố làm nên nhân cách của con người chính là quá trình xã hội hoá và cũng là quá trình văn hoá hoá của mỗi cá nhân thông qua các hệ thống biểu tượng - thông tin xã hội. Đó là hệ thống các “khuôn mẫu hành vi”, trong nó hàm chứa những giá trị và chuẩn mực xã hội cùng những kinh nghiệm đã được xã hội hình thành và thừa nhận nhằm giúp cho mỗi cá nhân có thể hội nhập vào nền văn hoá chung của toàn xã hội. Quá trình này chính là quá trình hình thành nhân cách của mỗi cá nhân trong đời sống xã hội. Nhân cách xã hội bao gồm những lề lối hành động của cá nhân đối với cộng đồng xã hội, thông qua những vai trò xã hội mà các cá nhân nhập vai theo đó mà hành động. Sự thực hiện các vai trò xã hội là sự biểu hiện nhân cách của hắn theo một “khuôn mẫu văn hoá” nào đó đã được biểu tượng hoá thành những biểu tượng - thông tin xã hội. Hệ thống biểu tượng - thông tin xã hội là tiểu hệ thống văn hoá.
-Đối với quan niệm cho rằng văn hoá như là một dạng hoạt động của đời sống xã hội
thì nhóm này nhận định chủ thể tương tác xã hội cũng chính là chủ thể văn hoá. Bởi lẽ, trong cùng một lúc anh ta đóng nhiều vai trò khác nhau, vừa là chủ thể sáng tạo đồng thời lại là khách thể nhận thức, vừa là người tiêu dùng lại là người sản xuất ra các sản phẩm văn hoá - một trong những sản phẩm của đời sống xã hội. Hoạt động xã hội ở đây không chỉ được xem là những hoạt động sản xuất ra các sản phẩm xã hội nhằm thoả mãn những nhu cầu cơ bản của đời sống xã hội mà còn là những hoạt động trao đổi, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm đó. Trong các dạng hoạt động này có hoạt động sản xuất tinh thần. Quan hệ xã hội cũng được xem xét một cách toàn diện như quan hệ giữa cá nhân với nhóm xã hội, quan hệ giữa trao đổi với phân phối, quan hệ sản xuất với tiêu dùng các sản phẩm xã hội, thông qua những thể chế xã hội. Trong đó quan hệ tiêu dùng mang nhiều đặc trưng văn hoá. Mô hình tương tác xã hội này đã trình ra những yếu tố cho sự phân tích toàn diện về các mặt biểu hiện khác nhau của các hệ thống cấu trúc, các cơ cấu, sự vận hành và sự phát triển của toàn bộ đời sống xã hội. Song qua mô hình này ta đã nhận thấy được trong năm tiểu hệ thống hoạt động xã hội cơ bản thì có thể coi hoạt động sản xuất tinh thần tương ứng với hoạt động sản xuất ra các hệ giá trị và chuẩn mực xã hội tạo thành các “khuôn mẫu hành vi” được đối tượng hoá trở thành hệ thống các biểu tượng - thông tin xã hội. Đó cũng chính là một tiểu hệ thống văn hoá.
         - Đối với quan niệm xem văn hoá như là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra, thì ta có thể xem các giá trị tinh thần là cái làm nên tiểu hệ thống văn hoá - trung tâm sản xuất ra hệ thống các biểu tượng - thông tin xã hội. Trong đó đã hàm chứa toàn bộ những giá trị - chuẩn mực và các “khuôn mẫu hành vi” của đời sống xã hội.
         - Riêng với quan niệm xem văn hoá như là một tiểu hệ thống đặc biệt của toàn bộ hệ thống xã hội thì nhóm này cho rằng văn hoá chỉ là mặt biểu hiện của đời sống tinh thần. Cho nên tiểu hệ thống xã hội đặc biệt này cũng được xem như là một tiểu hệ thống văn hoá, chuyên sản xuất ra hệ thống các “khuôn mẫu hành vi” trong nó đã hàm chứa toàn bộ cácgiá trị và chuẩn mực xã hội. Nó hình thành nên hệ thống các biểu tượng thông tin - xã hội nhằm giúp cho con người hoàn thiện các vai trò của mình trong đời sống - xã hội. Như vậy, có thể nói rằng mọi cách tiếp cận văn hoá cho dù có đứng ở góc cạnh nào để tìm hiểu về văn hoá đi chăng nữa, thì bản chất của văn hoá cũng không ngoài hệ giá trị và chuẩn mực xã hội, nó được “khuôn mẫu hoá” để trở thành những “khuôn mẫu hành vi”. Quá trình “khuôn mẫu hoá” cũng là quá trình “biểu tượng hoá” trở thành các “biểu tượng - thông tin xã hội” để tạo điều kiện cho mỗi cá nhân nắm bắt được nhanh chóng các giá trị và chuẩn mực xã hội. Qua đó giúp họ hoàn thiện và định hình nhân cách, để trở thành con người xã hội - con người có văn hoá (Cultured man)
Do cách tiếp cận của bài viết này xem văn hoá như là hệ thống các biểu tượng - thông tin xã hội, cho nên cần phải làm rõ ý nghĩa của hai khái niệm: Biểu tượng và thông tin nhằm làm sáng tỏ được các quan điểm nói trên .
L. White cho rằng: Văn hoá là cơ chế của các hiện tượng, vật thể, hành động, tư tưởng, cảm xúc. Cơ chế này được tạo ra nhờ việc sử dụng các biểu tượng hoặc phụ thuộc vào các biểu tượng đó” (10). Quan điểm này cho rằng văn hoá là sản phẩm của con người, cũng là dấu hiệu riêng chỉ có ở loài người. Đó chính là sự hiểu biết, tình cảm và trí khôn của con người được biểu hiện ra bằng hệ thống các biểu tượng nhằm phân biệt giữa người với vật. Một số nhà nhân học văn hoá gọi con người là động vật biết sử dụng biểu tượng Homo-symbolling.
- Vậy biểu tượng là gì ? - Có thể hiểu biểu tượng là hình ảnh tượng trưng được phô bày ra khiến người ta cảm nhận một giá trị trừu xuất nào đó. Từ điển La Rousse viết : “ Biểu tượng là dấu hiệu hình ảnh, con vật sống động, hay đồ vật biểu hiện một điều trừu tượng, nó là hình ảnh cụ thể của một sự vật hay điều gì đó”.
Biểu tượng bao gồm mọi dạng thức hình ảnh tác động chủ yếu đến thính giác và thị giácgây cho con người những rung động, cảm xúc về chúng theo nhiều mức độ khác nhau. Biểu tượng có mặt hầu hết trong các biểu hiện của cuộc sống. Thực chất, cuộc sống ngoài những nhận thức bằng tư duy lý tính mang tính logic, còn biết bao điều không thể hiểu biết trực tiếp được nên người ta đã dùng một vật môi giới làm trung gian để có thể hiểu được những điều khó hiểu. Ta gọi nó là biểu tượng (Les Symboles) như: “Hoa cúc” biểu tượng cho sự thủy chung ; “Bồ câu” biểu tượng của hoà bình; “Rùa” biểu tượng của sự trường tồn.” Hoa sen” biểu tượng cho sự thanh cao, “Cái bắt tay” biểu tượng cho tình hữu nghị v...v...
Biểu tượng mở rộng trường ý thức trong mọi lĩnh vực và được biểu hiện bằng nhiều hình thái khác nhau. Từ trong huyền thoại, tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội truyền thống, lối sống, phong tục, tập quán v.v... cho đến đời sống văn học nghệ thuật, quảng cáo, mỹ thuật. Người ta ngày càng tìm cách giải mã” ngôn ngữ biểu tượng để mở rộng sự hiểu biết và đi sâu vào thế giới thông tin, cũng là để làm chủ một năng lượng tinh thần” của một loại hình riêng biệt - siêu ngôn ngữ (super language). Biểu tượng còn là một hình thái ngôn ngữ đặc trưng của con người và là Tế bào” của văn hoá (L.White) cho nên, khi tìm hiểu về biểu tượng, cũng là đang tìm hiểu về văn hoá. Thế giới văn hoá chính là thế giới của biểu tượng (11)Quá trình tìm hiểu và nhận thức về biểu tượng là quá trình nắm bắt và truyền đạt các thông tin . Qua đó con người có thể nhận thức sâu sắc về đời sống của chính mình nhằm góp phần biến đổi một cách lớn lao trong sự phát triển toàn diện về nhân cách của anh ta. Vì thế biểu tượng có một chức năng chung nhất là sự điều tiết và định hướng trở lại đời sống. Đó là tính văn hoá của biểu tượng. Theo toàn thư quốc tế về phát triển văn hoá (International Thesauruss on Cultural Development) Unesco đã định nghĩa như sau: Văn hoá là một tập hợp hệ thống các biểu tượng quy định thế ứng xử của con người và làm cho một số đông người có thể giao tiếp được với nhau, liên kết họ thành một cộng đồng riêng biệt(12)Cách tiếp cận văn hoá theo nghĩa hẹp của Unesco không có sự đối lập hoàn toàn với cách tiếp cận văn hoá khác. Bởi ở góc độ nào đó để nghiên cứu về văn hoá đi chăng nữa thì văn hoá không ngoài ý nghĩa là toàn bộ sự hiểu biết của con người tích luỹ được trong quá trình hoạt động thực tiễn - lịch sử được đúc kết thành các giá trị và chuẩn mực xã hội. Hệ giá trị xã hội biểu hiện thông qua hệ thống các biểu tượngBiểu tượng là đơn vị cơ bản của văn hoá, nó làm nên toàn bộ đời sống văn hoá và chi phối mọi hoạt động của con người trong đời sống xã hội. Văn hoá được xem là hệ thống các biểu tượng - thông tin xã hội.
Điểm then chốt không thể thiếu được trong văn hoá là phải có sự truyền đạt thông tin. Nghĩa là phải có được sự cụ thể hoá, phải có nguồn gốc lịch sử và được lịch sử chọn, đồng thời phải được truyền bá và được vận hành trong lòng đời sống xã hội. Hệ thống văn hoá một mặt là kết quả của hành vi, mặt khác là điều kiện của hành vi của con người .
- Về khái niệm thông tin (Information) đó là những hình ảnh phản ánh về một sự vật hiện tượng nào đó có trong thế giới chung quanh, nói khác đi nó là một dạng đặc biệt của sự vận động xã hội. Những thông tin được truyền đi cho nhau biết thuộc mọi lĩnh vực của đời sống con người. Quá trình này được thông qua một vật trung gian đó là các biểu tượng văn hoá. Các biểu tượng luôn có năng lực chuyên chở các thông tin. Nó giúp cho mọi người có thể nắm bắt nhanh những ý nghĩa những giá trịchuẩn mực xã hội, mà các phương tiện khác khó có thể thực hiện được Bằng những kinh nghiệm đã trải qua cùng với trình độ hiểu biết của bản thân mỗi con người mà họ có thể rút ra được nhiều hơn về những thông tin còn chìm khuất trong lòng biểu tượng. Bởi lẽ, biểu tượng cho phép mỗi cá nhân tiến hành sự suy nghĩ và phát huy nhiều hơn về tính liên tưởng khi tiếp cận với nó. Biểu tượng có năng lực bày tỏ rất nhiều về mặt ý nghĩa, vì bản thân nó mang nhiều đặc tính huyền ảo, tính phức tạp và tính đa nghĩa với nhiều dạng vẻ khác nhau tương ứng với sự từng trải và vốn sống của mỗi con người. Từ đó có thể có sự khác nhau trong việc “giải mã ” các biểu tượng và sự khác nhau trong chiều nhận thức, về sự tiếp nhận thông tin của mỗi cá nhân, của nhóm và cả cộng đồng dân tộc. Mỗi dân tộc đều có quyền chọn lựa cho mình những thông tin mang tính giá trị định hướng sao cho có sự phù hợp đối vớitruyền thống văn hoá và quyền lợi của dân tộc mình. Hệ thống biểu tượng và sự đa dạng của các thông tin bao trùm hết cả đời sống văn hoá xã hội. Tuy nhiên vẫn phải tuân thủ theo một chiều hướng nào đó, dường như có sự tổ chức, có sự sắp đặt theo một khuôn mẫu định sẵn đã và đang tồn tại trong cộng đồng - xã hội. Cho nên, mọi ứng xử, mọi suy nghĩ, mọi hành động xã hội đều bị chi phối bởi khuôn mẫu định sẵn đó - Khuôn mẫu văn hoá truyền thống - nguyên tượng (Archetypes).


NGUYỄN VĂN HẬU
>> [Tạp chí] Nghiên cứu Văn hóa số 1 (tháng 6-2010) - Đại học Văn hóa Hà Nội

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel