CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Bài trích] Giải quyết việc làm - giải pháp nhằm Giảm nghèo bền vững

| | 0 nhận xét
Những năm qua, nhờ có những chính sách đầu tư, ưu đãi của Nhà nước, kinh tế vùng dân tộc và miền núi đã có sự tăng trưởng và phát triển đáng kể, đời sống của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, để giảm nghèo có tính bền vững, vấn đề việc làm là nhiệm vụ cần phải tập trung giải quyết trong thời gian tới.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2009, dân số nông thôn ở nước ta là khoảng 60,4 triệu người, chiếm 70,4% dân số cả nước; lao động nông thôn có khoảng 33,5 triệu người, trong đó lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ước khoảng 15 triệu người. Cũng theo số liệu thống kê, lao động nông thôn có việc làm là khoảng 32,8 triệu người, trong đó lao động là đồng bào dân tộc thiểu số hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 90,6%; hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng là 5,3% và thương mại, dịch vụ là 4,1%. Trong số lao động có việc làm ở nông thôn, có tới 70% làm việc cho gia đình, chỉ có 30% làm công ăn lương; đồng bào dân tộc thiểu số làm việc cho gia đình là 88% và làm công ăn lương chỉ chiếm 12%. Nhìn chung, trình độ chuyên môn và văn hóa của lao động là người dân tộc thiểu số chưa cao, ở vùng dân tộc và miền núi tỷ lệ thanh niên dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa cấp tiểu học vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể do đó đào tạo nghề và tạo việc làm cho những đối tượng này phần lớn chỉ đào tạo nghề ở bậc sơ cấp hoặc trung cấp dẫn đến cơ hội để tìm việc làm rất hạn chế. Bên cạnh đó, năng lực lao động của người dân tộc thiểu số còn thấp do chưa có nhiều kinh nghiệm sản xuất, quyền tự quyết phương án sản xuất kinh doanh còn hạn chế, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Thực tế hiện nay vùng dân tộc, miền núi không hấp dẫn các nhà đầu tư do cơ sở hạ tầng còn thấp kém. Bên cạnh đó, năng lực đầu tư phát triển các loại hình doanh nghiệp của người dân địa phương còn hạn chế do thiếu vốn đầu tư, thiếu trang thiết bị kỹ thuật, trình độ, chuyên môn kỹ thuật của lao động là thanh niên dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Hệ thống trường dạy nghề và cơ sở đào tạo nghề chưa đầy đủ và toàn diện về quy mô ngành nghề và phân bố không đồng đều ở các vùng. Nếu so với mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2006 - 2010 thì quy mô các trường hiện nay mới chỉ đáp ứng được 48% yêu cầu và tuyển sinh dạy nghề dài hạn mới chỉ đáp ứng được 35%. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho lao động vùng miền núi, dân tộc thiểu số khó tiếp cận được với việc làm nhất là lĩnh vực phi nông nghiệp và lao động yêu cầu chất lượng cao.

Thời gian qua, việc dạy nghề và tạo việc làm đã trở thành vấn đề chiến lược phát triển nguồn nhân lực của nhà nước ta. Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay tổng dư nợ trong lĩnh vực này là 89.461 tỷ đồng. Thông qua đó đã giúp hàng triệu người nghèo có việc làm. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hiện nay, một số chính sách đã không còn phù hợp về nội dung, định mức về cơ chế thực hiện; chưa có chính sách gắn với phát triển chung và gắn với giải quyết việc làm; chưa có chính sách ưu đãi, khuyến khích cụ thể cho đối tượng lao động là người dân tộc thiểu số tạo việc làm trong đó có chính sách vay vốn; chưa có chính sách khuyến khích thu hút các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi sử dụng lao động tại chỗ...

Để giảm nghèo bền vững thời gian tới cần phải bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc miền núi và vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, cần phải phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa; Nhà nước cần tiếp tục tăng cường đầu tư cho khu vực nông nghiệp đi đôi với cơ cấu đầu tư cho vùng dân tộc và miền núi; đẩy mạnh công nghiệp chế biến, nông lâm thủy sản, phát triển các loại hình ngành nghề, thủ công truyền thống, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội có việc làm cho lao động là người dân tộc; bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm, chính sách cho vay vốn để tạo việc làm đối với dân tộc thiểu số; cần có các chính sách ưu đãi để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, vùng nông thôn và sử dụng lao động tại địa phương; nhằm giải quyết việc làm cho lao động miền núi và vùng dân tộc thiểu số cũng như giúp người dân thoát nghèo.
                                                                 Hà  An

>> Thông tin Công tác Mặt trận số 104 (2-2012)

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel