CON NGƯỜI CHỈ THỰC SỰ CHINH PHỤC ĐƯỢC THIÊN NHIÊN KHI BIẾT CÁCH TUÂN THỦ NÓ

[Bài trích] Phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư ở Lai Châu

| | 0 nhận xét
Lai Châu là một tỉnh miền núi cao biên giới, sau hơn 5 năm chia tách thành lập và đi vào hoạt động, đến nay tỉnh Lai Châu vẫn còn là một trong những tỉnh nghèo và khó khăn nhất của cả nước, kinh tế ở điểm xuất phát thấp, cơ sở hạ tầng thấp kém, lạc hậu; trình độ dân trí thấp và không đồng đều; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và các tai nạn, tệ nạn xã hội ở một số địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch với âm mưu "Diễn biến hoà bình"luôn lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để lôi kéo một bộ phận nhân dân nhẹ dạ, cả tin di cư tự do, theo đạo trái pháp luật, nhằm gây mất ổn định chính trị, chống phá và chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.
Thực hiện Đề án "Xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư" do Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì thực hiện, cùng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên đã có ý nghĩa rất quan trọng trong việc truyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao sự hiểu biết về kiến thức pháp luật, ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống của nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu.
Ngay sau khi Đề án được triển khai thực hiện, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định số 39/2006/QĐ-UBND, ngày 25/5/2006 về thực hiện chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn giai đoạn (2006 - 2010). Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh Lai Châu đã xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án "Xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư giai đoạn 2006 - 2010"  gắn với việc thực hiện nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, các câu lạc bộ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ hoà giải ở khu dân cư.
Qua viêc triển khai, thực hiện Đề án, đã tổ chức được 2.076 cuộc với 41.574 lượt người tham dự với 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức và nhân dân các dân tộc tham gia học tập, nghiên cứu, tiếp thu. Việc xây dựng và củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được coi trọng. Thông qua các hội nghị triển khai công tác Mặt trận, hội nghị tập huấn công tác Mặt trận... các Chỉ thị của Trung ương, Tỉnh uỷ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Hội đồng PHPBGDPL tỉnh đã được lãnh đạo, cán bộ chuyên trách MTTQ các huyện, thị xã và khu dân cư tiếp thu, quán triệt, triển khai. Ngoài lực lượng báo cáo viên là cán bộ chuyên trách Mặt trận, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, hệ thống MTTQ các cấp luôn mở rộng lực lượng tuyên truyền viên là Trưởng, Phó Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín, tổ viên tổ hoà giải cơ sở. Toàn tỉnh đã xây dựng và củng cố được: 98 Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở 98/98 xã, phường, thị trấn với 850 thành viên; 1.107 Trưởng Ban công tác Mặt trận, thành lập các câu lạc bộ đa chức năng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở cấp xã; 1.107 Tổ hoà giải cơ sở và với 1.300 Già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở thôn bản, cộng đồng. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật ở khu dân cư.
Qua 4 năm thực hiện, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền, phổ biến tới cộng đồng dân cư các Bộ luật, Luật và các văn bản pháp luật mới được ban hành và sửa đổi như: Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật tố tụng Dân sự, Bộ Luật tố tụng Hình sự, Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Bầu cử HĐND, Luật Đất đai, Luật Giáo dục, Luật MTTQ Việt Nam, Luật bảo vệ tài nguyên môi trường, Luật phòng chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn... góp phần làm chuyển biến nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được lồng ghép với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đến nay đã có 1.024/1.107 thôn, bản, khu phố xây dựng được Quy ước, trong đó 946 bản Quy ước được UBND huyện, thị phê duyệt; đã có 350 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư tiên tiến, 272 khu dân cư đạt khu dân cư văn hoá; 34.250 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá. Đã cung cấp 109.145 tờ bướm, tờ gấp tuyên truyền, phát hành 9.000 cuốn "Thông tin công tác Mặt trận tỉnh Lai Châu" tới các khu dân cư, các hộ gia đình trong toàn tỉnh. Duy trì tốt 11 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma tuý và 15 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn xã hội...
Qua việc triển khai công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, gắn với việc thực hiện nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" cho thấy: Nhận thức, ý thức tổ chức kỷ luật, thói quen tìm hiểu, chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã được nâng lên một bước và đạt được những kết quả đáng khích lệ, chất lượng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có sự chuyển biến tốt, tình hình vi phạm pháp luật, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa ph­ương có những chuyển biến theo hướng tích cực, an ninh quốc phòng được giữ vững.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Lai Châu vẫn còn một số hạn chế tồn tại về: kinh phí tuyên truyền và xây dựng tủ sách pháp luật trong hệ thống Mặt trận; về phương thức nắm bắt thông tin, phương thức truyền tải tới đối tượng thụ hưởng. Công tác nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến còn chưa thường xuyên, liên tục... Các hình thức tuyên truyền chủ yếu vẫn mang tính chất lồng ghép vào các cuộc vận động, các phong trào thi đua. Nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn còn thụ động, yếu và lúng túng trong việc triển khai thực hiện. Công tác tập huấn nghiệp vụ báo cáo viên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở còn hạn chế, do đó hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có lúc có nơi còn hạn chế, chưa đồng bộ và rộng khắp. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục mở các lớp tập huấn về công tác nghiệp vụ tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật đến đội ngũ cán bộ, cộng tác viên; đồng thời biên soạn và cung cấp bổ sung tài liệu pháp luật phù hợp với các vùng, miền để việc tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư đạt hiệu quả ngày càng tốt hơn²
                                                         
                                     Hà Phương

>> Thông tin Công tác Mặt trận số 94 (4-2011)

No comments:

Post a Comment

Ghi rõ nguồn sachvn247.blogspot.com khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright © 2011. sachvn247 - All Rights Reserved
Design by Namkna
Xem tốt nhất ở độ phân giải 1024 x 768 pixel