CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Bài trích] TP. Hồ Chí Minh thực hiện tốt chính sách dân tộc - tôn giáo

| | 0 nhận xét
  TP.Hồ Chí Minh hiện có 25 dân tộc anh em, trong số đó đông nhất là dân tộc Kinh, rồi đến người Hoa. Theo số liệu của Cục Thống kê thành phố, số người Hoa tại TP. Hồ Chí Minh hiện có trên 485.000 người (chiếm 6,69% dân số toàn thành phố, chiếm trên 1/2 số đồng bào người Hoa cả nước). Thành phố gần như có đông đủ các tôn giáo hoạt động, đặc biệt là bà con theo đạo Thiên Chúa giáo tập trung khá đông so với cả nước. Bà con có đạo sống rải rác ở khắp thành phố, trong đó tập trung ở các quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú. Sau hơn 10 năm triển khai Chỉ thị 62- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, các cấp, các ngành của thành phố đã có những việc làm thiết thực, cụ thể tạo điều kiện giúp bà con các dân tộc và đồng bào các tôn giáo ổn định cuộc sống và tham gia đóng góp vào phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội ở địa phương.
 Thành phố hiện có nhiều loại hình tôn giáo, như: Phật giáo (cả tiểu thừa và đại thừa), Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Islam, Hồi giáo.... Có tôn giáo đã có lịch sử hàng trăm năm cùng với khi thành lập thành phố Sài Gòn (ngày 8-1-1877). Trải qua 2 cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc, cùng với hơn 30 năm xây dựng đất nước, tính từ ngày giải phóng đến nay, bà con các tôn giáo nói trên đã có nhiều đóng góp rất xứng đáng vào sự nghiệp phát triển của thành phố nói riêng, của dân tộc nói chung, đưa đất nước phát triển đi lên.
Trên mảnh đất lịch sử này, không ít bà con theo đạo Phật, Thiên chúa, Hòa Hảo, Cao Đài… với truyền thống yêu nước đã từng đối đầu và đấu tranh với các chính sách tàn bạo của chính quyền Mỹ - Diệm những năm 1960 - 1963. Mặc cho nhiều nhà chùa, nhà thờ, nơi thờ tự bị địch đốt phá, bị khủng bố... song bà con theo các tôn giáo vẫn hiên ngang, gan dạ dám nuôi giấu cán bộ cách mạng, bộ đội ta để góp phần đưa cuộc kháng chiến anh hùng của dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn. Có những nhà chùa như chùa Phong Phú tại quận 9 còn đào cả hầm bí mật ngay sau nơi thờ tự để giấu bao cán bộ ta an toàn.
Đến nay, bà con các dân tộc, tôn giáo vẫn luôn thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hết lòng vì người nghèo, luôn sống tốt đời và đẹp đạo. Đây là những tâm điểm mà Đảng bộ, chính quyền thành phố, Thường trực Uỷ ban MTTQ thành phố đã chỉ đạo thống nhất trong toàn địa bàn với bà con tôn giáo, dân tộc. Từ chủ trương của Trung ương khi thực hiện Pháp lệnh về Tín ngưỡng - Tôn giáo; Chỉ thị 62-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về công tác vận động người Hoa, cùng với sự chỉ đạo của Thành ủy, Uỷ ban MTTQ thành phố và Mặt trận Tổ quốc của 24 quận, huyện đã tham mưu cho Thành uỷ chỉ đạo thống nhất về hoạt động công tác tôn giáo, dân tộc với những việc làm cụ thể trên từng địa bàn.
Thành uỷ thành phố đã ban hành nhiều chủ trương cụ thể, đáp ứng nhu cầu đời sống sinh hoạt của bà con các dân tộc và các tôn giáo như: Ban công tác người Hoa của thành phố tổ chức khảo sát các chuyên đề về Hội quán của người Hoa tại quận 5, 6, 10, 11... Qua khảo sát về chính sách, chế độ cho giáo viên, học sinh trong công tác dạy tiếng Hoa, ta thấy hiện bà con được dạy 2 thứ tiếng cho học sinh các trường. Với các Hội quán, qua hoạt động công tác nói trên cũng giúp cho làm tốt hơn công tác nhân đạo, giáo dục lòng yêu nước, rèn luyện bản chất cách mạng tốt đẹp cho thế hệ trẻ của bà con người Hoa, Chăm, Khơmer...
Hoặc với bà con dân tộc những vùng còn khó khăn, những hộ thuộc diện quá nghèo, Thành uỷ thành phố đã chỉ đạo Uỷ ban nhân dân từ các phường, xã, thị trấn nơi bà con cư trú, giúp đỡ bà con về xây dựng nhà tình thương, vốn liếng làm ăn, chỉnh trang nơi thờ tự, nghĩa trang, giúp đồng bào yên tâm hành đạo và phát triển kinh tế gia đình.
Việc tu sửa thánh thất, nơi thờ tự của bà con tôn giáo thành phố là vấn đề nhạy cảm, nên luôn được các cấp chính quyền quan tâm. Chính quyền và các ban, ngành thành phố luôn tạo các điều kiện thuận lợi cho bà con thực hiện đúng Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, mặc dù đây là vấn đề rất dễ xảy ra sự nghi ngờ, không gặp nhau giữa các cấp chính quyền địa phương và giới chức sắc các tôn giáo. Kết quả chỉ trong 3 năm gần đây, các họ đạo Thiên Chúa giáo, Tin lành, cũng như các nhà thờ đồng bào Chăm, Cao Đài, Hoà Hảo... đã được các cấp chính quyền cho quy hoạch nơi thờ tự, cấp phép kịp thời để tu sửa, xây dựng mới các nơi thờ tự đảm bảo trang nghiêm, khang trang, sạch sẽ.
Với bà con theo đạo Phật của người Hoa đang sinh sống tập trung tại 22/24 quận, huyện; đa số theo Phật giáo và thờ cúng ông bà. Nhìn chung bà con theo các tôn giáo, mà đông đảo nhất là bà con người Hoa đều đã biết phát huy cao độ các yếu tố kinh tế, văn hoá đặc sắc của mình đóng góp cho sự phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội thành phố.
Các hội quán của 18 dòng họ, dòng tộc người Hoa di cư sang Việt Nam từ các tỉnh Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây... Tính đến nay đã hơn 300 năm, trong sinh hoạt, bà con vẫn giữ được những nét đặc sắc về tiếng nói, phong tục, tập quán..., nhất là những nét sinh hoạt tôn giáo, văn hoá đậm chất dân gian người Hoa. Các Hội quán đã được UBND Thành phố công nhận là những di tích tiêu biểu, trong đó như Hội quán Ôn Lăng quận 5 đã được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia. Thông qua hình thức sinh hoạt Hội quán, với 106 đội nhóm hoạt động nghệ thuật của người Hoa trong thành phố vẫn duy trì tốt các loại hình văn hoá; thu hút đông đảo bà con vào các loại hình nghệ thuật mang tính quần chúng sôi nổi, nhất là dịp các ngày rằm tháng giêng, rằm tháng 7, mùng 5 tháng 5, tết Nguyên đán hàng năm. Thành phố đã khuyến khích các cá nhân tiêu biểu người Hoa, các dân tộc khác, cũng như bà con tôn giáo tham gia vào Uỷ ban MTTQ, các hội, đoàn thể, vào hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan, đơn vị các quận, huyện và thành phố. Cụ thể 2 năm qua đã có 398 đại biểu là người Hoa được hiệp thương cử vào Uỷ ban MTTQ các cấp; 103 người Hoa được kết nạp vào Đảng; 35 cán bộ là người Hoa được dự bị các chức danh và đã được thành phố đưa đi đào tạo để sớm bổ sung vào các chức danh chủ chốt tại địa phương; 9 cán bộ là người Hoa được quy hoạch thuộc diện Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh quản lý đã được Ban Tổ chức Thành uỷ đưa đào tạo toàn diện về quản lý hành chính, quản lý kinh tế, chính trị, ngoại ngữ... trong đó có nhiều người được cử đi đào tạo ở trong và ngoài nước về chương trình 300 tiến sĩ, thạc sĩ bằng ngân sách thành phố. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác dân tộc, công tác tôn giáo; Chỉ thị số 62-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh đã có chương trình hành động cụ thể, sát thực tế với tình hình một thành phố đông bà con người dân tộc, có nhiều loại hình tôn giáo tập trung.
Tạo ra những chuyển biến trong đồng bào dân tộc, tôn giáo bằng những chủ trương, chính sách cụ thể, rõ ràng, sát với lòng dân luôn là một tiêu chí để thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị 62-CT/TW; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Đó là những tư tưởng lớn về độc lập và tự do mà tháng Tám của 66 năm về trước, nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn đã kết đoàn, vùng lên để giành lấy chính quyền về tay nhân dân²
                                                                                       Phạm Bá Nhiễu

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel