1.1. Các quy định của Hiến pháp và
pháp luật trong việc bảo vệ người dân tộc thiểu số tại Việt Nam .
Bảo vệ quyền con người nói chung và người dân tộc thiểu số, người tàn tật nói
riêng, trong những việc tư pháp hình sự, bao gồm các giai đoạn điều tra, truy
tố, xét xử, thi hành án và cả trong quá trình giam giữ, cải tạo phạm nhân bảo
đảm nguyên tắc mọi hành vi phạm tội đều được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm
minh, song cũng không được làm oan người vô tội và bỏ lọt kẻ phạm tội. Người
phạm tội phải được đưa ra xét xử và phải chịu hình phạt tương xứng đối với hành
vi phạm tội mà họ đã gây ra. Tuy nhiên, mục đích của hình phạt không phải chỉ
là trừng trị mà trong luật hình sự Việt Nam mục đích của hình phạt còn mang
tính giáo dục, cải tạo, răn đe và phòng ngừa tội phạm và mục đích này được coi
trọng và ưu tiên hàng đầu. Đây chính là yêu cầu cơ bản để bảo đảm quyền con
người nói chung và người dân tộc thiểu số, người tàn tật nói riêng trong nhà
nước pháp quyền XHCN.
Việt Nam
là một quốc gia có 54 dân tộc. Trên 10 triệu dân trong tổng số trên 80 triệu
đân Việt Nam, thuộc 53 dân tộc ít người, chiếm 13,8% so với tổng số dân, sống
xen kẽ nhau, tập trung chủ yếu ở các vùng núi, đặc biệt là vùng Tây Bắc, Tây
Nguyên và Tây Nam Bộ. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng,
phong phú của nền văn hóc Việt Nam. Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng chính sách
dân tộc, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc, coi đó là một trong những
nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Điều 5 Hiến pháp Việt Nam
năm 1992 nêu rõ: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng
sinh sống trên đất nước Việt Nam
Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ
giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
Các đân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản
sắc dân tộc và phát huy những phong tục tập quán, truyền thống và văn hoá tốt
đẹp của mình.
Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng
bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu
số". Điều 54 của Hiến pháp cũng nêu
rõ "Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã
hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ
18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử
vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật".
Các quy định trên của Hiến pháp đã được thể chế và cụ thể trong các văn bản
luật khác nhau. Trong pháp luật tố tụng hình sự, vấn đề bảo vệ quyền con người
(bao gồm cả người dân tộc thiểu số và người tàn tật) được quy định tại rất
nhiều các điều luật khác nhau như:
- Điều 4 "tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công
dân";
- Điều 6 "Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân";
- Điều 7 "bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài
sản của công dân;
- Điều 8 "bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và
bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân";
- Điều 9 "không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội
của Toà án đã có hiệu lực pháp luật";
- Điều 11 "bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can,
bị cáo"...
Bên cạnh những quy định chung nhất về bảo vệ quyền lợi của công dân, thì Bộ luật
tố tụng hình sự cũng có những quy định riêng về bảo vệ người dân tộc thiểu số
cụ thể như:
Tại Điều 5 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định " Tố
tụng hình sự tiến hành theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp
luật, không phân biệt dân tộc, nam nữ, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội.
Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật". Chính quy
định tại Điều 5 đã cụ thể hoá và khẳng định quyền bình đẳng của mọi công dân
trước pháp luật như quy định tại Điều 52 Hiến pháp năm 1992. Theo đó:
Người nào đã phạm tội, thì dù họ là ai, cũng phải bị xử lý theo pháp luật hình
sự, chứ không được"xử lý nội bộ".
Việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự đều tiến hành theo
thủ tục, trình tự thống nhất do luật tố tụng hình sự quy định, không có ngoại
lệ vì lý do dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội của người
bị hại hoặc của bị can, bị cáo.
Mọi người tham gia tố tụng đều được hưởng những quyền và thực hiện những nghĩa
vụ trong tố tụng ngang nhau.
Tại Điều 133 Hiến pháp nước ta quy định: "Toà án nhân dân bảo
đảm cho công dân nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc các dân tộc quyền dùng
tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trước Toà án". Đây
không chỉ là sự thể hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, mà còn là
một trong những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, Tại Điều 24 Bộ luật
hình sự đã quy định "Tiếng nói và chữ viết trong tố tụng hình
sự là tiếng Việt. Người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết
của dân tộc mình, trong trường hợp này cần phải có phiên dịch".
Tuy mọi hoạt động tố tụng hình sự, được tiến hành bằng tiếng Việt, nhưng để bảo
vệ quyền của người dân tộc thiểu số thì cả Hiến pháp và luật tố tụng hình sự
đều cho phép người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng không biết tiếng Việt
được tham gia vào các hoạt động tố tụng và phát biểu trong phiên toà bằng tiếng
dân tộc của mình, thông qua phiên dịch. Các cơ quan tiến hành tố tụng có trách
nhiệm bảo đảm cho những người tiến hành tố tụng (như Hội thẩm nhân dân) hoặc
người tham gia tố tụng (bị can, bị cáo, người bị hại, người làm chứng...) được
quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết của mình trong mọi hoạt động tố tụng như đề
nghị, khiếu nại, phát biểu... bằng tiếng và chữ viết mà họ thông thạo, cũng như
bảo đảm có phiên dịch. Tại Điều 226 Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định “…nếu
bị cáo không biết tiếng Việt thì sau khi tuyên án, người phiên dịch phải đọc
lại cho bị cáo nghe toàn bộ bản án sang thứ tiếng mà bị cáo biết”.
Những quy định của Hiến pháp và luật tố tụng hình sự như trên đã bảo đảm cho bị
can, bị cáo thực hiện tốt quyền bào chữa, tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội
và mọi công dân tích cực tham gia vào hoạt động tố tụng và nâng cao ý nghĩa
giáo dục của hoạt động tố tụng hình sự. Thực hiện nguyên tắc về tiếng nói và
chữ viết trong tố tụng hình sự cũng chính là những quy định bảo vệ quyền của
người dân tộc thiểu số trong việc bảo đảm sự bình đẳng của mọi công dân trước
pháp luật và Toà án. Việc để người dân tộc thiểu số, được dùng tiếng nói và chữ
viết của dân tộc mình tham gia tố tụng hình sự chính là điều kiện để họ có thể
biểu đạt được hết những suy nghĩ, biện minh cho hành vi vi phạm của mình và
cũng là điều kiện để cơ quan và người tiến hành tố tụng có căn cứ xác định được
sự thật khách quan của vụ án, từ đó áp dụng pháp luật một cách chính xác nhất
trong việc giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
1.2. Những quy định của Hiến pháp và pháp luật trong việc
bảo vệ người tàn tật và người có nhược điểm về thể chất và tinh thần.
Hiện cả nước ta có khoảng 5,4 triệu người tàn tật, chiếm 6,34% dân số cả nước.
Trong đó có tới 97,64% số người chưa qua dạy nghề và chỉ có khoảng 58% người
tham gia làm việc, còn lại khoảng 30% chưa có việc làm và mong muốn có việc
làm. Trong số người tàn tật ở Việt Nam hiện nay có đến 35,58% người
tàn tật bị mù chữ, tập trung vào các vùng nông thôn.
Đối với người tàn tật ở Việt Nam cũng có những quy định cụ thể mang tính nguyên
tắc như tại Hiến pháp 1992 và Hiến pháp sửa đổi năm 2001 tại Điều 67 đã khẳng
định “… người già, người tàn tật trẻ mồ côi không nơi nương tựa được
Nhà nước và xã hội giúp đỡ”. Quy định này tại Điều 67 của Hiến pháp đã
được cụ thể hóa khi Quốc hội nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành
các văn bản pháp luật quan trọng như: Bộ luật Lao động năm 1994 và Pháp lệnh về
người tàn tật năm 1998. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ người tàn tật cúng được quy
định rõ tại Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995. Theo quy định tại Điều 1 Nghị
định 81 thì định nghĩa về người tàn tật được hiểu như sau: “người
tàn tật là người mà khả năng lao động bị suy giảm từ 21% trở nên do tàn tật, được
Hội đồng giám định y khoa xác nhận”
Tuy nhiên qua nghiên cứu thì thấy nếu định nghĩa như vậy thì mới măng nặng ý
nghĩa y tế, chưa nêu được sự mất mát hoặc tình trạng bị hạn chế các cơ hội tham
gia của người tàn tật vào cuộc sống cộng đồng ở mức độ tương đương với các cá
nhân khác nhau, có mức độ tàn tật khác nhau ví dụ: cùng bị tàn tật ở tay nhưng
mức độ tổn hại giữa một người lao động bình thường với một người họa sỹ hoặc
nghệ sỹ dương cầm là có sự khác nhau.
Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng hình sự lại không hề có bất cứ một quy định nào liến
quan đến việc bảo vệ người tàn tật, mà chỉ có quy định tại Điều 57 Bộ luật tố
tụng hình sự có quy định bảo vệ người có nhược điểm về tâm thần và thể chất
trong những trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa trong hoạt động tố tụng
hình sự.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 57 BLTTHS thì trọng mọi trường hợp nếu bị can,
bị cáo là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì các cơ quan tiến
hành tố tụng phải có trách nhiệm yêu cầu đoàn Luật sư phân công người bào chữa
cho họ, nếu không có người bào chữa trong trường hợp này là vi phạm nghiêm
trọng luật tố tụng hình sự. Việc quy định như vậy, đã thể hiện chính sách của
Nhà nước trong việc bảo vệ quyền của người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể
chất khi họ tham gia tố tụng hình sự, không để họ có sự bất lợi khi tham gia tố
tụng hình sự.
2. Thực tiễn xét xử đối với người dân tộc thiểu số, người
tàn tật, người có nhược điểm về tâm thần và thể chất trong thời gian qua.
Như phần trên đã phân tích, do tập tục và truyền thống lâu đời nên người dân
tộc thiểu số thường tập trung ở những vùng rừng núi, Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông
Bắc và Tây Nam Bộ nên việc xét xử người dân tộc thiểu số phạm tội cũng thường
tập trung ở các Toà án tại các địa phương kể trên, đối với các vùng còn lại,
việc các Toà án xét xử người dân tộc thiểu số phạm tội là rất ít, mà chỉ xét
xử những trường hợp người tàn tật hoặc người có nhước điểm về tâm thần
hoặc thể chất. Tuy việc xét xử đối với những đối tượng trên không nhiều, song
trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và việc xét
xử của Toà án nói riêng trong thời gian qua đã bảo đảm đầy đủ các quy định của
pháp luật trong việc bảo vệ người dân tộc thiểu số, người tàn tật hoặc người có
nhược điểm về tâm thần và thể chất. Người dân tộc thiểu số khi tham gia vào
hoạt động tố tụng luôn được bẩo đảm về sự bình đẳng, được sử dụng ngôn ngữ và
chữa viết của dân tộc mình thông qua các phiên dịch. Những người có nhược điểm
về tâm thần hoặc thể chất cũng luôn có người đại diện, người bào chữa để bảo
đảm quyền lợi của họ trước pháp luật, không có bất kỳ sự phân biệt, kỳ thị nào
đối với những đối tượng phạm tội này. Đây chính là sự tuân thủ tuyệt đối của
các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc áp dụng các quy định của pháp luật nói
chung và Luật tố tụng hình sự nói riêng trong việc bảo vệ người dân tộc thiểu
số, người tàn tật hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
3. Một số vướng mắc và kiến nghị
3.1. Những vướng mắc trong việc bảo vệ quyền của người dân
tộc thiểu số.
Tuy Luật tố tụng hình sự cũng đã có những quy định cụ thể trong việc bảo vệ
quyền của người dân tộc thiểu số, song thực tế hiện nay vấn đề này cũng đã nảy
sinh nhiều vướng mắc khi vận dụng và áp dụng pháp luật giải quyết các vấn đề về
tố tụng hình sự liên quan đến người dân tộc thiểu số. Đó là sự nhận thức về
pháp luật còn hạn chế và không đồng đều trong cộng đồng người dân tộc thiểu số,
cũng như sự tồn tại song song giữa pháp luật của Nhà nước và các luật tục của
đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay tại các vùng có nhiều người dân tộc thiểu
số sinh sống thì luât tục vẫn tồn tại và có một vị trí quan trọng trong việc
điều chỉnh các mối quan hệ trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, ở
mỗi dân tộc thiểu số khác nhau lại có những luật tục riêng, thể hiện bản sắc,
đặc trưng riêng của dân tộc mình, luật tục được các thành viên trong cộng đồng
nghiêm chỉnh tuân theo một cách tự giác. Những người vi phạm luật tục cũng đồng
nghĩa với việc xúc phạm đến thần linh, đến đức tin của cả cộng đồng. Luật tục
có những giá trị nhất định cần được bảo tồn song cũng có những hủ tục cần phải
loại bỏ, nhưng cho tới nay chúng ta chưa thể loại bỏ được dẫn đến các quy định
của pháp luật về bảo vệ người dân tộc thiểu số cũng không được coi trọng và khó
áp dụng. Ví dụ luật tục Ê Đê có đoạn "... cây le đang đâm chồi
thế mà họ chặt mất ngọn, cây lồ ô đang đâm chồi thế mà họ chặt mất đọt. Nếu mà
người ta bắt được họ đem cho người tù trưởng nhà giàu, thì chân họ tất phải
trói lại ngay, tay của họ tất phải xiềng lại ngay...". Luật
tục như vậy, theo quy định của BLHS là bắt người trái pháp luật, đã xâm phạm
đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Hay tục nối dây của đồng bào Ê Đê,
người Chăm Roi quy định khi người vợ chết người chồng muốn tái hôn phải lấy một
người con gái trong gia đình vợ có thể là em, có thể là chị vợ, có thể người đó
còn rất ít tuổi hoặc rất nhiều tuổi, luật tục này có thể dẫn đến vi phạm chế độ
hôn nhân và gia đình... Chính sự tồn tại của những luật tục còn bảo lưu những
yếu tố lạc hậu lỗi thời có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, đến tình cảm trong cộng
đồng các dân tộc cùng chính là những vướng mắc trong việc bảo vệ quyền của
người dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
3.2. Đối với người tàn tật hoặc người có nhược điểm về tâm
thần hoặc thể chất.
Như trên đã phân tích, hiện Bộ luật tố tụng hình sự không có bất cứ quy định
riêng nào bảo vệ người tàn tật. Những quy định liên quan đến người tàn tật chỉ
được quy định tại Bộ luật lao động và trong pháp lệnh người tàn tật, Nghị định
81 của Chính phủ, còn người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất cũng chỉ
được quy định tại khoản 2 Điều 57 Bộ luật TTHS. Song cho đến nay, cũng chưa có
bất cứ văn bản nào hưỡng dẫn một cách cụ thể để hiểu như thế nào là người có
nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất! thực tế xét xử hiện nay chũng ta vẫn coi
những người bị mù, câm, điếc là những người có nhược điểm về thể chất, còn
nhược điểm về tâm thần khì rất khó phân biệt. Chính vì vậy, việc bảo vệ quyền
của người tàn tật và người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất là rất khó
vận dụng nếu không cẩn thận có thể dẫn đến oan sai hoặc để lọt tội phạm đối với
những trường hợp được coi là người có nhược điểm về tâm thần.
3.3. Một số kiến nghị.
- Cần có chính sách, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật một cách phù
hợp nhất đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong việc loại bỏ những hủ tục lạc
hậu, lỗi thời ảnh hưởng đến sức khoẻ và quyền tự do của người dân tộc thiểu số.
- Cần có những quy định riêng trong luật tố tụng hình sự khi xử lý về trách
nhiệm hình sự đối với người dân tộc thiểu số, người tàn tật.
- Cần có quy định cụ thể và văn bản hướng dẫn rõ ràng trong việc xác định như
thế nào là người có
nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Tiến sĩ. Phạm Minh Tuyên
Phó Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh.
nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Tiến sĩ. Phạm Minh Tuyên
Phó Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh.
No comments:
Post a Comment