Trước đây, đồng
bào dân tộc Khmer ở thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) điều kiện sản xuất, đời
sống còn gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, triển khai Chương trình 135
giai đoạn II đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc
Khmer của thành phố, đồng thời thay đổi cả cách nghĩ, cách làm của bà con. Ông
bà ta thường quan niệm “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, lời dạy này được nhiều hộ đồng
bào Khmer áp dụng. Nuôi trâu đã trở thành tập tục và là niềm yêu thích của nhiều
gia đình. Ở ấp Thạnh Phú, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, việc nuôi trâu đã là
nguồn thu nhập chính và ổn định của nhiều bà con. Ấp Thạnh Phú được đầu tư vốn
xây dựng mô hình làm kinh tế tập thể theo Chương trình 135 giai đoạn II, với tổng
kinh phí 50 triệu đồng. Địa phương đã chọn 10 hộ dân tộc tham gia mô hình này
và dùng số tiền trên để mua trâu.
Ông Danh Sóc là một trong 10 hộ tham gia tổ
hợp tác nuôi trâu của ấp Thạnh Phú. Nhờ nuôi trâu mà hơn năm qua, gia đình người
nông dân không ruộng đất này có nguồn thu nhập ổn định. Chỉ 2 năm trước, gia
đình ông chủ yếu sống bằng nghề làm thuê theo mùa vụ, lúc có việc người ta mới
thuê làm, không ổn định nguồn thu. “Nhận trách nhiệm chăm sóc trâu, nhà tôi có
được việc làm ổn định, tới mùa vụ cha con tôi lấy công dẫn trâu đi kéo lúa cho
xóm giềng, một vụ thu nhập hơn chục triệu đồng” - ông Danh Sóc khẳng định.
Hỏa Lựu có trên 400 hộ dân tộc Khmer trong
tổng số 1.569 hộ dân toàn xã, nhiều nhất so với những xã, phường khác của thành
phố Vị Thanh. Trong đó, có 3/6 ấp được thụ hưởng từ Chương trình 135 giai đoạn
II, đó là ấp Thạnh Phú, Thạnh Trung, Thạnh Lợi. Chương trình 135 giai đoạn II
(2006-2010) đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã
hội vùng đồng bào dân tộc của xã. Bộ mặt nông thôn xã ngày càng chuyển biến rõ
rệt. Trong khoảng thời gian thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, xã được đầu
tư xây dựng 3 tuyến lộ giao thông nông thôn thuộc 3 ấp với tổng chiều dài
4.000m; sửa chữa, nâng cấp nhà thông tin ở hai ấp Thạnh Lợi và Thạnh Phú. Không
chỉ thay đổi diện mạo quê hương mà chương trình đã làm thay đổi tích cực đời sống
của đồng bào dân tộc Khmer nơi đây. Ông Hồ Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Hỏa Lựu
cho biết: “Nhiều chính sách hỗ trợ từ Chương trình 135 giai đoạn II đã thực
sự tác động vào đời sống của đồng bào dân tộc. Trong đó, hiệu quả nhất vẫn là
hình thức hỗ trợ chăn nuôi. Ngoài mô hình nuôi trâu, trên địa bàn còn có mô
hình nuôi lươn mang lại hiệu quả cao. Một số hộ Khmer chuộc được đất và có phương
tiện để sản xuất, kinh doanh. Đời sống đồng bào đã khá lên nhiều so với trước”-
. Được thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn II đã giúp xã Hỏa Lựu giảm đáng kể
tỷ lệ hộ dân tộc nghèo từ 135 hộ (năm 2006) xuống còn 87 hộ (cuối năm 2010),
góp phần giảm hộ nghèo thành phố Vị Thanh từ 428 hộ (năm 2006) xuống còn 235 hộ
(năm 2010).
Nhờ triển khai các chương trình đến từng đối
tượng được thụ hưởng nên thành phố quản lý tương đối tốt và hiệu quả nguồn đầu
tư từ Chương trình 135 giai đoạn II. Ông La Thanh Long, Quyền Trưởng Phòng dân
tộc thành phố Vị Thanh, cho biết: “Năm 2010, Chương trình 135 giai đoạn II cơ bản
đã kết thúc nhưng thành phố vẫn tiếp tục triển khai những chính sách còn lại
theo Quyết định của Chính phủ. Trong đó, hỗ trợ trực tiếp cho hộ dân tộc nghèo
vùng khó khăn để mua giống cây trồng, vật nuôi, thuốc thú y và muối i-ốt; hỗ trợ
học sinh con đồng bào dân tộc tiền học tập; nước sinh hoạt tập trung bằng thùng
đựng nước nhựa,... Ông Long cho biết thêm, thành phố đang triển khai hỗ trợ
công trình nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào dân tộc Khmer ở ấp 7, xã Vị
Tân với số tiền hơn 1,1 tỉ đồng. Đường ống dẫn nước sẽ được kéo với chiều dài
4,354km, phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch cho 300 hộ dân trên tuyến, trong đó
có 205 hộ Khmer được thụ hưởng chính sách này.
Hồng Diễm
Hồng Diễm
No comments:
Post a Comment