CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

Đề tài: Nghiên cứu đặc điểm sinh thái nhân văn cộng đồng dân cư vùng cao phục vụ phát triển bền vững KT-XH

| | 0 nhận xét
Chủ nhiệm đề tài: Đặng Hồng Tư
Đơn vị thực hiện: Ban dân tộc và Tôn giáo tỉnh Cao Bằng
Thời gian thực hiện: 2003

I. MỤC TIÊU
Cao Bằng có 8 dân tộc chính, trong đó có 4 dân tộc sống tập trung ở vùng cao, mỗi dân tộc có bản sắc riêng, phương thức canh tác, lối sống, tập quán, tín ngưỡng, luật tục thể hiện thế giới vật chất và tinh thần của người dân vùng cao được đúc kết từ khả năng thích nghi, qua những biến đổi và kinh nghiệm thực tế cuộc sống. Trải qua quá trình lịch sử, tính chủ động cộng với sự cần cù sáng tạo đã tạo nên sự đa dạng về cấu trúc kinh tế và được kết tinh trong nền văn hoá của mỗi dân tộc. Tuy nhiên để hoà nhập với nhịp sống chung của toàn vùng, các cộng đồng dân cư vùng cao cũng phải nâng cao điều kiện sống về vật chất và tinh thần của con người bằng phát triển sản xuất, cải tiến quan hệ xã hội, nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá. Vì vậy Ban Dân tộc và Tôn giáo Cao Bằng đã thực hiện đề tài với mục tiêu: Nghiên cứu, đánh giá đặc điểm sinh thái nhân văn cộng đồng dân cư vùng cao tỉnh Cao Bằng, từ đó đề xuất một số chiến lược chủ yếu phục vụ cho phát triển bền vững KT – XH, môi trường sinh thái nông thôn vùng cao giai đoạn CNH – HĐH.

II. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
1. Đặc điểm sinh thái tự nhiên Cao Bằng
Một trong những đặc điểm riêng của Cao Bằng là có tính đa dạng về điều kiện sinh thái, mỗi vùng có những đặc điểm sinh thái khác nhau, có địa hình bị chia cắt phức tạp với nhiều dãy núi xen kẽ nhau, phân tách bởi các thung lũng hẹp. Trên vùng cao Cao Bằng phân bố nhiều hệ sinh thái khác nhau, tạo điều kiện phát triển nguồn tài nguyên động thực vật đa dạng, là nguồn khai thác tự nhiên của đồng bào vùng cao.
2. Đặc điểm nhân văn vùng cao Cao Bằng:
- Đặc điểm nhân văn các dân tộc vùng cao: Trong số các dân tộc sinh sống ở Cao Bằng có 4 dân tộc sống tập chung chủ yếu ở vùng cao là Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ cùng với sự phát triển của nền kinh tế, cộng đồng các dân tộc vùng cao cũng phát triển, nhất là về số lượng. Mỗi dân tộc có bản sắc riêng, một thiết chế xã hội cộng đồng được hình thành, tồn tại và phát triển đã tạo nên những giá trị văn hoá, kiến thức và kinh nghiệm truyền thống phong phú. Phương thức canh tác, lối sống, tập quán, tín ngưỡng, luật tục thể hiện thế giới vật chất và tinh thần của người dân vùng cao được đúc kết từ khả năng thích nghi qua những biến đổi và kinh nghiệm thực tế cuộc sống nhiều đời.
Các dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ vùng cao đã chuyển sang một loại hình kinh tế mới là kinh tế sản xuất, tức là tác động vào đối tượng sản xuất để làm ra của cải vật chất nuôi sống con người, tuy nhiên trình độ phát triển không đồng đều. Dân tộc Mông, Dao tương đối phát triển, biết làm lúa nước từ lâu đời, cải tạo ruộng bậc thang để gieo trồng lúa nước, lúa nương. Dân tộc Lô Lô, Sán Chỉ chủ yếu là canh tác nương rẫy dựa vào thiên nhiên và theo phương thức chặt, đốt, chọc, trỉa.
- Đặc điểm tâm lý sản xuất, tâm lý tiêu dùng của cộng đồng dân tộc mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ: Các dân tộc vùng cao Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ có những tâm lý truyền thống đặc thù, đặc biệt là tâm lý sản xuất, phân bố ở vùng cao nên họ canh tác chủ yếu trên các nương rẫy, ruộng cũng có nhưng rất ít, sản phẩm trên nương rẫy là các loại cây lương thực và thực phẩm thiết yếu hàng ngày.
Về tâm lý tiêu dùng chợ vùng cao là tụ điểm văn hoá của đồng bào các dân tộc, bà con vùng cao đến chợ chủ yếu là mua sắm những vật dụng, hàng hoá cần thiết phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, ngoài ra phiên chợ vùng cao còn là nơi để gặp gỡ, giao lưu, thăm hỏi...
- Đặc điểm văn hoá tín ngưỡng và tôn giáo:
Đối với người Dao quan trọng nhất là nghi lễ đám cưới, ngoài ra còn có lễ mừng thọ, nghi lễ tang ma, lễ cấp sắc... Cũng như nhiều dân tộc khác đối với người Dao hướng nhà là một yếu tố quan trọng tác động đến tâm lý của các thành viên sống trong gia đình. Người Dao có tín ngưỡng đa thần và mọi lĩnh vực của đời sống cộng đồng chịu sự chi phối của những tín ngưỡng đó, người Dao quan niệm rằng nơi cư trú bao giờ cũng có một vị thần cai quản mà cả làng phải có trách nhiệm thực hiện những nghi thức cầu cúng và kiêng kỵ nhất định.
Dân tộc Mông cũng như các dân tộc khác, các nghi lễ truyền thống có sự ảnh hưởng pha trộn những nét văn hoá của dân tộc khác. Làng người Mông thường thờ thổ công, nơi thờ là một gốc cây to hoặc cạnh một tảng đá lớn, nhưng không làm miếu thờ mà chỉ thắp hương vào ngày mùng 3 hoặc mùng 4 tết, khi có đám ma, đám cưới trong làng.
ở người Lô Lô hình thức hôn nhân là một vợ một chồng. Mỗi bản Lô Lô đều có một khu rừng cấm, nơi trú ngụ của thổ công vì thế họ kiêng chặt cây, đốt rừng ở đây, hàng năm đồng bào làm lễ cúng thổ công cầu cho mùa màng tốt tươi, chuột bọ không phá hại, cúng xong họ nghỉ làm việc trong ba ngày.
3. Mối quan hệ giữa sinh thái nhân văn với dân cư và các tác động quan hệ tự nhiên, xã hội vùng cao Cao Bằng trong giai đoạn CNH – HĐH:
Nhìn chung cộng đồng các dân tộc MôngN, Dao, Lô Lô, Sán Chỉvốn có truyền thống đoàn kết gắn bó, đùm bọc lẫn nhau, ý thức dân tộc rất rõ nét, trung thực, thật thà và thường sống tập trung thành chòm xóm, bản làng hoặc theo dòng họ và có sự đan xen giữa các dân tộc. Từ năm 1994 trở về trước đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào còn quá khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, du canh, du cư, đốt rừng làm nương rẫy diễn ra rất phức tạp... Trong những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, đời sống của đồng bào vùng cao đã được cải thiện đáng kể cả về vật chất lẫn tinh thần.
4. Các giải pháp nâng cao sinh lực và trí lực của dân cư để từng bước ổn định cuộc sống, nâng cao mức hưởng thụ về vật chất, tinh thần cho dân cư vùng cao Cao Bằng:
Có chính sách đảm bảo cho con em các gia đình nghèo cũng có điều kiện được học tập, ưu tiên đào tạo bồi dưỡng, sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ cơ sở, đặc biệt là những khu vực có vị trí quan trọng và nhạy cảm về kinh tế, chính trị, vùng sâu, vùng xa. Sớm ban hành các cơ chế chính sách để khuyến khích các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, tự lực phấn đấu vươn lên thoát khỏi đói nghèo một cách bền vững.
Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết tương trợ, cùng phát triển giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc vùng cao phát triển. Tôn trọng lợi ích truyền thống văn hoá, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng và kinh nghiệm dân gian của các dân tộc vùng cao để phát triển KT – XH. Các chính sách KT – XH phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số ở vùng cao.
Tích cực củng cố, đổi mới, xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở vùng cao, đây là vấn đề chiến lược có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ CNH – HĐH ở vùng cao Cao Bằng.
Thường xuyên tuyên truyền gíao dục chính trị và truyền thống cách mạng cho đồng bào dân tộc thiểu số, vận động đồng bào thực hiện tốt đường lối chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel