CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

Xây dựng mô hình chăm sóc dinh dưỡng sớm cho trẻ em tại 2 xã tỉnh Cao Bằng năm 2003-2004

| | 0 nhận xét
Chủ nhiệm đề tài: Bs Lê Thị Tuyết Chinh
Đơn vị thực hiện: Trung tâm Bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em – KHHGĐ
Thời gian thực hiện: Năm 2005

I- ĐẶT VẤN ĐỀ
Suy dinh dưỡng protein năng lượng là vấn đề dinh dưỡng cộng đồng quan trọng nhất trên thế giới, hiện nay đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, đặc biệt là các nước đang phát triển. Nghèo đói và thiếu kiến thức là nguyên nhân gốc rễ cuả suy dinh dưỡng (SDD). Trẻ em là đối tượng chính của SDD, nếu không can thiệp kịp thời thì quãng thời gian phát triển nhanh nhất và quan trọng nhất ( thời kỳ bào thai và 5 năm đầu tiên) sẽ trôi qua và các hậu quả do SDD không có cơ hội hồi phục được. Phòng chống suy dinh dưỡng (PCSDD) không chỉ có ý nghĩa cho sự phát triển thể chất và trí tuệ cho trẻ mà còn có ý nghĩa nâng cao chất lượng dân số, nòi giống của dân tộc và xây dựng nguồn lực trong tương lai của một đất nước.
Thực hiện chiến lựơc dinh dưỡng quốc gia, thực hiện chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (PCSDDTE) quốc gia, Cao Bằng đã triển khai chương này tại 100% số xã trong toàn tỉnh. Qua 5 năm thực hiện, chương trình đã đạt được những kết quả khích lệ: mạng lưới PCSDDTE đã được xây dựng, củng cố đến tận thôn, bản. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE)  đã giảm đáng kể từ 41,5% năm 1999 xuống còn 30,2% năm 2004. Tuy nhiên tỷ lệ SDDTE ở tỉnh ta vẫn ở mức rất cao (trên 30%) so với qui định của WHO và so với các tỉnh, thành trong cả nước (xếp thứ 43/61 Tỉnh, Thành). Do vậy phấn đấu giảm tỷ lệ SDDTE xuống dưới 20% vào năm 2010 vẫn còn là một thách thức lớn đối với điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn như tỉnh ta, đòi hỏi phải có sự nỗ lực lớn của mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội chứ không chỉ riêng của ngành y tế.
Xuất phát từ những cơ bản trên, Viện dinh dưỡng Trung ương chỉ đạo tỉnh yêu cầu TTBVSKBMTE – KHHGĐ đơn vị đầu mối chỉ đạo, thực hiện về chuyên môn kỹ thuật chương trình PCSDDTE của tỉnh nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để thúc đẩy việc giảm nhanh và giảm bền vững tỷ lệ SDDTE dưới 5 tuổi trong toàn tỉnh.

II- MỤC TIÊU
Hiện nay, tỷ lệ SDDTE ở tỉnh Cao Bằng là 30.2% còn ở mức rất cao so với quy định của WHO. Trong những năm gần đây tỉnh Cao Bằng đã có nhiều cố gắng để hạ thấp tỷ lệ SDDTE, chương trình này đã được triển khai toàn tỉnh, nhưng trong triển khai còn nhiều bất cập: Tỷ lệ SDDTE cao tập trung ở các xã đặc biệt khó khăn vùng cao, biên giới, công tác xã hội hoá chưa cao, chưa huy động được nguồn lực tại cộng đồng, phong tục tập quán dinh dưỡng lạc hậu, sự chuyển đổi hành vi chăm sóc dinh dưỡng rất chậm, đặc biệt là các hộ gia đình chưa biết sử dụng các sản phẩm sẵn có tại địa phương để PCSDD cho trẻ.

Giải pháp hàng đầu được đề ra là song song với công tác xoá đói giảm nghèo công việc có thể làm ngay để PCSDD cho trẻ em là: tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục phổ biến các kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ có con dưới 5 tuổi, khuyến khích các hộ gia đình tự tạo ra nguồn thực phẩm tại chỗ và sử dụng nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng (đỗ tương, lạc, vừng…) dễ chế biến, rẻ tiền, sẵn có tại địa phương để PCSDD cho chính con em mình.
III- KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
 1. Khái quát đặc điểm tình hình chung của tỉnh Cao Bằng.
Cao Bằng là một trong 7 tỉnh miền núi phía bắc đặc biệt khó khăn. Diện tích 6.690,72 km2  với 311 km đường biên giới Việt -Trung, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Tỉnh gồm 13 huyện, thị, 189 xã, phường trong đó có 130 xã đặc biệt khó khăn. Dân số 504.240 người gồm có 95,3% là dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Hoa, Sán chỉ, Lô Lô và một số dân tộc ít người khác, chỉ có 4,7% là dân tộc Kinh. Đời sống đồng bào vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn, một số nơi phong tục tập quán còn lạc hậu, trình độ dân trí thấp. Mạng lưới y tế Cao Bằng đã được kiện toàn đến tận thôn bản. Tuy nhiên trình độ chuyên môn của cán bộ y tế và cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị y tế còn nhiều bất cập chưa đáp ứng đủ nhu cầu bảo vệ chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ngày càng cao.
 Hiện nay, tổng số trẻ em dưới 5 tuổi toàn tỉnh là 43.000 trẻ, số trẻ dưới 2 tuổi là 16.500 trẻ. Tỷ lệ SDDTE  là 30.2% còn ở mức rất cao so với quy định của WHO. Tỷ lệ SDD phân bố không đồng đều tập trung ở các vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Phong tục tập quán chăm sóc sức khoẻ SDD cho trẻ em dưới 5 tuổi còn lạc hậu. Công tác xã hội hoá PCSDDTE chưa cao. Giảm tỷ lệ SDDTE vẫn còn là một thách thức lớn, không chỉ riêng với ngành y tế mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.
2- Khái quát đặc điểm tình hình chung của 2 xã thực nghiệm.
Đề tài nghiên cứu này chúng tôi đã lựa chọn xã Thông Huề huyện Trùng Khánh và xã Lũng Nặm huyện Hà Quảng là 2 xã có điều kiện KT-XH và tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi đại diện cho 2 vùng sinh thái cơ bản của tỉnh, cụ thể là:
Xã Thông Huề là một xã vùng đồng, có diện tích tự nhiên là 1.368 ha với tổng số hộ gia đình là 459 hộ, dân số 2.053 người trong đó: số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 540 người; phụ nữ có chồng là 288; tổng số trẻ dưới 5 tuổi là 135 trẻ. Tỷ lệ SDDTE dưới 5 tuổi trước triển khai mô hình là 28,5%. Xã có 2 dân tộc chủ yếu là dân tộc Tày và dân tộc Nùng, gồm 11 xóm hành chính, xóm xa nhất cách trung tâm xã 5 km, có chợ thị tứ tại phố Thông Huề là nơi giao lưu kinh tế, văn hoá xã hội của các xã phía nam huyện Trùng Khánh. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp. Tổng số hộ nghèo còn 47 hộ chiếm 10%. Thông Huề mang tính đại diện cho các xã vùng đồng có tỷ lệ SDDTE dưới 30%.
Xã Lũng Nặm huyện Hà Quảng là một xã vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn. Diện tích tự nhiên là 2.773 ha với tổng số hộ gia đình là 264 hộ, dân số 1.489 người trong đó: số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 330 người; phụ nữ có chồng là 280; tổng số trẻ dưới 5 tuổi là 132 trẻ. Tỷ lệ SDDTE dưới 5 tuổi trước triển khai mô hình là 50,4%. Xã có 2 dân tộc chủ yếu là dân tộc H,Mông và dân tộc Nùng, gồm 16 xóm hành chính xóm xa nhất cách trung tâm xã 10 km. Xã Lũng Nặm rất khó khăn trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp do thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, giao thông đi lại rất khó khăn. Tổng số hộ nghèo còn 61 hộ chiếm 23%. Đặc điểm kinh tế xã hội của xã Lũng Nặm mang tính đại diện cho các xã vùng III đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ SDDTE dưới 5 tuổi trên 40%.

 IV- KẾT LUẬN
 Phòng chống SDDTE là một vấn đề xã hội được Đảng và Nhà nước rất quan tâm trong chiến lược phát triển con người, để đảm bảo chất lượng nguồn lực trong tương lai. Giảm tỷ lệ SDDTE là một mục tiêu đã được đưa vào nghị quyết của Tỉnh Đảng bộ Cao Bằng lần thứ XV và Nghị quyết HĐND tỉnh Cao Bằng khoá XIV và là một chỉ tiêu chính trong nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương. Với tầm quan trọng và ý nghĩa đó ban chỉ đạo PCSDDTE tỉnh, đã thực hiện đề tài trên và cơ bản đáp ứng được mục tiêu đã đề ra, cụ thể:
- Các hoạt động tăng cường công tác truyền thông giáo dục dinh dưỡng, ký cam kết gia đình không có trẻ SDD và vận động các gia đình làm VAC hoặc ô dinh dưỡng…đã nâng cao kiến thức và từng bước cải thiện hành vi chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em của nhân dân địa phương. Khuyến khích hộ gia đình chủ động PCSDD cho con em mình bằng khả năng sẵn có của gia đình.
  - Sữa đậu nành là một sản phẩm giàu dinh dưỡng, rẻ tiền, dễ chế biến, dễ sử dụng, dễ tiêu hoá, phù hợp với điều kiện kinh tế của các gia đình. Hiệu quả sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng từ đậu tương (sữa đậu nành) đã cải thiện rõ rệt tình trạng dinh dưỡng của trẻ, góp phần giảm nhanh tỷ lệ SD DTE
 - Các hoạt động chăm sóc dinh dưỡng sớm tại 2 xã Thông Huề và Lũng Nặm đã chứng minh đây là một mô hình, một giải pháp phù hợp, khả thi và hiệu quả trong công tác PCSDDTE tại tỉnh Cao Bằng. Mô hình này có thể áp dụng rộng rãi cho toàn tỉnh để nâng cao chất lượng PCSDTE, góp phần giam nhanh và bền vững tỷ lệ SDDTE của Tỉnh.

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel